- Phó Giám đốc Navigos Search miền Bắc, thương hiệu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao hàng đầu Việt Nam thuộc Navigos Group.
Tình hình tuyển dụng giữa năm nay không quá thuận lợi do ảnh hưởng từ biến động kinh tế toàn cầu và sự sụt giảm trong nhu cầu chiêu mộ của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bức tranh tuyển dụng thời điểm này được đánh giá là tươi sáng hơn so với các năm trước.
Qua báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục thống kê cho biết trong nửa năm qua, thị trường có sự chuyển biến tích cực khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,5%. Số người có việc làm có sự gia tăng so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, tôi nhận thấy thị trường tuyển dụng không quá khả quan, nhưng có dấu hiệu ấm lên. Song, nhân sự vẫn tỏ ra dè dặt trước quyết định chuyển đổi công việc trong giai đoạn giữa năm.
Nhu cầu tuyển ngành BĐS tăng, tiêu dùng nhanh giảm
Theo quan sát từ Navigos Search, thị trường lao động ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông vẫn có nhu cầu tuyển dụng cao nhất đối với nhóm nhân sự có kinh nghiệm để có thể đáp ứng những yêu cầu chuyên biệt của từng dự án.
Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi ghi nhận một số dấu hiệu tích cực cho thấy bức tranh tuyển dụng lĩnh vực Công nghệ thông tin ở thị trường Việt Nam có khả năng ấm dần lên.
Một số lĩnh vực ghi nhận nhu cầu chiêu mộ nhân sự gia tăng trong thời gian gần đây, góp phần làm ấm bức tranh tuyển dụng. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Bên cạnh đó, các lĩnh vực như Bất động sản (BĐS), Nhà hàng - Khách sạn và ngành Sản xuất cho thấy nhu cầu chiêu mộ tăng trong thời gian gần đây.
Lĩnh vực Giáo dục cũng được quan tâm, tuy nhiên nhu cầu chưa đáng kể. Lĩnh vực Bán lẻ vẫn có nhu cầu tuyển dụng, tập trung ở các vị trí như nhân viên tư vấn và bán hàng. Nhu cầu tuyển nhân sự của lĩnh vực Tiêu dùng nhanh có sự suy giảm trên toàn bộ các vị trí.
Nhân sự ngại ‘nhảy việc’ giữa năm
Xu hướng “nhảy việc” trong giai đoạn giữa năm nay khá thận trọng. Một nghiên cứu cho thấy gần 30% người lao động không có ý định thay đổi công việc, trong khi 36% sẵn sàng cho cơ hội mới nhưng không chủ động tìm kiếm công việc.
Với góc nhìn của tôi, điều này phản ánh tâm lý ưu tiên sự ổn định hơn là tiếp tục thay đổi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đặc biệt đối với các ngành chịu nhiều ảnh hưởng từ tình hình kinh tế toàn cầu.
Người lao động thận trọng hơn trong việc tìm kiếm cơ hội mới, tập trung vào việc nâng cao kỹ năng và phát triển nghề nghiệp tại nơi làm việc hiện tại để chuẩn bị cho tương lai.
Theo tôi, những yếu tố như cơ hội thăng tiến, phúc lợi và sự ổn định trở nên quan trọng hơn trong quyết định chuyển đổi công việc.
Nhân sự cần cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố trước khi quyết định chuyển đổi công việc trong giai đoạn giữa năm. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Những nhân sự có ý định “nhảy việc” trong giai đoạn này cần cân nhắc kỹ lưỡng về cơ hội thăng tiến, phúc lợi và sự ổn định của công việc mới.
Tôi nghĩ các bạn cần chắc chắn rằng công việc mới mang lại sự phát triển và đáp ứng được nhu cầu cá nhân trước khi quyết định thay đổi. Ngoài ra, việc trang bị các kỹ năng mềm và kỹ năng số cũng gia tăng cơ hội thành công trong quá trình tìm kiếm công việc mới.
Ứng viên cần kỹ năng sử dụng công nghệ
Theo Báo cáo lương & Thị trường lao động 2024 của Navigos Group, khi được hỏi về những kỹ năng cốt lõi mà ứng viên cho rằng cần tập trung phát triển trong năm 2023, kéo dài đến năm 2024, ngoại ngữ và tư duy phân tích cùng đứng đầu với tỷ lệ lựa chọn tương đương nhau là 55,1%.
Kết quả này khá tương đồng khi tham chiếu với những yếu tố mà doanh nghiệp ưu tiên khi tuyển dụng. Đồng thời, trong bối cảnh nhiều biến động như hiện tại, cả người lao động và doanh nghiệp đều quan tâm đến yếu tố khả năng thích ứng với sự thay đổi.
Theo quan điểm của tôi, để gia tăng tính cạnh tranh cho bản thân trên thị trường lao động, ứng viên còn cần tập trung phát triển các kỹ năng như tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề và giao tiếp hiệu quả.
Ứng viên cần trang bị nhiều kỹ năng để gia tăng lợi thế cạnh tranh của bản thân trên thị trường tuyển dụng. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cũng chỉ ra 10 kỹ năng cần thiết cho cột mốc năm 2030. Trong đó, 3 kỹ năng quan trọng nhất là Judgement & Decision Making (Đánh giá và Ra quyết định), Fluency of Ideas (Lưu loát về ý tưởng) và Active Learning (Chủ động học).
Ngoài ra, tôi nhận định rằng kỹ năng sử dụng và kiểm soát công nghệ cũng cần được chú trọng, giúp người lao động bắt nhịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.
Ăn điểm trong mắt nhà tuyển dụng
‘Nhân tố F’, trong đó F là viết tắt của ‘Fascination’ (Sự cuốn hút) sẽ là yếu tố thu hút nhất trong một buổi tuyến dụng. Theo tác giả Paul Williams của cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, những cá nhân nắm giữ vị trí lãnh đạo sau này sẽ cần phải kết nối được với các nhân viên của mình, cổ vũ họ và nắm bắt được trí tưởng tượng trong họ. Nhân tố F được xác định như sau: Liệu người này - trong một khoảng thời gian rất ngắn - có thể khiến tôi hứng thú và cuốn hút tôi hay không?