Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhắc đến Gạc Ma để hướng đến khát vọng hòa bình

Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, dự kiến Gạc Ma xuất hiện trong sách giáo khoa từ cấp THCS đến cấp THPT với mục đích khẳng định chủ quyền của Tổ quốc, hướng đến hòa giải lịch sử.

Chương trình Lịch sử trong SGK mới sẽ ra sao? Chủ biên chương trình môn Lịch sử cho hay sẽ xây dựng theo các nguyên tắc trung thực, khoa học, khách quan, toàn diện, nhân văn.

T

rao đổi với Zing.vn ngày 13/3, Chủ biên chương trình môn Lịch sử mới - GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội - chia sẻ về những thay đổi trong chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử. 

Cần 'độ lùi lịch sử'

- Thưa GS.TS Phạm Hồng Tung, vì sao sau 30 năm, dự kiến sự kiện Gạc Ma xuất hiện trong sách giáo khoa (SGK) và chương trình Lịch sử mới?

- Giống như tất cả sự kiện lịch sử khác của Việt Nam và thế giới, chúng ta đều cần có thời gian để nghiên cứu, thậm chí cần “độ lùi lịch sử” nhất định để sưu tập, kiểm chứng tư liệu; chiêm nghiệm, đánh giá đúng bản chất vai trò, vị trí của sự kiện trong tiến trình lịch sử dân tộc và khu vực, thế giới.

Gạc Ma cũng là sự kiện như vậy, phải nghiên cứu rất cẩn trọng. Hơn nữa, việc công bố kết quả nghiên cứu sẽ ảnh hưởng quá trình nhận thức lịch sử của toàn xã hội. Việc 30 năm sau chúng ta mới dự kiến đưa sự kiện Gạc Ma trong SGK và giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông mới càng phải cẩn trọng hơn.

Một nhà nghiên cứu có thể công bố kết quả của mình với những tồn nghi, và có ý kiến khác nhau để cùng trao đổi, thảo luận, nhưng những kiến thức đã được đưa vào trường phổ thông thì phải đạt trình độ nhận thức tương đối đầy đủ và ổn định. Bởi những kiến thức này, với tính chất giáo dục của mình, sẽ góp phần định hình nhận thức giới trẻ về quá khứ về tương lai.

gac ma xuat hien trong sgk anh 1
GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Quyên Quyên. 

- Gạc Ma nói riêng và những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm khác của dân tộc ta sẽ được giảng dạy theo nguyên tắc nào trong chương trình mới, thưa ông?

- Sự kiện Gạc Ma cũng giống như tất cả sự kiện lịch sử khác, cần đảm bảo tính khách quan, trung thực. Đó là nguyên tắc cơ bản, tuyệt đối cần tuân thủ cho bất cứ công trình nghiên cứu hay giảng dạy lịch sử nào.

Khi chúng ta dạy về Gạc Ma hay cuộc chiến của An Dương Vương chống quân Triệu Đà, kháng chiến chống Nguyên Mông, chống quân xâm lược nhà Minh, rồi quân Mãn Thanh…, hải chiến Hoàng Sa năm 1974, đến các cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, các sự kiện Vị Xuyên, Gạc Ma năm 1988, đều phải tôn trọng sự thật lịch sử khách quan. Tránh tình trạng viết không đúng, sau này khi các em tìm thấy sự thật sẽ cho rằng chúng ta nói dối, mất lòng tin vào lịch sử.

Đồng thời, việc đưa lịch sử diễn ra trong quá khứ ảnh hưởng hiện tại và tương lai, nhất là khi nói về các cuộc chiến tranh, xung đột đã có mất mát.

Vì vậy, nguyên tắc mà chúng tôi tuyệt đối tuân thủ là: Khoa học, nhân văn, tiến bộ. Đó là nguyên tắc đạo đức của nhà sử học và của nhà giáo dục lịch sử. Việc nghiên cứu và giảng dạy về những sự kiện lịch sử để khép lại quá khứ, hóa giải hận thù, hóa giải mâu thuẫn, hướng đến tương lai hòa hợp, hòa bình, hợp tác, hữu nghị để cùng phát triển.

Tất cả cuộc chiến tranh đều là nỗi đau, mất mát của nhân loại. Chúng ta cần hướng nhân loại đến khát vọng yêu hòa bình, tránh xung đột trong tương lai, để tìm đến giải pháp khác ngoài chiến tranh, để giải quyết mâu thuẫn, bất đồng giữa các dân tộc, nếu có.

Chúng ta phải giáo dục thế hệ tương lai hướng đến hòa giải lịch sử. Nhân dân, thế hệ trẻ Việt Nam và Trung Quốc không mong muốn gì hơn ngoài việc hướng đến tương lai phát triển bền vững trong hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Dự kiến lần đầu đưa Gạc Ma vào sách giáo khoa Lịch sử sau 30 năm

Thầy Trần Trung Hiếu cho biết dự kiến Gạc Ma xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử mới, được công bố trong thời gian tới.

Dự kiến Gạc Ma xuất hiện 3 lần trong SGK

- Cụ thể, dự kiến cuộc chiến Gạc Ma xuất hiện trong SGK chương trình mới như thế nào?

- Với những sự kiện lịch sử đã lùi xa, đạt tới trình độ nhận thức tương đối ổn định, chúng ta có thể thông qua các câu chuyện lịch sử giới thiệu cho học sinh theo cách đơn giản, ngay từ lớp 4, 5. Tuy nhiên, Gạc Ma là sự kiện còn có những điểm cần phải tiếp tục tìm hiểu, dự kiến sẽ được đưa vào 3 chỗ của chương trình Lịch sử phổ thông mới.

Thứ nhất là hợp phần lịch sử của môn Lịch sử và Địa lý cấp THCS. Học phần này sẽ giúp các em tìm hiểu thông sử Việt Nam, khu vực Đông Nam Á. Sự kiện Gạc Ma dự kiến được đưa vào nội dung lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á từ 1986 đến nay. Sự kiện này sẽ được đặt trong bối cảnh lịch sử dân tộc và lịch sử khu vực, lịch sử thế giới để xem xét, trình bày.

Chúng ta phải giáo dục thế hệ tương lai hướng đến hòa giải lịch sử. Nhân dân, thế hệ trẻ Việt Nam và Trung Quốc không mong muốn gì hơn ngoài việc hướng đến tương lai phát triển bền vững trong hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

GS.TS Phạm Hồng Tung

Thứ hai, bậc THCS có một chủ đề tích hợp, dự kiến đặt tên là Biển đảo Việt Nam, có các nội dung là Địa lý tự nhiên, Kinh tế biển, Tài nguyên biển, Lịch sử chủ quyền biển đảo của Việt Nam, bao gồm lịch sử quá trình khẳng định và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có sự kiện Gạc Ma 1988, hải chiến Trường Sa 1988 và nói đến tình hình hiện nay.

Điều này để nói lên việc chúng ta khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam với những bằng chứng lịch sử và pháp lý quốc tế thật sự thuyết phục, chẳng hạn như quyết nghị của Hội nghị hòa bình San Francisco.

Như vậy, cuộc đấu tranh bảo vệ và thực hiện chủ quyền quốc gia đối với Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là chính nghĩa. Do đó, việc Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, đặc biệt dùng vũ lực để thảm sát 64 chiến sĩ ở đảo Gạc Ma năm 1988 là hành động trái với chính nghĩa thông thường, trái với công ước và luật pháp quốc tế, chà đạp lên căn cứ lịch sử và pháp lý hiển nhiên.

Đồng thời, chúng ta phải bác bỏ một số lập luận của Trung Quốc rằng nước này làm chủ Biển Đông từ thời Tây Hán.

Điều này cần được hiểu như sau: Ngay từ rất sớm, trước cả thời Tây Hán (thế kỷ 2 TCN) có thể có người Hán đến Biển Đông, kể cả Trường Sa, nhưng so với người Đông Nam Á (bản địa) và với thương nhân Ấn Độ, sự có mặt và ảnh hưởng của người Hán vô cùng mờ nhạt. 

Người Ấn Độ đến buôn bán và mang văn minh sang truyền bá ở khu vực Đông Nam Á. Họ tương tác sâu sắc với cư dân bản địa ở đây và để lại dấu vết văn hóa, văn minh vô cùng sâu rộng, ưu trội hơn hẳn ảnh hưởng của người Hán. Vậy mà có ai coi đó là dấu tích để người Ấn Độ đòi hỏi “chủ quyền” của họ ở Biển Đông và Đông Nam Á đâu?

Ở phần thứ ba, Gạc Ma dự kiến được dạy trong cấp THPT với hai chủ đề là Lịch sử các cuộc chiến tranh giải phóng bảo vệ Tổ quốc và chủ đề Biển Đảo Việt Nam.

Ở cấp học này, học sinh sẽ tìm hiểu về sự kiện Gạc Ma 1988 trong cái nhìn xuyên suốt của truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc để giữ từng tấc đất của Tổ quốc, rút ra bài học xuyên suốt lịch sử.

- Theo GS, sự kiện lịch sử Gạc Ma sẽ mang đến bài học giáo dục như thế nào cho giới trẻ?

- Đất nước ta là một quốc gia đất không rộng, người không đông, kinh tế chưa phải là mạnh, nhưng thường xuyên phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm hung hãn. Vì vậy, phải bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh đoàn kết của toàn dân, của sự kết hợp với sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Học sinh ngày nay có thể thích Sơn Tùng M-TP, yêu đội tuyển U23 Việt Nam là những điều tốt, nhưng các em phải có nền tảng để hiểu rằng những điều đó sẽ thành vô nghĩa nếu chủ quyền đất nước không bảo vệ được.

Độc lập, tự do của Tổ quốc chính là cơ sở, nền tảng để phát triển toàn diện cá nhân, cộng đồng và toàn dân tộc. Mỗi thế hệ phải bảo vệ Tổ quốc bằng trái tim yêu nước, bằng trí tuệ ngang tầm thời đại và sự đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Đồng đội và người thân liệt sĩ Gạc Ma xúc động thả vòng hoa xuống biển Đồng đội và thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh Quảng Trị đến Nghệ An tổ chức cúng vong linh liệt sĩ Gạc Ma và thả xuống biển vòng hoa màu cờ Tổ quốc.

'Dạy Lịch sử thiếu biển đảo như vẽ người không đôi mắt'

Đó là khẳng định của cô giáo Nguyễn Lan Phương, trường THCS Đoàn Kết, Hà Nội. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần nhanh chóng đưa chiến tranh bảo vệ biển đảo vào sách giáo khoa.


Quyên Quyên thực hiện

Bạn có thể quan tâm