Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật ký người cha 18 năm đi tìm 'tiếng người' cho con gái

Hành trình của ông Trần Khương đi tìm "tiếng người" cho con gái bị câm điếc bẩm sinh. Đó là cuộc kéo co với số phận bằng một sợi chỉ mảnh.

Đó là cuộc kéo co với số phận bằng một sợi chỉ mảnh. Nhật ký ghi lại hành trình đi tìm ngôn ngữ cho con có những lúc vụn vỡ, tuyệt vọng...nhưng không bế tắc.

Ông chia sẻ: "Bậc làm cha mẹ nghe tin vợ mình mang thai đứa con đầu lòng đều vui khôn tả. Tôi cũng không ngoại lệ. Dù con trong quá trình thành hình nhưng tôi đã vạch sẵn con đường cho con hướng đến. Con tôi là con gái, và thật tuyệt vời nghĩ tới viễn cảnh con khả ái múa ballet trên sân khấu. Vì lý do đó, sinh con ra, vợ chồng tôi quyết định đặt tên con là Khả Ái – dễ thương.

Nhưng niềm vui đó chẳng kéo dài được bao lâu.

Hai năm sau. Chúng tôi thực sự bàng hoàng, không tin vào tai mình khi bác sĩ cho hay đứa con gái bé bỏng của tôi bị khiếm thính. Mỗi vòng xe đạp từ bệnh viện Nhi Đồng về nhà cứ nặng dần. Tôi cố gắng giấu nước mắt vào trong khi đối diện với sự thật. Cảm giác tất cả ước mơ và tương lai của con đã vỡ tan...

Không chấp nhận sự thật cay đắng, hai vợ chồng chạy vạy khắp nơi chữa trị cho con với mong muốn con mình có thể nghe, nói được như người bình thường. Dẫu biết rằng, đó như việc chơi kéo co với số phận bằng một sợi chỉ mảnh.

Gần 30 tháng, con tôi một chữ “A” cũng không phát âm được huống gì tiếng gọi “ba”, “mẹ”. Tiếng mà vợ chồng tôi khát khao được nghe.  

Hành trình đi tìm ngôn ngữ

Ngày hôm sau, tôi và vợ đèo con lên bệnh viện Tai Mũi Họng đo điện não và thính lực đồ. Kết quả: Điếc bẩm sinh.

Ba tháng sau, tôi chạy vạy được một khoản tiền mua máy trợ thính cho con đeo và tìm tới Trung tâm Khuyết tật TP HCM. Được sự hướng dẫn của các cô giáo ở trung tâm, con tôi dần coi bộ máy trợ thính là một phần cơ thể và cảm nhận được những âm thanh đầu tiên.

Như được vớt lên bằng chiếc phao cuối cùng giữa biển cả mênh mông, tôi có thể tin tưởng và hi vọng rằng con tôi có thể nghe và nói trong một ngày, dù tôi biết rằng ngày đó có thể còn xa.

Ba năm đối với đời người là một khoảng thời gian ngắn, nhưng đối với con tôi đó là một hành trình đi tìm ngôn ngữ. Con tôi đã được các cô dạy nói từ những con chữ chưa tròn đến những bài ca đồng dao đơn giản...

Tôi và vợ cũng học cách dạy từ các cô ở trung tâm và tiến hành dạy con ở nhà. Kiên nhẫn chỉ dạy cho con - đó là con đường duy nhất đề con tôi biết nói, biết đọc, biết viết như bao đứa trẻ khác.

Xác định là trụ cột trong nhà, nhưng việc dạy con cũng quan trọng - tôi cho vợ nghỉ làm công nhân để có thời gian bên con. 

nhat ky nguoi cha anh 1
Ảnh: Vietnamnet.

Nỗ lực theo chân con

Lúc Ái được 5 tuổi, tôi gửi con vào trường mầm non. Thời gian đầu con gặp rất nhiều khó khăn như xa gia đình, sinh hoạt cá nhân, ăn uống theo nề nếp nhà trường. Ngày nào tôi cũng ra trường gặp các cô trao đổi về vấn đề của con mình.

Sau giờ học, hai vợ chồng thay nhau trò chuyện với con, dạy con những bài vè, bài đồng dao và chỉnh sửa các phát âm cho con. Khi Ái vui thì không nói đến, nhưng khi buồn bé không chịu hợp tác.

Không chán nản hay bực tức, chúng tôi tìm cách phát triển khả năng phát âm của con. Từ cách kể những câu chuyện cổ tích, đến những trò chơi đoán tên đồ vật. Đối với vợ chồng tôi, hàng tiếng ngồi nói chuyện cùng con là việc diễn ra hàng ngày.

Ngoài việc dạy chữ, mẹ cháu còn hướng dẫn làm việc nhà. Nhờ thế, Ái biết được tên các loài rau, các vật dụng trong nhà, phát triển được cách nói chuyện....nên việc học nói tiến bộ từng ngày.

Và tôi quyết định cho con học hai năm lớp lá, với mong muốn con nói rõ hơn.

Năm 2004, Ái vào học lớp 1. Tôi rất lo vì thay đổi môi trường học nên kết nối trao đổi với giáo viên chủ nhiệm thường xuyên. Con được để ý hơn nên những giờ học phát âm với con cũng dễ hơn nhưng những âm “s” “kh” “ph” vẫn còn khó khăn. Cuối năm lớp 1 cô nhận xét bé học tốt nhưng vẫn còn rụt rè và ít hòa đồng với các bạn.

Ở nhà, mẹ vẫn kèm cặp và chăm sóc cho Ái. Từ bài chính tả, đến bài tập làm văn, mẹ bé đều chỉ dẫn từng li từng tí để con phát triển bình thường như các bạn.

Rồi việc học Toán. Đối với Ái, khó khăn gấp bội. Từ đếm những con số đầu tiên đến các phép tính nhân, chia, cộng, trừ, mẹ đều biến hóa thành những trò chơi để con dễ hiểu, dễ học.

Những câu chuyện cổ tích, cả nhà phải cùng đóng vai thành những nhân vật giúp con hiểu rõ câu chuyện và phát triển khả năng giao tiếp của mình.

Từ chối "danh hiệu tiên tiến" để con hòa nhập 

Nếu như ở tiểu học, Ai được học với duy nhất một giáo viên thì cấp hai bé phải tiếp xúc với 13 giáo viên ứng với 13 môn học - nên chuyện lo lắng thường trực.

Có thời gian, tôi mời gia sư về dạy nhưng con không chịu hợp tác. Nhận được báo điểm kiểm tra đầu năm, tôi lo lắng khi thấy điểm Ngữ văn 1.5 điểm, Địa 4 điểm, Giáo dục công dân 2 điểm. Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, cô chủ nhiệm lớp 6 mời riêng tôi ở lại…

Để nắm bắt thông tin của con trên lớp hàng ngày - tôi cũng xung phong làm chi hội trưởng hội phụ huynh lớp, để có thể trao đổi với các giáo viên nhiều hơn.

Hai tháng sau, tôi trình bày với giáo viên dạy văn cũng là cô giáo chủ nhiệm của con về việc dạy kèm cho bé Ái. Cô nhận lời. Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì con có giáo viên giỏi kèm, lo vì sợ không đủ tiền thù lao cho cô. Tôi vận động các phụ huynh khác để san sẻ chi phí và thêm bạn bè cho con mình.

Tôi lo tất cả mọi việc: từ bảng đen, ghế bàn đến từng viên phấn để cô giảng dạy. Đôi lúc cả cô, trò đều lo lắng về việc điểm số nhưng tôi động viên rằng chỉ cần Ái hòa nhập là tốt rồi.  Mỗi lần họp Hội đồng Sư phạm chiều thứ 5 con tôi lại là chủ đề chính, vì giáo viên dạy trẻ hòa nhập chưa được nhà nước hỗ trợ.

Cuối học kì một Ái không được học sinh tiên tiến vì trung bình môn Giáo dục công dân được 4,5 điểm. Giáo viên chủ nhiệm hỏi tôi có mong muốn vớt điểm cho con để con được danh hiệu tiên tiến hay không? Tôi chối từ chối. Tôi muốn con trưởng thành và hòa nhập..... nên không dạy con gian lận trong kiểm tra thi cử.

Khó khăn nhất giờ học nhạc. Cô giáo môn âm nhạc la rầy Ái việc con không biết hát. Ái sợ và xấu hổ nên không muốn đi học. Tôi xin gặp ban giám hiệu trình bày quan điểm của mình và vấn đề của con. Nhờ nỗ lực của chính bản thân, cuối năm con tôi được danh hiệu học sinh khá và học sinh tiến bộ nhất. Đó cũng là động lực để con bé cố gắng hơn trong việc học.

Năm lớp 7, lớp 8 Ái tự lập hơn trong việc học.

Mỗi lần cô Ngữ văn dạy thêm là tôi lại đến ngồi kế bên nghe giảng, khi cô về giảng lại cho con. Nhờ thế con tôi ngày càng tiến bộ hơn.

Năm lớp 9, năm học cuối cấp. Tôi vẫn theo sát, học cùng con, hỗ trợ con kiến thức lẫn tinh thần. Khi nhận được điểm thi lớp 10 của Ái, cô giáo Ngữ văn bất ngờ vì cả năm học điểm trung bình môn của bé Ái không quá 5, thi học kì và thi thử chỉ được 2 điểm, nhưng điểm thi của Ái lại được 3,5 điểm, trong khi những bạn học tốt chỉ đạt trung bình 5 - 6 điểm.

Giờ này con đã giao tiếp tốt

Mặc dù điểm môn Ngữ văn hơn cả mong đợi nhưng tổng điểm 3 môn con vẫn thiếu 1 điểm vào nguyện vọng 1. Con rất thất vọng về bản thân khi biết mình không đậu vào lớp 10. Tôi động viên tinh thần cũng như tư vấn cho con về việc học Bổ túc văn hóa, Trung cấp nghề hay trường dân lập. Nhưng con vẫn buồn và thất vọng rất nhiều.

Ngay lúc đó, tôi cũng phát hiện ra con đang hẹn hò riêng với một bạn ngoài công viên. Tôi không quở trách mà ân cần giảng giải cho con lẫn cậu kia hiểu. Từ đó hai đứa coi nhau như anh em và con cũng chú tâm vào việc chuẩn bị nhập học hơn.

Nhờ quen biết hiệu phó của Trường THPT Dân lập Lý Thái Tổ -con tôi được tiếp tục con đường học vấn. Với sự giúp đỡ của nhà trường từ việc học phí đến kèm cặp việc học, con tôi đã tiến bộ hơn từng ngày.

Cuối năm lớp 10, Ái được học sinh tiên tiến, điểm trung bình chung 7.2 điểm. Trong hai năm lớp 10 và 11, con đã tự tin hơn trong việc học và giao tiếp. Một điều đáng khâm phục là các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa đều học rất tốt, điểm trung bình môn đều trên 7.5 điểm.

nhat ky nguoi cha anh 2

Ảnh:

 Vietnamnet.

Đến đây, tôi thiết nghĩ nếu trước kia tôi ngừng hi vọng và buông xuôi như bao gia đình khác thì con tôi sẽ mãi câm điếc và không có được ngày hôm nay. Có chăng con chỉ được học trường chuyên biệt và ngôn ngữ kí hiệu mà thôi. Nhưng giờ này con đã giao tiếp tốt, cũng nhờ một phần nỗ lực không ngừng của bé.

Dù con mình khiếm khuyết hay bình thường thì điều đó không quan trọng. Quan trọng là cha mẹ phải luôn sát cánh cùng con. Tạo điều kiện cho con giao tiếp và hội nhập với thế giới xung quanh. Đừng vì những lời dèm pha mà đánh mất tương lai của con mình.

Một ngày của nữ sinh đặc biệt

Nhờ những nỗ lực của cha, em Trần Lê Khả Ái, lớp 12 trường THPT dân lập Lý Thái Tổ TP HCM, cô gái bị điếc bẩm sinh, đã cất tiếng nói bình thường.


http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/301620/nhat-ky-nguoi-cha-18-nam-di-tim-tieng-nguoi-cho-con-gai.html

Theo Lê Huyền/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm