Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhân viên TikTok ở Mỹ vật lộn với công việc

Khi còn làm giám đốc ở TikTok, Melody Chu trò chuyện với đồng nghiệp nhiều hơn là ăn tối với chồng. Cô cũng bị sụt cân và mắc chứng khó ngủ trầm trọng nên quyết định rời bỏ.

Chi nhánh TikTok Mỹ đặt tại Los Angeles có khoảng 1.500 nhân viên vào giữa năm 2020. Năm ngoái, con số được kỳ vọng tăng lên 10.000. Phần lớn công việc của họ liên quan đến việc chuyển đổi các sản phẩm được phát triển ở Trung Quốc cho người Mỹ và khai thác thị trường quảng cáo phong phú tại xứ cờ hoa.

Tuy nhiên, theo WSJ, nhiều nhân viên phàn nàn về tình trạng thiếu ngủ ngày càng trầm trọng do thường xuyên phải làm việc vào cuối tuần và họp hành liên tục với đồng nghiệp ở bên kia địa cầu.

Một số cựu nhân viên cho biết họ dành trung bình 85 giờ họp mỗi tuần khi còn làm việc tại TikTok và phải bỏ thêm thời gian để hoàn thành công việc. Có người từng yêu cầu cấp trên ngừng ép anh làm việc thâu đêm suốt sáng sau khi mắc phải chứng bệnh có thể đe dọa tính mạng.

Họ cũng mô tả tình trạng sụt cân và căng thẳng đến mức phải tìm đến các liệu pháp trị liệu.

Van hoa lam viec doc hai o TikTok anh 1

Chi nhánh TikTok Mỹ đặt tại Los Angeles. Ảnh: Jessica Pons.

Văn hóa làm việc khắt khe

TikTok vay mượn một số cách quản lý từ Amazon.com Inc. - công ty được biết đến với văn hóa làm việc khắt khe. Các giám đốc điều hành thường xuyên nói với nhân viên rằng “Luôn là ngày đầu tiên” để khuyến khích sự sáng tạo không ngừng và làm việc điên cuồng như còn ở vạch xuất phát.

Thời gian làm việc kéo dài và deadline nghiêm ngặt hầu như không phải điều mới lạ ở các công ty công nghệ phát triển nhanh như vậy. Chu kỳ ngủ lệch cũng không hiếm đối với nhân viên của doanh nghiệp quốc tế.

Tuy nhiên, nhân viên TikTok ở Mỹ là hiện thân của những căng thẳng kể trên ở mức độ bất thường.

Melody Chu, cựu Giám đốc sản phẩm cấp cao, rời TikTok vào tháng 11 năm ngoái. Cô cho biết bản thân trao đổi với đồng nghiệp ở Trung Quốc còn nhiều hơn ăn tối với chồng. Hai người thậm chí phải trị liệu hôn nhân.

Chu cũng bị sụt nhiều cân và mắc chứng khó ngủ trầm trọng. Tất cả sở thích, thời gian cho người thân và sức khỏe tinh thần của cô đều có vấn đề.

“Nếu biết làm việc tại TikTok sẽ phải trả giá đắt như vậy, tôi đã không bao giờ nhận công việc đó”, cô cho biết.

Van hoa lam viec doc hai o TikTok anh 2

Cựu nhân viên TikTok Pabel Martinez được yêu cầu không chia sẻ một số dữ liệu nhất định với nhân viên cấp thấp hơn. Ảnh: Elias Williams.

Nhiều nhân viên của TikTok phải chịu đựng thời gian làm việc kéo dài cũng như không có ranh giới giữa đời sống và công việc.

Pabel Martinez, từng phụ trách bán quảng cáo tại TikTok, bỏ việc vào tháng 2, sau khi phải làm việc cả cuối tuần dù dự án đúng tiến độ. Câu trả lời mà anh nhận được từ cấp trên là: “Đó không phải là cách chúng tôi kinh doanh ở đây”.

TikTok thường có nhiều nhóm làm việc trong cùng dự án. Chiến thuật này nhằm thúc đẩy nhân viên làm việc nhanh nhất có thể, nhưng không ít người cho biết điều đó chỉ làm dấy lên sự hoang tưởng về việc tụt hậu so với đồng nghiệp hoặc cảm giác thất vọng khi dự án không khả thi.

TikTok cũng không cung cấp sơ đồ tổ chức cho nhân viên và cấm họ tự tạo hay chia sẻ trong nội bộ. Đó là chính sách phổ biến của các công ty Trung Quốc nhằm ngăn chặn đối thủ cạnh tranh săn trộm. Nhưng kết quả là khiến nhân viên bối rối.

Jamie Lim Yin Yin, cựu nhân viên tại Singapore, cho biết khi nhận được email từ đồng nghiệp, cô phải tra cứu trên LinkedIn để biết họ thuộc nhóm nào. Cô nghỉ việc chỉ sau 4 tháng.

Van hoa lam viec doc hai o TikTok anh 3

Văn phòng TikTok ở Los Angeles.

Nghỉ việc hàng loạt

TikTok thu hút rất nhiều ứng viên mơ ước vào làm việc nhưng cũng phải vật lộn với mức độ tiêu hao cao.

Lucas Ou-Yang, cựu Quản lý nhóm kỹ thuật TikTok ở Mountain View, California, chia sẻ áp lực phải theo kịp các đồng nghiệp Trung Quốc và làm việc theo lịch trình của họ khiến cả 10 giám đốc sản phẩm mà anh làm việc cùng phải nghỉ việc trong vòng một năm.

Tháng 11 năm ngoái, sau khi một đơn vị trong bộ phận kỹ thuật tổ chức cuộc họp để thảo luận về việc hàng loạt nhân viên ở Mỹ rời đi, các giám đốc điều hành đồng ý với chính sách mới là cố gắng tổ chức cuộc họp bằng tiếng Anh. Trong khi công ty cung cấp các tùy chọn dịch thuật, một số cựu nhân viên cho biết họ cảm thấy khó khăn khi tham gia các cuộc họp diễn ra bằng ngôn ngữ mà mình không hiểu.

Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc nói với các nhà tuyển dụng rằng lịch trình làm việc “996” (từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần) tại một số công ty công nghệ Trung Quốc là bất hợp pháp. ByteDance cho biết họ sẽ áp dụng tiêu chuẩn “1075” (làm việc 10h sáng đến 7h tối, 5 ngày/tuần). Nhưng nhiều nhân viên nói rằng thời gian làm việc vẫn kéo dài hơn.

Một số cựu nhân viên nói rằng để tham dự các cuộc họp trực tuyến với cấp trên ở Bắc Kinh, họ thường phải bắt đầu tuần làm việc vào chiều chủ nhật, tức là sáng thứ hai ở Trung Quốc.

“Tôi nghĩ mình mắc chứng rối loạn giấc ngủ do làm việc quá muộn vào buổi tối. Biết rằng phần lớn công ty thức dậy khi mình đang ngủ khiến tôi lo lắng vào ban đêm”, Chloe Shi, cựu nhân viên ở California, cho biết.

Van hoa lam viec doc hai o TikTok anh 4

Chloe Shih bị rối loạn giấc ngủ khi làm việc cho TikTok. Ảnh: Jessica Pons.

Các câu hỏi về sự cân bằng giữa công việc và đời sống được đưa ra ở hầu hết cuộc họp chung.

Giữa năm 2021, một số nhà quản lý ở Mỹ bắt đầu khuyến khích nhân viên tắt tiếng thông báo trên công cụ nhắn tin nội bộ sau giờ làm việc để giảm số lượng yêu cầu vào đêm khuya. Số khác ​​cho rằng nhân viên nên chặn lịch làm việc để có thời gian nạp năng lượng. Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra.

Xuezhao Lan, người sáng lập và đối tác quản lý của công ty đầu tư mạo hiểm Basis Set Ventures, cho biết cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc khắc nghiệt hơn ở Mỹ.

“Rõ ràng không ai muốn phải làm việc đến 2h sáng. Nhưng nếu không làm việc nhiều giờ, nhân viên sẽ không thể. Đó là bối cảnh bị thiếu khi mọi người cố gắng hiểu văn hóa Trung Quốc”, cô nói.

TikTok từng cử nhiều nhân viên mới của Mỹ đến Bắc Kinh trong một tuần để quan sát văn hóa làm việc của Trung Quốc. Đại dịch đã làm gián đoạn các cuộc viếng thăm.

TikTok tự mô tả mình như ngôi nhà dành cho “những trải nghiệm vui vẻ, giải trí, đa dạng và bất ngờ”. Tuy nhiên, Dylan Juhnke, cựu nhân viên, cho biết: “Cách mà nhân viên TikTok đang được đối xử hoàn toàn trái ngược với những gì nền tảng này rêu rao”.

TikTok bị so sánh giống như 'hộp đêm'

Để nhận quà tặng và tiền, nhiều cô gái trẻ phải thực hiện các hành vi nhạy cảm theo yêu cầu của những người xem livestream.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm