Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhập viện mới biết bị tổn thương đa cơ quan và đang mang thai

Bệnh nhân được phát hiện có thai trong tình trạng nguy kịch do tổn thương đa cơ quan nặng, toàn thân bị phù.

Sản phụ được theo dõi và điều trị tình trạng tổn thương đa cơ quan tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân H.T.T.D. (37 tuổi, ngụ TP.HCM) lập gia đình hơn 10 năm, từng đi điều trị hiếm muộn tại nhiều bệnh viện nhưng không thể mang thai.

Kể từ tháng 4, chị D. cảm nhận mình bị phù mặt, phù tay chân tăng dần, sau đó diễn tiến phù toàn thân, công việc thường ngày dần trở nên quá sức.

Sau một tháng, người phụ nữ được đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), vì khó thở nhiều, phải ngồi thở suốt đêm.

Tại đây, các bác sĩ phát hiện chị D. mang thai khoảng thai 25 tuần, kèm tăng huyết áp ác tính, phù phổi cấp, tổn thương đa cơ quan (tổn thương gan, thận, cơ tim cấp).

Nhận định đây là trường hợp thai kỳ nguy cơ rất cao cho cả mẹ và thai, bệnh viện đã tổ chức hội chẩn khẩn cấp với các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, Thận học, Hồi sức cấp cứu, Thận nhân tạo, Sản khoa để đưa ra hướng xử trí tối ưu nhất.

Theo ThS.BS Giang Minh Nhật, Trưởng đơn vị Hồi sức tim mạch, khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, các bác sĩ đặt mục tiêu cứu được cả mẹ và bé. Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều khoa với các kỹ thuật chuyên sâu.

Bác sĩ các chuyên khoa đã phối hợp để lên phác đồ điều trị cho thai phụ, kiểm soát toàn diện các nguy cơ và biến cố bất lợi trong thai kỳ. Lúc này, các bác sĩ phải vừa kiểm soát huyết áp chỉ huy, đồng thời đảm bảo quá trình lọc máu liên tục 2 chu kỳ để điều trị suy thận và ổn định tổn thương cơ tim.

Bác sĩ sản khoa phải liên tục theo dõi sát tình trạng sức khoẻ thai nhi. Tất cả yếu tố trên đều cần phải đảm bảo liên tục, nếu không sẽ dẫn đến quá tải hệ tuần hoàn, nguy hiểm tính mạng của hai mẹ con.

May mắn, sau một tuần được điều trị tích cực, huyết áp bệnh nhân ổn định hơn, các tổn thương gan và cơ tim hồi phục ngoạn mục, sức khoẻ thai ổn định. Tuy nhiên, tổn thương thận nặng chỉ có thể hồi phục một phần.

Bệnh nhân được ra viện ở tuần tuổi thai thứ 27 và tiếp tục theo dõi ngoại trú theo quy trình chăm sóc thai kỳ nguy cơ cao tại bệnh viện.

Tuy nhiên, tuần thứ 32, huyết áp của thai phụ dần khó kiểm soát, không đáp ứng điều trị với tất cả thuốc hạ áp. Tổn thương thận diễn tiến xấu nhanh trở lại.

Lúc này, thai kỳ đã trưởng thành ở mức độ nhất định, khả năng sống của em bé sau sinh cao. Hội đồng các chuyên gia thống nhất chấm dứt thai kỳ, nhằm ổn định tốt hơn tình trạng bệnh lý nội khoa đang diễn tiến nặng của mẹ.

Tối 22/6, chị D. đã sinh ra bé gái khoẻ mạnh. Sau sinh, sản phụ được điều trị tích cực tại khoa Nội tim mạch. Em bé được chăm sóc tại khoa Bệnh lý sơ sinh và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Làm thế nào để tránh cho con bạn không bị bỏng, điện giật? Biện pháp nào giúp bảo vệ đường ruột của trẻ? Hay trẻ nhỏ có bị đau nhức xương như người lớn hay không?... Đây là những băn khoăn phổ biến mà mọi cha mẹ đều quan tâm.

Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Ngoài ra, cuốn sách tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.

Yếu tố phức tạp khiến bệnh tay chân miệng ở phía nam tăng cao

Nhiều trẻ em mắc tay chân miệng có thể bị lây từ người lớn mắc bệnh không triệu chứng.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm