Vụ nổ súng xảy ra tại cuộc vận động tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ở thành phố Butler, bang Pennsylvania ngày 13/7 (theo giờ địa phương). Ông Trump sau đó nói trên mạng xã hội rằng mình bị bắn vào tai.
Blake Marnell (59 tuổi) đến từ San Diego, một người ủng hộ ông Trump, đã kể lại với tờ Guardian về khoảnh khắc kinh hoàng khi đang ngồi "hàng ghế đầu ở giữa cùng một số người bạn, xem ứng cử viên tổng thống phát biểu" ở phía tây bang Pennsylvania.
"Khi đó, ông ấy đang nói về vấn đề nhập cư. Ông ấy có một slide trên màn hình lớn, Jumbotron. Tôi đang xem chăm chú thì nghe thấy một số tiếng nổ", ông Marnell nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, lưu ý rằng ông "nhận ra âm thanh phát ra từ bên trái của mình khi nhìn thẳng về phía trước vào tổng thống".
Marnell kể ông "không biết" những âm thanh khi đó là gì - thứ mà sau đó được báo chí đưa tin là tiếng súng. Ông cũng "không được đào tạo để có thể phân biệt tiếng súng, tiếng pháo hay thứ gì đó tương tự".
Ông Trump được đưa đi sau khi bị bắn. Ảnh: New York Times. |
"Tôi hy vọng đó chỉ là một trò đùa, một trò đùa tệ hại", người đàn ông U60 nói. Marnell cũng nhìn thấy ông Trump lập tức được các mật vụ ghì sát xuống mặt đất để bảo vệ.
Sau đó, Marnell tiếp tục nghe thấy các tiếng động. "Tôi khom người xuống và khi thấy không còn tiếng động nào nữa, tôi đứng dậy một chút và cố gắng quan sát những gì họ đang làm ngay phía sau bục phát biểu".
"Tôi có thể nghe thấy các mật vụ nói chuyện. Tôi không nghe thấy bất kỳ cuộc gọi y tế nào. Tôi nghe thấy họ bắt đầu phối hợp, 'hãy chuẩn bị đưa ông ấy di chuyển', đếm ngược. Và sau đó họ đưa ông ấy ra ngoài".
Khi đó, Marnell lo lắng rằng ông Trump sẽ bị khiêng đi vì bị thương, nhưng thay vào đó, ứng cử viên tổng thống đứng dậy và giơ nắm đấm một cách thách thức.
"Tôi nhìn thấy máu ở phía trên tai phải của ông ấy. Tôi không thể nói chính xác máu chảy ra từ đâu. Ông ấy có thể đã bị xây xát ở tai khi mật vật xuống. Có thể là do súng bắn hoặc do va chạm. Tôi không biết máu chảy ra từ đâu".
"Rõ ràng là có máu. Tôi cũng không thể nói đó có phải là máu của ông ấy không; một mật vụ có thể bị đứt tay và dây máu vào đầu ông ấy", Marnell suy đoán.
Theo ông, nước Mỹ "cần phải giải quyết những bất đồng tốt hơn".
"Thật khó để phản ứng khi tôi không biết nó nghiêm trọng đến mức nào. Tôi đã cầu nguyện cho ông ấy cũng như nhiều người khác. Chúng tôi đã cùng nhau cầu nguyện. Tôi thận trọng lạc quan dựa trên cách tôi thấy ông ấy rời đi, nhưng không thể biết chính xác tình hình".
Một người tham gia cuộc vận động tranh cử, tự giới thiệu với CBS News là bác sĩ phòng cấp cứu, kể lại rằng đã nghe thấy giọng ai đó nói: "Ông ấy đã bị bắn".
Người tham gia cuộc vận động tranh cử, với chiếc áo dính nhiều vết máu, cho biết anh nhìn thấy một người đàn ông bị thương do đạn bắn vào đầu, người này đã bị quay cuồng và "kẹt giữa các băng ghế". Anh ta đã cố gắng thực hiện hô hấp nhân tạo cho người đàn ông bị thương trước khi nạn nhân được đưa lên trực thăng y tế.
Hiện trường vụ án. Vụ việc đang được điều tra theo hướng một vụ âm mưu ám sát. Ảnh: New York Times. |
Chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social sau khi đã có xác nhận an toàn và tình trạng sức khỏe đã ổn, ông Trump cho hay: "Tôi bị một viên đạn xuyên qua phần trên tai phải. Thật không thể tin được hành động như vậy lại có thể xảy ra ở đất nước chúng ta".
"Tôi muốn bày tỏ lòng thương tiếc tới gia đình khán giả thiệt mạng tại sự kiện, cũng như gia đình của người bị thương", ông nói thêm trên mạng xã hội Truth Social. "Đến hiện tại chúng ta chưa biết gì về tay súng đã thiệt mạng".
Cựu tổng thống cho hay ông "ngay lập tức cảm nhận có điều không ổn khi nghe tiếng rít, tiếng nổ và ngay sau đó cảm thấy viên đạn sượt qua da".
"Máu chảy nhiều nên tôi biết điều gì đang xảy ra. Chúa phù hộ nước Mỹ", ông Trump bày tỏ.
Vụ việc đang được điều tra theo hướng một vụ âm mưu ám sát.
Các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với CNN rằng, hoạt động bảo vệ của Cơ quan Mật vụ với cựu Tổng thống Donald Trump gần đây đã được tăng cường.
Ông Trump lần đầu tiên được Cơ quan Mật vụ bảo vệ vào tháng 11/2015 và bày tỏ sự hài lòng vào thời điểm đó.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.