Minh Mạng là một trong những ông vua nổi tiếng nhất của triều Nguyễn. Theo nhiều nhà sử học, Minh Mạng là vị vua trị vì quốc gia của người Việt rộng lớn nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến.
Đầu tư cho thủy quân
Không chỉ xác lập quyền sở hữu trên đất liền, vua Minh Mạng còn đặc biệt quan tâm việc lập chủ quyền của nước ta trên biển Đông, nhất là ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong hơn 20 năm trị vì đất nước, nhà vua đã xây dựng Đại Nam thành quốc gia mạnh trong khu vực. Quân đội được tổ chức rất quy củ, trong đó, thuỷ binh được lập thành bộ riêng, với trang bị khá hiện đại so với thời bấy giờ.
Theo sách Đại Nam thực lục, Minh Mạng rất quan tâm việc xây dựng thuỷ quân. Ông cải tiến, định kích thước và kiểu dáng cho từng hạng thuyền, thống nhất trong phạm vi cả nước để các xưởng đóng cho chuẩn.
Năm 1822, vua cho mua một chiếc thuyền bọc đồng của Pháp, đặt tên là Điện Dương, sau đó sai thợ đóng lại theo mẫu. Thuyền bọc đồng được phân thành 4 hạng khác nhau, hạng rất lớn, hạng lớn, hạng vừa và nhỏ.
Châu bản triều Nguyễn, tư liệu quan trọng minh chứng Việt Nam đã thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: Hồng Chuyên/Infonet. |
Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết đến năm 1838, vua cho mua một chiếc tàu máy hơi nước cũ của Pháp, tháo ra nghiên cứu để lấy mẫu đóng thử. Tháng 4 năm sau, chiếc tàu máy hơi nước đầu tiên của nước ta đóng xong và chạy thử thành công. Không chỉ đóng tàu để thực hiện mục đích giao thương, vua Minh Mạng còn hướng tới trang bị cho thuỷ quân.
Ông từng nói với Binh bộ Thượng thư Trương Đăng Quế rằng: “Trẫm muốn các ngươi trù tính kỹ càng, làm thành quyển sách thủy chiến, giao cho quân lính ngày đêm học tập, đó mới là cách phòng bị trước khi có việc”.
Sách sử cũng ghi lại lời ông: “Bờ cõi nước ta chạy dài theo ven biển, phái quân đi tuần bể, có nhiều đường ngách, hoặc phải bỏ thuyền mà đánh trên bộ, hoặc phải dời dinh mà vây dưới nước. Như thế thời bộ binh cần phải biết cách đánh dưới nước, thủy binh cũng cần phải biết cách đánh trên bộ, cần dụ các viên Thống quản ở kinh sức cho quân lính dưới quyền, cố gắng diễn tập sao cho hết thảy đều tinh, nên người quân mạnh”.
Năm 1834, vua Minh Mạng cho xây dựng pháo đài phòng thủ trên một số hòn đảo trọng yếu, lệnh cho quan chức các địa phương nơi có dân cư sinh sống tại các đảo, bãi ngoài biển phải dùng tiền công quỹ đóng thuyền cho họ đi lại và cấp cả gươm giáo, súng đạn để phòng bị giặc biển.
Triều đình cũng ban quy định về lệ đi tuần để đánh đuổi cướp biển, thuyền ngoại quốc có ý đồ xâm phạm hải đảo của quốc gia.
Xác lập chủ quyền biển đảo
Theo sách Đại Nam thực lục, năm 1834, vua sai đội trưởng đội Hoàng Sa là Trương Phúc Sĩ dẫn 20 thủy thủ đi đo đạc, vẽ bản đồ, đo độ nông sâu, địa thế các đảo và duy trì thường xuyên. Những người không hoàn thành nhiệm vụ bị xử phạt nghiêm khắc.
Tháng giêng năm 1836, các quan ở bộ Công dâng sớ tâu rằng: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất hiểm yếu, trước kia đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hàng năm, triều đình nên phái người đi dò xét để thuộc đường biển”
Chấp thuận ý kiến của các đại thần, vua còn căn dặn phải “ghi nói minh bạch trong họa đồ để về trình lên".
Ngoài hoạt động bảo vệ chủ quyền, khai thác tài nguyên biển, vua Minh Mạng còn lệnh cho thủy quân làm nhiệm vụ cứu hộ, giúp đỡ các tàu thuyền không cứ của nước ngoài gặp nạn trên vùng biển nước ta. Năm Bính Thân (1836), thủy quân đã cứu giúp thuyền buôn của nước Anh gặp bão tại Hoàng Sa, cứu hơn 90 người đưa vào bờ biển Bình Định cấp lương thực, nước uống, thuốc men.
Hiện nay, chúng ta vẫn còn lưu giữ được rất nhiều Châu bản thời Nguyễn có nội dung liên quan việc thực thi chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong đó, riêng đời vua Minh Mạng và Thiệu Trị, chúng ta vẫn còn giữ lại được ít nhất 11 Châu bản liên quan đến việc xác lập chủ quyền của nước ta ở Trường Sa, Hoàng Sa.
Theo VOV. trong hơn 700 Châu bản được lưu giữ, khoảng 19 tờ Châu bản thể hiện rất cụ thể việc triều Nguyễn thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nội dung các tờ châu bản phản ánh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo này.
Trong 19 Châu bản về Hoàng Sa, Trường Sa, có 14 văn bản đề có bút phê của các vua triều Nguyễn về việc nhà vua cử các đội ra Hoàng Sa để thăm dò hoặc phê chuẩn thưởng/phạt trong việc bảo vệ Hoàng Sa-Trường Sa.