“Nghe các nhạc sĩ trẻ bây giờ sáng tác tôi thấy… hoảng hốt lắm. Nghe âm nhạc của các bạn ấy, tôi muốn nghỉ luôn, không làm nhạc nữa.” Dù không muốn nhưng vẫn phải thừa nhận, lời tâm sự mới đây của nhạc sĩ Bảo Chấn đã điểm trúng huyệt của nền nhạc trẻ Việt Nam những năm gần đây: vừa nghe vừa… hoảng hốt.
Từ các nhạc sĩ gây hoảng hốt cho đến các ca sĩ cũng gây hoảng hốt, nếu như có thể gọi họ là ca sĩ. Tất nhiên, đề xuất phát thẻ hành nghề của ca sĩ Minh Quân cũng có phần hơi quá, nhưng nói cho cùng, với những người làm nghề tử tế, họ làm sao không thấy “chướng tai gai mắt” khi nghe những ca khúc nhố nhăng từ những ca sĩ chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng.
Có thấy các sản phẩm đầu tư ba năm vẫn xổi của Chi Pu thâm nhập vào đời sống nhạc trẻ hiện đại, người ta mới thầm hiểu tại sao trước đây, ông trùm truyền thông Rupert Murdoch lý giải cho sự thành công của mình, khán giả đời nào cũng quan tâm những thứ nhảm nhí, lá cải. Càng nhảm nhỉ thì càng nhiều sức hút.
Giữa cái chợ âm nhạc thị trường thượng vàng hạ cám ấy, để đãi được vàng rất khó, nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Bởi vì thật may sao, Vpop 2017 vẫn có những nghệ sĩ với khát vọng làm nghề tử tế, những nghệ sĩ không thỏa hiệp.
Hà Anh Tuấn - làm nhạc không cần sang, nhưng phải làm cẩn thận
Ca sĩ Hà Anh Tuấn. |
Mười năm trước, anh là kẻ ngoại đạo trong âm nhạc. Mười năm sau, anh đã có gia tài không nhỏ với 7 album phòng thu, 2 album đôi, có cả một liveshow kỷ niệm một thập kỷ ca hát, nhưng có lẽ, sau tất cả, Hà Anh Tuấn vẫn là một kẻ ngoại đạo.
Cách anh làm chẳng giống ai, Tuấn nói mình không có fanclub chính thức, cũng chưa từng tổ chức hoạt động nào để chiều chuộng người hâm mộ. Anh tài tử, điều đó thì khỏi bàn, anh hát khi cảm thấy cần phải hát, khi cảm thấy cần dừng lại thì anh dừng lại.
Trong đêm nhạc Fragile mà Hà Anh Tuấn so sánh như một chuyến bay cất cánh cảm xúc, anh hát: ”Bước chân giữa mùa đông anh thấy mình lạc lõng giữa đám đông người qua. Tiếng nói vẫn cười vang anh thấy mình lọt thỏm giữa những chuyến xe ngang”.
Trạng thái của Hà Anh Tuấn giữa showbiz có lẽ cũng là như vậy, một mình lạc lõng, chẳng thuộc về đâu. Diva hay divo, anh không phải. Hitmaker, anh cũng không phải nốt. Anh hát cả Trịnh Công Sơn, lại hát cả Tuyết rơi mùa hè, Vợ người ta...
Việc anh cover các bài hát của nhạc Việt xưa trong dự án See Sing Share, người cảm tính thì thích, người hay vặn vẹo thì đặt câu hỏi: hết bài mới rồi hay sao mà phải diễn lại nhạc cũ, lại cũng có người bảo anh hát nhạc kém sang.
Nhưng với Tuấn thì âm nhạc không chia đẳng cấp sang hèn, chỉ có người làm nhạc chỉn chu và người làm nhạc cẩu thả. Tuấn có thể là người rong chơi trong âm nhạc nhưng không chơi thì thôi, đã chơi là chơi tới bến.
Giữa thực đơn âm nhạc Vpop đa số là những món đồ ăn nhanh vô bổ, nghe anh hát Người tình mùa đông, Tháng tư là lời nói dối của anh, Tình thôi xót xa… có khác nào đang đi giữa sa mạc thì gặp giếng nước trong, uống đến đâu tỉnh người đến đấy?
Vũ Cát Tường - cứ cống hiến đi, khán giả đón nhận thế nào thì 'Let it be'
Cô nhạc sĩ bé nhỏ xinh xinh từng thổ lộ, có lần tới New York, rủ một người bạn cùng chơi nhạc dạo ngay trên quảng trường Thời đại, lúc ấy đã là hai giờ sáng rồi, nhưng chỉ mới hát chừng hai phút thì đã có hàng trăm người tụ tập vào xem, vỗ tay, thậm chí còn bỏ lại ít tiền cổ vũ.
