Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Nhân tố giúp châu Á 'gánh' tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay

Nhu cầu dịch vụ đến từ lượng người tiêu dùng tăng ở châu Á được dự báo sẽ thu hút đầu tư và đẩy nền kinh tế khu vực này tăng lên.

Khi nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ gặp suy thoái, những thay đổi trong nền kinh tế các nước châu Á đang tạo ra triển vọng tăng trưởng dài hạn, khi lượng người tiêu dùng tăng lên, mở ra cơ hội cho các ngành dịch vụ.

Trong dự báo mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2023 ở châu Á từ 4,9% lên 5,3%, gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng dự kiến của Mỹ và gấp 7 lần khu vực đồng euro.

Trước đó, S&P cũng dự báo châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt tăng trưởng 3,5% vào năm nay, trong khi Mỹ và châu Âu có thể đối mặt với suy thoái, CNBC cho hay.

Động lực tăng trưởng của châu Á

Các dự báo có thể khác nhau, song đều cùng quan điểm rằng châu Á sẽ là khu vực tăng trưởng. Quan điểm lạc quan này đến từ hai xu hướng dài hạn, theo Nikkei.

Đầu tiên là kinh nghiệm quản lý tài khóa ở châu Á, vốn từng trải qua cuộc khủng hoảng tài chính cuối thế kỷ XX, đã giúp những nền kinh tế khu vực này bước qua đại dịch Covid-19 mà không để lại nhiều thiệt hại nghiêm trọng.

Cùng với đó, nền kinh tế nội khối của châu Á đang dần chuyển mình để ít phụ thuộc vào nền kinh tế phương Tây hơn so với trước đây.

Một phần của nỗ lực quản lý kinh tế tốt hơn là giải quyết các điểm yếu tiềm ẩn, bao gồm tăng cường dự trữ ngoại hối, kiểm soát lạm phát và đảm bảo rằng các nền kinh tế khu vực không bị ảnh hưởng nặng nề khi lãi suất và tỷ giá hối đoái xấu đi.

Thứ hai là sự xuất hiện của những khuôn khổ hợp tác khu vực, như ASEAN, các thỏa thuận như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

kinh te chau a anh 1

Các nước châu Á dẫn đầu trong dự báo tăng trưởng về lượng người tiêu dùng giai đoạn 2020-2030. Đồ họa: Statista.

Những khung hợp tác này đã tối ưu hóa tiềm năng tăng trưởng dài hạn của khu vực, qua việc dỡ bỏ các rào cản thương mại và làm cho khu vực trở nên hấp dẫn hơn để đầu tư.

Trong nhiều năm, phần lớn các nước đang phát triển ở Đông Á và Đông Nam Á đã tận dụng chi phí lao động thấp để khai thác tiềm năng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Điều này đã đẩy tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người ở Đông Á và Thái Bình Dương từ 3.250 USD năm 1990 lên 20.300 USD vào năm 2021. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng từ 34 tỷ USD lên 741 tỷ USD giai đoạn này.

Hàng trăm triệu người đã có cơ hội làm việc để thoát nghèo. Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, họ đã có được thu nhập khả dụng và chuyển sang tầng lớp tiêu dùng.

Viện Brookings ước tính rằng số lượng người tiêu dùng ở châu Á sẽ tăng từ 560 triệu năm 2000 lên khoảng 3 tỷ, tương đương 70% dân số khu vực, vào năm 2030. Trong khi đó, công ty McKinsey dự đoán rằng châu Á sẽ chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ toàn cầu vào thời điểm đó.

Ngoài ra, lượng người tiêu dùng mới này cũng có xu hướng mua hàng hóa do châu Á sản xuất, đẩy thương mại nội khối tăng 50% từ năm 2019 đến năm 2022, theo báo cáo của tập đoàn vận tải biển Maersk.

Tầm nhìn mới cho đầu tư

Các nhà đầu tư quốc tế đã nhận ra rằng thay vì đổ tiền vào sản xuất ở châu Á để xuất khẩu sang khu vực khác, nguồn đầu tư quốc tế đang ngày càng dồn vào việc sản xuất tại châu Á cho thị trường châu Á.

Khu vực này đã mở ra nhiều cơ hội ở đây cho các công ty phương Tây. Một loạt các ngành công nghiệp bao gồm các nhà sản xuất ôtô, nhà sản xuất máy công cụ và các nhà bán lẻ xa xỉ đã xem châu Á là trung tâm cho phần lớn hoạt động kinh doanh mới. Điều này sẽ tiếp tục miễn là lợi thế cạnh tranh của họ vẫn tiếp tục.

Triển vọng tăng trưởng ấn tượng nhất nằm trong các ngành dịch vụ chuyên nghiệp, đặc biệt là những ngành có chiến lược kỹ thuật số phát triển tốt để thể tận dụng sự tăng trưởng bùng nổ trong nhu cầu trực tuyến của Châu Á.

kinh te chau a anh 2

Theo Jing Daily, Các thương hiệu xa xỉ đang mở rộng thị trường hơn tại châu Á hơn là chỉ tập trung vào các thành phố lớn. Ảnh: Reuters.

Các ước tính mới nhất của Liên Hợp Quốc cho thấy nhập khẩu các dịch vụ thương mại của châu Á đã tăng 9,2% trong năm 2022 và sẽ tăng thêm 5% trong năm nay. Ngoài các dịch vụ cơ bản như giáo dục, giải trí và du lịch, các mảng chuyên nghiệp hơn như kế toán, luật và kiến ​​trúc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Với ngành dịch vụ tài chính, một phần của kế hoạch phát triển là quản lý sự giàu có của người tiêu dùng mới ở châu Á. Báo cáo của Tập đoàn tư vấn Boston năm 2022 ước tính châu Á sẽ tạo ra 22.000 tỷ USD tài sản mới từ năm 2020 đến năm 2025.

Song, điều này cũng sẽ đặt ra yêu cầu về cải thiện lối sống để góp phần vào tăng trưởng chung của Châu Á và các đối tác thương mại của mình.

Sự gia tăng của người tiêu dùng châu Á đang làm nghiêng cán cân ảnh hưởng kinh tế về phía đông. Khu vực này không chỉ trở nên ít bị tổn thương hơn trước các cú sốc kinh tế bên ngoài, mà còn đang tiến gần đến điểm phát triển thỏa mãn nhu cầu của nền kinh tế thế giới.

Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế

Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Vì sao kinh tế toàn cầu vận hành một cách 'kỳ lạ'?

Để hiểu về lạm phát, lãi suất và rủi ro suy thoái, các chuyên gia đã quay trở lại trước những năm 2000 và tìm ra điểm khác biệt trong nền kinh tế.

WEF Davos: Triển vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng hơn

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, các chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đã thay đổi góc nhìn về triển vọng kinh tế năm 2023.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm