Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nhân sự đếm từng ngày ra Tết để nghỉ việc

Chán nản với tình hình bị cắt giảm lương liên tục, thưởng Tết chỉ còn 30%, Thanh Thảo (TP.HCM) bắt đầu lên kế hoạch tìm "bến đỗ mới" sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Nhân sự không chia sẻ ý định nghỉ việc trước Tết do lo sợ ảnh hưởng đến khoản thưởng cuối năm. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

“Sau khi nhận khoản thưởng Tết, tôi sẽ nghỉ việc”, Thanh Thảo (24 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM), nhân viên kế toán, chia sẻ dự định này với Tri thức - ZNews.

Thanh Thảo cho biết công ty liên tục cắt giảm lương suốt những tháng qua, trong khi khối lượng công việc không suy chuyển, khiến nhân sự cảm thấy chán nản. Bất bình trước tình hình này, một số đồng nghiệp của cô đã sớm nghỉ việc.

Thanh Thảo cũng toan rời đi, nhưng chùn chân vì lo sợ không tìm được "bến đỗ mới" trong giai đoạn cuối năm. Hơn nữa, với tình hình kinh tế ảm đạm hiện nay, cô vẫn mong nhận được "đồng nào hay đồng đó".

Vì vậy, cô lựa chọn ở lại công ty, nhận khoản thưởng Tết chỉ bằng 30% so với năm ngoái, rồi xin thôi việc.

Đương nhiên, Thanh Thảo không dám chia sẻ ý định này với ai trong công ty, ngay cả đồng nghiệp thân thiết, tránh nguy cơ bị cho thôi việc đột ngột. Tối về nhà, cô dần cập nhật sơ yếu lý lịch và tìm kiếm trước một số vị trí công việc tiềm năng.

ra Tet nghi viec anh 1

Nhiều nhân sự đếm từng ngày ra Tết để nghỉ việc sau khi nhận đầy đủ thưởng cuối năm. Ảnh minh hoạ: Phuơng Lâm.

Không chỉ Thanh Thảo, nhiều nhân sự cũng có ý định nhảy việc sau Tết Nguyên đán và mong chờ đón làn sóng tuyển dụng đầu năm. Câu chuyện này không còn mới, nhưng vẫn gây chú ý trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm.

Điều đáng ngạc nhiên hơn là thái độ dửng dưng của một số doanh nghiệp khi đối mặt với tình trạng nhân sự có dự định "nhảy việc".

Cấp quản lý dường như chỉ có ý định giữ chân một số nhân sự đảm nhiệm vị trí thực sự quan trọng, không thể thay thế. Còn lại, họ không có ý định níu kéo những nhân sự khác.

Ở lại vì thưởng Tết

Theo khảo sát năm 2022 của công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Group với 6.800 người, lương tháng thứ 13 hay thưởng Tết là phúc lợi được người lao động quan tâm nhiều nhất. Có đến 53% ứng viên luôn tìm kiếm thông tin về thưởng Tết khi tìm việc.

Thùy Trang (26 tuổi, quận Cấu Giấy, Hà Nội) cũng nằm trong số đó. Khoản thưởng cuối năm bằng 2,5 lương tháng là lý do duy nhất giữ chân cô ở lại công ty hiện tại.

ra Tet nghi viec anh 2

Thuỳ Trang quyết định nghỉ việc sau Tết vì không được tăng lương. Ảnh: NVCC.

Từ đầu năm nay, Thùy Trang đã cảm thấy bất mãn trước chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp.

Liên tục phải đi công tác, làm việc vào cuối tuần và các ngày nghỉ lễ, nhưng cô không được hưởng trợ cấp, nghỉ phép bù.

Khi đề nghị tăng 25% lương, như một cách bù đắp cho chuyện phải làm việc xuyên ngày nghỉ, dịp lễ, cô cũng bị cấp trên từ chối. Lãnh đạo chỉ có thể đáp ứng mức tăng 10%.

“Doanh số bán của công ty năm nay không đạt kỳ vọng, quỹ lương thưởng bị co kéo. Nếu chấp nhận yêu cầu của bạn, chúng tôi phải giảm thù lao của các nhân sự khác”, Thuỳ Trang thuật lại lời quản lý cấp cao trong cuộc họp riêng.

Không hài lòng với cách giải quyết của công ty, nhân viên văn phòng 26 tuổi dự định sẽ nộp đơn xin nghỉ việc sau Tết Âm lịch, khi đã nhận đủ thưởng.

