Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

Nhân lực CNTT: Đào tạo khập khiễng với nhu cầu

Theo dự thảo Quy hoạch nguồn nhân lực Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam đến năm 2015 và định hướng tới 2020 của Bộ thông tin - truyền thông, đến năm 2015, các trường đại học đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam sẽ đạt chuẩn của khu vực ASEAN và 80% sinh viên ra trường sẽ đủ năng lực tham gia thị trường nhân lực toàn cầu

Nhân lực CNTT: Đào tạo khập khiễng với nhu cầu

Nhân lực CNTT: Đào tạo khập khiễng với nhu cầu
Nhân lực công nghệ thông tin đang khập khiễng
Theo dự thảo Quy hoạch nguồn nhân lực Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam đến năm 2015 và định hướng tới 2020 của Bộ thông tin - truyền thông, đến năm 2015, các trường đại học đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam sẽ đạt chuẩn của khu vực ASEAN và 80% sinh viên ra trường sẽ đủ năng lực tham gia thị trường nhân lực toàn cầu

Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành CNTT và công nghiệp phần mềm của Việt Nam trong 3 năm gần đây tăng từ 30-50%, sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm cho lực lượng lao động trẻ nếu như họ được đào tạo CNTT đúng hướng. Ảnh : N.Th

Theo bản báo cáo này, phấn đấu đến năm 2010, phần lớn các cán bộ nhà nước từ cấp trung ương xuống cấp tỉnh, cấp huyện đều có kiến thức về công nghệ thông tin, tất cả giảng viên ĐH, CĐ, THPT, một nửa giáo viên THCS và 30% giáo viên tiểu học sử dụng thành thạo máy tính.

Đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu

Thực tế cho thấy hệ thống đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong nước vẫn tồn tại nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng và phát triển tin học của đất nước. Quan điểm chung của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp về công nghệ thông tin và truyền trông trong Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch 58 (2001 – 2005) do Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin và Bộ Bưu chính - viễn thông tổ chức hồi tháng 6.2007 cũng thừa nhận điều này. Kết quả giám định kỹ năng kỹ sư CNTT cơ bản căn cứ vào tiêu chuẩn của Nhật Bản tại Trung tâm sát hạch và hỗ trợ đào tạo VITEC thuộc Bộ Khoa học công nghệ, từ năm 2001 đến 2005, trong 2.285 kỹ sư tham gia thi chỉ có 367 người được cấp chứng chỉ, chiếm tỷ lệ 16,06%.

Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - viễn thông, từng cho rằng: “Đào tạo nguồn nhân lực cao cấp ở các trường đại học trong nước là chưa đạt yêu cầu. Nói là đào tạo nhân lực cao cấp, nhưng thực tế chúng ta mới đào tạo ở mức phổ cập đại trà. Kỹ sư CNTT ra trường làm gì liên quan đến CNTT cũng được, nhưng về chuyên môn thì chưa đủ chất lượng so với nhu cầu về nguồn nhân lực”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung thừa nhận, theo đánh giá của nhiều hãng nước ngoài mà ông biết, nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam sau đào tạo có nền tảng kiến thức tốt, nhưng năng lực ứng dụng còn rất hạn chế. Ví dụ mới đây, một công ty hàng đầu của Nhật có cử các chuyên gia sang Việt Nam tìm kiếm 5 sinh viên CNTT, đào tạo để làm việc cho hãng, cuối cùng, ròng rã hai tháng chỉ chọn được 3 ứng cử viên.

Nguyên nhân nào?

Ông Nguyễn Ngọc Long - phó khoa công nghệ thông tin Trường đại học Tôn Đức Thắng nói: “Đào tạo CNTT ở các trường đại học hiện nay còn nặng về lý thuyết, chủ yếu dạy nguyên lý, giải quyết các bài toán tổng quát. Do đó, sinh viên khi ra trường chưa được làm quen với công nghệ mới. Phải có thời gian thích nghi với một công việc cụ thể nào đó. Nhà trường chỉ đào tạo nền tảng chứ không đào tạo theo đúng yêu cầu cụ thể của một doanh nghiệp”.

Việt Nam hiện vẫn chưa xây dựng hệ thống chuẩn chất lượng đào tạo CNTT. Và ngành giáo dục vẫn chưa có được hệ thống văn bằng quốc gia, khiến công tác này thiếu sự chuẩn hoá và liên thông

Ông cho rằng, đây là một ngành đặc thù, công nghệ thay đổi hằng ngày hằng giờ, mặc dù nhà trường luôn cập nhật nhưng cũng không thể thoát khỏi chương trình khung, chương trình cơ bản đã định sẵn. Do đó, việc các doanh nghiệp khi sử dụng nhân lực trong từng lĩnh vực cụ thể, việc đào tạo lại cho phù hợp là một yêu cầu “bắt buộc”. Việc yêu cầu các trường đại học cung cấp người theo đúng đòi hỏi của từng doanh nghiệp là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa được các chuyên gia quốc tế đưa ra là Việt Nam hiện vẫn chưa xây dựng hệ thống chuẩn chất lượng đào tạo CNTT. Và ngành giáo dục vẫn chưa có được hệ thống văn bằng quốc gia, khiến công tác này thiếu sự chuẩn hoá và liên thông.

Cần có chuẩn đánh giá chất lượng

Có thể nói, số lượng đầu mối về đào tạo CNTT trong những năm gần đây đã tăng rất nhanh, các loại hình đào tạo đã được đa dạng hoá, các chính sách ưu đãi cũng đã được ban hành. Ngoài các trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành CNTT, các cơ sở đào tạo phi chính quy liên kết với nước ngoài như Aptech, NIIT, Informatics Vietnam, Informatics Singapore, KENT... cũng được mở ra ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... Ngoài ra, còn một số lượng lớn các cơ sở liên kết với các trường đại học lớn ở nước ngoài được các trường đại học ở các thành phố lớn triển khai. Đó là chưa nói đến các trung tâm tin học đào tạo các khoá ngắn hạn, đào tạo theo chuyên ngành, đào tạo từ xa và đào tạo trong doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Nhung, đã đến lúc phải xây dựng những hệ thống chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo CNTT như cơ sở vật chất, giáo trình, trình độ giáo viên, môi trường thực hành... và chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo: kiến thức chuyên ngành, độ sẵn sàng, trình độ kỹ năng, sáng tạo... Bên cạnh đó, xã hội cũng cần thay đổi các quan niệm cũ về việc đào tạo trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, chúng ta quen coi các chương trình đào tạo của những hãng lớn như Microsoft, Orace, IBM... là phi chính quy, nhưng thực tế những người có chứng chỉ này, có thể được nhận vào làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, trong khi hệ thống đào tạo chính quy thì chưa được như vậy.

Việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT đáp ứng cho nhu cầu phát triển xã hội ngày càng là một đòi hỏi bức thiết. “Nên có sự kết hợp giữa đơn vị đào tạo với nhu cầu xã hội, và tìm kiếm một quy chuẩn chung dựa trên quan điểm tương đương về bằng cấp, trình độ so với thế giới là điều cần thiết”, ông Nhung xác nhận.

Theo SGTT

Theo SGTT

Bạn có thể quan tâm