Cát Tường nói, khi đó cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì chạm được vào trái tim những người xa lạ trên đường.
Ca sĩ - Nhạc sĩ Vũ Cát Tường. |
Đâu phải Vũ Cát Tường chưa từng hát trước nhiều khán giả? Mới hai tháng trước, trong đêm nhạc mừng sinh nhật tuổi 25, Tường đã được chứng kiến 3.000 khán giả cùng đồng thanh hát chúc mừng mình.
Cô đã diễn đủ các sân khấu lớn nhỏ, lên truyền hình cũng nhiều như cơm bữa, ấy thế mà vẫn thấy vui khi thử đi hát rong và được những người qua đường ghé lại.
Một người nghệ sĩ hẳn cứ phải vui vì những điều nhỏ bé như thế thì mới có đủ khả năng để làm những điều to lớn, vui vì mình khiến cho vài trăm người nghe vui chứ không phải vì video mình cán mốc mấy triệu view hay nhờ mình mà rating Bữa trưa vui vẻ tăng lên gấp mấy lần.
Khác với Hà Anh Tuấn “đòi hỏi” cao ở khán giả: “Nếu See Sing Share không được khán giả ủng hộ thì chưa chắc tôi sẽ đi tiếp với âm nhạc.”, Vũ Cát Tường lại là kiểu: “Việc của người nghệ sĩ là cống hiến, là ra sản phẩm, còn khán giả đón nhận thế nào thì… let it be. Với tôi chỉ cần được hát, được học, được trải nghiệm đã là đầy đủ”.
Nói là âm nhạc của Vũ Cát Tường già dặn thì không hẳn, đa phần cô vẫn sáng tác những bản tình ca hiện đại dễ rung động, dễ yêu, dễ thích, từ các hit cũ như Vết mưa, Yêu xa cho đến các ca khúc mới như Mong anh chờ (sáng tác cho Mỹ Tâm), Cô gái ngày hôm qua (nhạc phim Cô gái đến từ hôm qua)… nhưng cách cô đối xử với các bài hát rất đặc biệt.
Tường không phải nhạc sĩ chỉ chăm chăm tìm một giai điệu tương đối bắt tai rồi tống tất cả những câu sáo rỗng “anh yêu em”, “anh nhớ em” vào là thành lời bài hát.
Lời Tường viết làm người ta khắc khoải nhớ nhạc tình Việt Nam một thuở, cái thuở lời đẹp như thơ: “Biến nỗi nhớ trong anh thành mong manh, rồi kéo nỗi nhớ trong anh lại mây xanh”, “Đây cà phê nhớ em, đây hàng me nhớ em, đây Đông Du nhớ em bên anh mỗi khi tan ca. Anh mong sao ngày chóng qua”.
Nghệ sĩ indie - làm nhạc không vì nổi tiếng
Một ngôi sao Hong Kong từng nói: “Làm nghệ sĩ mà không mong nổi tiếng thì làm nghệ sĩ làm gì?”. Thế nhưng thực tế, vẫn có rất nhiều nghệ sĩ không màng nổi tiếng.
Khi dòng nhạc chính thống càng ngày càng đi theo lối mòn, người ta lại tìm đến với nhạc indie (độc lập). Không bị kìm kẹp bởi các công ty quản lý, không bị chi phối bởi thương mại, không bị đòi hỏi ở khán giả, những người làm nhạc độc lập vì thế chỉ có mỗi một mục tiêu: làm nhạc hay.
Như Ngọt chẳng hạn, họ đào đâu ra tiền mà làm MV tiền tỷ với quần áo hàng hiệu, diễn chung với rắn hay tổ chức thi hoa hậu? Vì thế mà họ làm MV đơn giản, nhưng quan trọng, bài hát có chất. Mà họ lại cũng không có tiền để thuê nhà sản xuất của T-ARA về, nên ngay cả trong quá trình sản xuất, họ cũng chỉ có thể tập trung vào những việc cơ bản là viết nhạc cho hay, chơi nhạc cho tốt.
Như các ban nhạc indie khác, nhạc của Ngọt cũng hơi “dẩm”, lời hát nhiều khi như lời nói, không hề trau chuốt: “Ôi sáng nay sao, làm sao làm sao. Tôi thấy ai treo đầu tôi lên cao (…) Trong suốt năm nay tôi đã làm gì không biết, năm nay tôi cứ về rồi đi. Cứ thế tôi đi đi tới công ty. Năm tháng vui chơi biệt ly, biệt ly”. Ấy thế nhưng nó lại chạm đúng cái tâm trạng chán chường, mất phương hướng, cái gì mình làm cũng sai, cũng nhạt của những người ở độ tuổi 20 hôm nay.
Ban nhạc Ngọt. |
Có người bảo, thời đại này đâu phải nghe nhạc mà là xem nhạc. Với riêng dòng indie, nhạc vẫn là để nghe. Như Túy Âm, một trong những siêu hit của năm 2017, làm gì thực sự có một cái MV?
Thậm chí khi mới ra mắt, chẳng ai biết những Xesi hay Nhật Nguyễn là ai cả, người ta nghe nhạc theo nghĩa đen của từ này, nghe cái giai điệu ngả nghiêng như say, nghe giọng phiêu diêu hát những lời huyễn ảo: “Dẫu năm tháng ấy còn đâu những đam mê ta kiếm tìm? Màu mắt xanh ngời lạc giữa mây ngàn về chốn xa xôi.”. Và người ta thấy hay nên nghe đi nghe lại, vậy thôi.
Sơn Tùng M-TP - hãy cho Tùng thời gian làm những sản phẩm mới
Đạo nhạc, đạo MV, đạo trang phục… scandal đạo nào hình như Sơn Tùng cũng dính qua rồi. Khi Sơn Tùng nhận giải Cống hiến, ca sĩ Tùng Dương đã công khai đả kích: “Cứ hào phóng trao giải thưởng đi các vị. Trước khi đặt bút bầu chọn Nghệ sĩ của năm thì suy nghĩ và nhìn nhận, đánh giá và soi kỹ nhé" . Tùng Dương có lý do chính đáng để gay gắt như vậy.
Có thể Sơn Tùng chưa phải là một người làm nhạc tử tế theo cách hiểu của nhiều người, nhưng một điều chắc chắn, Sơn Tùng là nghệ sĩ có khát khao làm nhạc tử tế.
Việc là thần tượng của thế hệ teen “trẻ trâu”, MV toàn trăm triệu lượt xem, ngày nào cũng được cho ngồi lên mặt báo, điều mà ta nghĩ là thế mạnh của Tùng, thực ra lại là hạn chế. Những tranh cãi cò cưa vớ vẩn khiến nhiều khi người ta quên đi thứ quan trọng nhất trong sản phẩm của Tùng: âm nhạc.
So với những ca khúc ngô nghê của các ca sĩ trẻ đương thời, Lạc trôi mà lại không hay sao? Lời bài hát rất cầu kỳ đấy chứ, rất có chất một áng thơ Đường: “Tiếng khóc cuốn theo làn gió bay. Thuyền ai qua sông lỡ quên vớt ánh trăng tàn nơi này”.
Mặc dù một số người lên án, bài hát lai tạp, mất bản sắc, nhưng nhìn trên thế giới, các nhạc sĩ phương Tây cũng mượn nhạc Ấn Độ, mượn nhạc Trung Hoa đấy thôi, có ai bảo họ mất bản sắc đâu? Sáng tạo mà lại cứ rón ra rón rén, cái này cũng không chịu, cái kia cũng không chịu, thì sáng tạo thế nào được.
Ca sĩ - Nhạc sĩ Sơn Tùng M-TP |
Không bàn đến những ca khúc gây tranh cãi như Chắc ai đó sẽ về, Nắng ấm xa dần..., nhưng không thể phủ định Như ngày hôm qua là một ca khúc về tình bạn rất dễ thương, hay Thái Bình mồ hôi rơi là một bài hát rung cảm, thể hiện trí tuệ của người sáng tác.
Và Sơn Tùng ngay lúc này có thể chưa hoàn hảo, nhưng như anh từng viết trên trang cá nhân của mình: “Tùng muốn các bạn hãy cho Tùng thời gian tập trung cho những sản phẩm mới”, hãy cho Sơn Tùng thời gian để chứng minh khát vọng làm nhạc tử tế của mình.
Hãy cho những người trẻ thời gian
Mỗi nghệ sĩ đều phải đi từng bước một để tìm được những giá trị thật trong âm nhạc. Vì vậy, hãy cho các nghệ sĩ khác thời gian. Dù sao thì tương lai thuộc về các nghệ sĩ trẻ, còn các nghệ sĩ già sẽ phải lui xuống, như Khánh Ly nói: “Thời của tôi đã qua”.
Một số người ngay từ đầu đã có gout, đã là cơn gió lạ như Hà Anh Tuấn, một số người sẽ còn cả chặng đường dài nữa mới có thể chứng minh được mình như Sơn Tùng M-TP, một số người sẽ theo dòng nhạc chính thống, một số người lựa chọn trung thành trong “thế giới ngầm”.
Nhưng bất chấp tất cả những sự khác nhau đó, điều quan trọng hơn là, Vpop thực sự cần họ, những con người với mong muốn làm nhạc tử tế.