“Vì đã cố gắng cả năm, tôi không thể bỏ khoản tiền xứng đáng được hưởng ở phút 89”, Thùy Trang chia sẻ.

Đức Tùng (31 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), trưởng nhóm thiết kế của một công ty công nghệ, nhận được lời mời làm việc từ doanh nghiệp khác hồi tháng 11.

Dù không còn thiết tha với công việc hiện tại do mức lương thấp, anh chưa vội nhận lời mời làm việc này.

Thay vào đó, anh kéo dài thời gian cân nhắc đến hết Tết Nguyên đán để hưởng lương tháng thứ 13 và thưởng cuối năm ở công ty hiện tại. Nếu chuyển chỗ làm ngay dịp cuối năm, anh chắc chắn sẽ không nằm danh sách nhận thưởng Tết ở công ty mới, do thời gian gắn bó chưa đủ lâu.

Tuy nhiên, quyết định này cũng là một “con dao hai lưỡi”, bởi phía công ty mới hoàn toàn có thể tìm kiếm người khác trong thời gian chờ Đức Tùng phản hồi.

“Tôi vẫn cần khoản thưởng Tết để trả nợ tín dụng, gửi tiền về quê cho bố mẹ tu sửa nhà cửa dịp cuối năm. Vì vậy, tôi buộc phải chấp nhận rủi ro, không còn sự lựa chọn khác”, anh nói với Tri thức - ZNews.

Chỉ giữ nhân sự đặc biệt

“Đây là thời buổi người cần việc, chứ việc không cần người”, Trâm Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), trưởng phòng hành chính nhân sự của một công ty tài chính, khẳng định.

Dù biết một số nhân viên có ý định nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết, Trâm Anh không quá lo lắng về việc giữ người. Ngoài một số vị trí đặc thù và quan trọng, tất cả người còn lại đều có thể thay thế.

Sau làn sóng sa thải mạnh mẽ trong năm 2023, trưởng phòng hành chính nhân sự cho rằng thị trường tuyển dụng sẽ phong phú và sôi động vào năm tới. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có nhiều sự lựa chọn.

ra Tet nghi viec anh 3

Một số quản lý cho biết chỉ giữ chân những nhân sự đảm nhiệm vị trí đặc biệt, không níu kéo tất cả những người muốn ra đi. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Đối với các vị trí quan trọng cần giữ lại, Trâm Anh đưa ra kế hoạch tăng lương, thưởng cụ thể đối với từng người. Cô cho rằng gia tăng phúc lợi tài chính là cách tốt nhất để giữ chân nhân sự trong bối cảnh kinh tế ảm đạm.

Điều này cũng đồng nghĩa trưởng phòng hành chính nhân sự phải tìm cách cân đối quỹ lương, thưởng mà ban lãnh đạo rót xuống. Sang năm 2024, cô dự định tái cơ cấu bộ máy tổ chức nhân sự, bằng cách trả thù lao cao cho chuyên viên và chỉ ký hợp đồng cộng tác viên, thay vì hợp đồng nhân viên chính thức với các vị trí còn lại.

“Cộng tác viên không nằm trong diện hưởng bảo hiểm, lương tháng thứ 13 và thưởng Tết, nhờ đó tiết kiệm được một khoản cho doanh nghiệp”, Trâm Anh nói.

Anh Quân (TP Thủ Đức, TP.HCM), trưởng bộ phận phát triển sản phẩm của một công ty công nghệ, cũng có chung quan điểm. Anh đã chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó với làn sóng xin nghỉ việc sau Tết Nguyên đán.

Đầu tiên, Anh Quân xem xét nâng chức vụ đối với một số nhân sự, sau đó đưa ra lộ trình thăng tiến rõ ràng cho những người còn lại.

Tiếp theo, anh lập kế hoạch xin cấp trên tài trợ các khóa học kỹ năng quản lý, nâng cao chuyên môn cho nhân viên.

“Học phí không ngốn nhiều ngân sách của doanh nghiệp, song có thể tạo ra động lực để nhân sự tiếp tục gắn bó”, anh chia sẻ.

Đừng sợ khi nói 'Không' với tiệc tất niên

Ngược lại, việc ngại từ chối và ép bản thân phải tham dự mọi bữa tiệc, sự kiện có thể ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ, cũng như sức khỏe tinh thần.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm