Người phụ nữ họ Wang, đến từ thành phố Tô Châu (tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc), được tòa án phán quyết nhận tiền bồi thường vì đã “làm vợ và mẹ toàn thời gian trong suốt 7 năm hôn nhân”, theo SCMP.
Năm 2015, Wang và người chồng họ Tan kết hôn và đệ đơn ly hôn ra tòa vào năm nay.
Trong thời gian chung sống, Wang làm công việc nội trợ, chăm sóc cậu con trai sinh non, còn Tan đi làm văn phòng.
Theo luật dân sự hiện hành của Trung Quốc, người vợ hoặc chồng có quyền đòi bồi thường đối phương khi ly dị, nếu họ phải làm nhiều việc nhà trong lúc sinh sống chung. Ảnh: SCMP. |
Sau vài năm đầu của cuộc hôn nhân, cả hai dần hết tình cảm. Năm ngoái, cặp vợ chồng tiến hành ly thân. Wang và con trai dọn ra ở riêng. Người mẹ bắt đầu đi làm bán thời gian từ đó.
Trong quá trình ly hôn, Wang yêu cầu chồng bồi thường cho công việc nội trợ và nuôi dạy con cái mà cô đảm nhận.
“Wang cho biết cô làm tất cả việc nhà bao gồm giặt giũ, nấu nướng, chăm sóc con và mua sắm. Vì vậy, cô ấy yêu cầu được đền bù”, thư ký tòa án địa phương cho biết.
Zhang nói thêm người chồng thường không tôn trọng vợ và phản đối chuyện cô cũng đóng góp đáng kể cho gia đình về mặt tài chính.
Cuối cùng, tòa án phán quyết Tan phải đền bù cho Wang số tiền 30.000 tệ (4.500 USD) và chu cấp tiền nuôi dưỡng hàng tháng cho cậu con trai 7 tuổi đang ở cùng Wang.
Thông tin vụ việc sau đó được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc và gây ra làn sóng tranh cãi. Nhiều người dùng cho rằng số tiền bồi thường quá nhỏ so với khối lượng việc nhà người phụ nữ phải đảm đương.
Phán quyết của tòa án được ủng hộ, song đông người cho rằng số tiền đền bù còn quá nhỏ. Ảnh: China Daily. |
“Tiền công nội trợ quá rẻ mạt. Số tiền đó còn lâu mới đủ để thuê bảo mẫu”, “Các bà vợ nội trợ không phải là trông trẻ miễn phí. Ai cũng biết làm vợ vất vả hơn nhiều so với làm bảo mẫu. Không có gì ngạc nhiên khi ngày càng nhiều phụ nữ sợ hãi kết hôn và sinh con” là hai trong số các bình luận.
“Tôi là một người vợ ở nhà làm nội trợ trong 7 năm. Tôi cảm thấy cô đơn, bị cô lập và thất vọng khi không có kết nối công việc nào bên ngoài. Vì vậy, tôi sẽ không bao giờ khuyến khích con gái mình làm điều tương tự”, một người khác cho hay.
Giá trị của công việc nội trợ trong phân công lao động, nhất là trong các mối quan hệ gia đình đang dần được nâng cao nhận thức rõ ràng hơn trong xã hội Trung Quốc.
Bộ luật Dân sự ban hành năm 2021 quy định vợ hoặc chồng đảm đương nhiều việc nhà, nhận nhiệm vụ nuôi con, chăm sóc người già có quyền yêu cầu người kia bồi thường khi ly hôn.
Đầu năm nay, một tòa án ở Bắc Kinh đã ra phán quyết một phụ nữ phải bồi thường khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.500 USD) cho chồng cũ, người đã một mình nuôi con trong gần 4 năm.
Vào năm 2020, một tòa án khác ở Bắc Kinh cũng ra quyết định tương tự, yêu cầu một người chồng phải trả 50.000 nhân dân tệ (7.500 USD) cho vợ cũ, người đã làm nội trợ trong suốt 5 năm.