Nhiều nhân viên lựa chọn vừa đi du lịch vừa làm thay vì dành trọn vẹn ngày phép. Ảnh minh họa: RDNE/Pexels. |
Bên cạnh “quiet quitting” (âm thầm nghỉ việc), “quiet firing” (sa thải trong im lặng), “quiet vacationing” (nghỉ ngơi âm thầm) cũng đang dần trở thành vấn đề đáng chú ý chốn công sở.
Thuật ngữ này được dùng để mô tả xu hướng nhân viên nghỉ phép nhưng không thông báo cho cấp trên biết. Để làm được điều này, họ tận dụng hình thức làm việc từ xa, sử dụng các thiết bị công nghệ để đăng nhập làm việc ở bất cứ đâu và thậm chí sử dụng VPN để ẩn dấu vết đi du lịch, theo The Washington Post.
Ảnh hưởng
Bình thường, cấp trên vốn đã khó để tin tưởng những nhân viên ở xa sẽ làm việc hiệu quả. Theo đó, họ không mấy ủng hộ việc cấp dưới giả vờ tập trung làm việc trong khi chân vẫn đang ở trên một bãi biển nghỉ dưỡng nào đó.
Dù vậy, các sếp hoàn toàn có những lý do pháp lý chính đáng để theo dõi vị trí của nhân viên trong giờ làm việc. Suzanne Lucas, chuyên gia về mảng HR (nhân sự), đã nêu bật nhiều điều luật về thuế, tuyển dụng, hoạt động kinh doanh và an ninh tập trung vào địa điểm làm việc của nhân viên trên trên tạp chí Inc.
Cô cho hay những nhân viên bí mật thay đổi nơi công tác sang khu vực hay đất nước khác có thể ảnh hưởng đến việc các chính sách tuân thủ (compliance) của công ty. Chẳng hạn, nhân viên yêu cầu bồi thường sau khi bị thương trong chuyến đi du lịch trái phép.
Không phải ai cũng có thể tận hưởng những ngày nghỉ phép âm thầm vì lo lắng bị sếp phát hiện. Ảnh minh họa: cottonbro/Pexels. |
Thêm vào đó, những đợt nghỉ phép đột ngột cũng không tốt cho sức khỏe của nhân viên. Họ sẽ khó tận hưởng được khoảng thời gian rảnh rỗi đó vì dễ rơi vào căng thẳng khi phải liên tục để mắt đến những email, tin nhắn hoặc cuộc gọi khẩn cấp. Trong trường hợp công việc phát sinh đòi hỏi phải có mặt tại chỗ, nhân viên cũng sẽ phải hủy bỏ kế hoạch nghỉ ngơi của mình.
Cùng với sự sụt giảm về tỷ lệ sinh đẻ, nhu cầu mua nhà hay khai thác kim cương tự nhiên, xu hướng nghỉ ngơi âm thầm được cho là bắt nguồn từ những người lao động thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1980-1996). Tuy nhiên, trước khi bắt đầu phán xét, chúng ta nên tìm hiểu lý do tại sao họ quyết định phải nghỉ ngơi trong âm thầm.
Nguyên nhân
Trong một báo cáo năm 2016, Hiệp hội Du lịch Mỹ (The U.S. Travel Association) đã tuyên bố Millennials là thế hệ “hy sinh vì công việc”. Họ gia nhập lực lượng lao động vào thời điểm kỳ nghỉ trung bình bắt đầu giảm xuống và công nghệ phát triển hơn cho phép họ có thể gắn bó ngày đêm với công việc.
Thế hệ Millennials không phải là những người làm ra tình trạng làm việc quá mức hay có thêm công việc phụ. Song, họ bắt đầu chú ý đến văn hóa hối hả (hustle culture) và làm nhiều việc cùng một lúc (multitasking). Có thể thấy, ranh giới giữa công việc và ngày nghỉ dần trở nên mong manh hơn.
Ngoài ra, số lượng ngày nghỉ phép có lương (PTO) không thỏa đáng là một nguyên nhân khác thúc đẩy xu hướng nghỉ ngơi trong thầm lặng.
Nhân viên xả hơi, du lịch trong thầm lặng vì muốn để dành ngày nghỉ phép chính thức của mình. Ảnh minh họa: Vlada Karpovich/Pexels. |
Những người có ít PTO, dù là nhân viên mới hay làm việc trong ngành thu nhập/phúc lợi thấp, thường sẽ muốn “tiết kiệm” PTO nhiều nhất có thể. Nói một cách dễ hiểu, nếu có thể bảo toàn những ngày nghỉ phép quý giá, họ sẵn sàng đem theo máy tính trong chuyến đi biển cùng mình.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 4/10 nhân viên không sử dụng hết số ngày nghỉ phép mà họ có. Andrew Van Dam của The Post, trong một phân tích năm 2023, đã trích dẫn nghiên cứu chỉ ra rằng nhân viên hiếm khi dùng hết các ngày nghỉ phép của mình nếu họ không được khuyến khích tách bạch giữa công việc và nghỉ ngơi hay thường xuyên lo lắng việc đó có thể ảnh hưởng đến tài chính cá nhân.
Khi nhân viên làm việc trong môi trường mà nghỉ phép không được ủng hộ một cách tích cực, họ lo lắng rằng nghỉ ngơi có thể ảnh hưởng đến cơ hội thăng tiến hoặc thậm chí khiến bản thân dễ bị sa thải hơn. Nếu ranh giới giữa công việc và thời gian cá nhân mờ nhạt, đồng nghiệp hay sếp có thể liên lạc bất cứ lúc nào, không khó hiểu khi nhiều người chọn tích lũy ngày phép chính thức và nghỉ ngơi trong âm thầm.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.