Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Đậu mùa khỉ

Nhiễm đậu mùa khỉ có thể dẫn đến viêm cơ tim không?

Một nghiên cứu trên tạp chí IDcase gần đây báo cáo trường hợp viêm cơ tim đầu tiên được biết đến là biến chứng nhiễm trùng do virus đậu mùa khỉ (MPXV).

Trong các nguyên nhân gây viêm cơ tim thì nhiễm virus là nguyên nhân thường gặp nhất. Ảnh: Shutterstock.

Viêm cơ tim là tình trạng viêm đi kèm theo hoại tử các tế bào cơ tim. Viêm cơ tim bắt đầu với sự xâm nhập trực tiếp của một tác nhân truyền nhiễm và sự phát triển của nó bên trong hoặc xung quanh tim, sau đó dẫn đến chứng xơ hóa cơ. Nhiều yếu tố lây nhiễm và không lây nhiễm có thể gây ra tình trạng này.

Trong các nguyên nhân gây viêm cơ tim, nhiễm virus là nguyên nhân thường gặp nhất. Viêm cơ tim cấp do virus là tình trạng viêm, hoại tử hoặc ly giải của tế bào cơ tim do virus gây ra.

Một số quốc gia phương Tây gần đây đã báo cáo sự bùng phát của MPXV (virus đậu mùa khỉ), loại virus gây bệnh từ động vật thuộc họ Orthopoxvirus. Nhiễm MPXV phổ biến ở các nước Trung và Tây Phi, nó thường gây ra các triệu chứng giống cúm và kéo dài khoảng 5 ngày, sau đó bùng phát và gây tổn thương ở da.

MPXV bùng phát, lây lan giữa người với người, đặc biệt ở những người nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Tuy nhiên, bất chấp liên quan này, sự lây lan của MPXV qua quan hệ tình dục vẫn chưa được xác nhận.

Vaccine tiêm phòng bệnh đậu mùa trước đây có liên quan đến bệnh viêm cơ tim vì cùng chủng virus và thuộc chi trong họ Orthopoxvirus. Vì MPXV có liên quan chặt chẽ với virus vaccinia nên MPXV cũng có thể liên quan đến bệnh viêm cơ tim.

Tiếp xúc gần với các bề mặt có khả năng truyền nhiễm cũng là nguy cơ trong việc lây truyền MPXV. Nhiễm MPXV cũng để lại hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn nhiễm trùng thứ phát, nhiễm trùng giác mạc gây mất thị lực và viêm não.

Nghi ngờ về trường hợp viêm cơ tim sau khi nhiễm MPXV

Nghiên cứu báo cáo về trường hợp một người đàn ông 34 tuổi nhập viện cấp cứu vào ngày 28/6. Bệnh nhân có tiền sử sốt 48 giờ, ớn lạnh và đau ngực. Cơn đau liên tục và tăng lên theo thời gian. Ngoài ra, khi bệnh nhân nằm xuống, cơn đau trở nên trầm trọng hơn và thuyên giảm khi ở tư thế ngồi thẳng.

Bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý hoặc dị ứng. Tuy nhiên, anh ta có tiền sử sử dụng thuốc lá và methamphetamine (một chất kích thích thần kinh).

Nhiem dau mua khi anh 1

Bệnh nhân được kê đơn thuốc ức chế men chuyển (ACE) để điều trị rối loạn chức năng LV. Ảnh: Pexels.

Bệnh nhân xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) Covid-19 và cho kết quả âm tính. Các phát hiện đáng chú ý bao gồm huyết áp thấp, mạch 116 nhịp mỗi phút (bpm), mức protein phản ứng C (CRP) là 154,5 mg/L, tăng số lượng bạch cầu (WBC) là 13,9x109/L và nồng độ troponin có độ nhạy cao là 211 ng/L.

Kết quả điện tâm đồ (ECG) cho thấy nhịp nhanh xoang với đoạn ST chênh xuống lõm trước bên, đây là biểu hiện viêm màng ngoài tim. Ngoài ra, hình ảnh chụp X-quang ngực cho thấy các vết mờ không đặc hiệu sau tim.

Siêu âm tim qua lồng ngực cho thấy kích thước thất trái (LV) tiêu chuẩn và phân suất tống máu LV giảm nhẹ 44%. Chụp mạch vành không cho thấy bệnh mạch vành hoặc bất kỳ dấu hiệu co thắt mạch nào.

Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) tim mô tả phân suất tống máu LV giảm nhẹ, cùng với sự giãn nở nhẹ của LV. Ngoài ra, thể tích dịch ngoại bào cao cũng là dấu hiệu của phù cơ tim. Do đó, chẩn đoán giả định về viêm cơ tim vẫn chưa rõ nguyên nhân.

Sau đó, bệnh nhân được kê đơn thuốc ức chế men chuyển (ACE) để điều trị rối loạn chức năng LV. Tuy nhiên, beta-blockers (thuốc đối kháng beta) không được khuyến khích vì bệnh nhân có tiền sử lạm dụng uống nhiều loại thuốc cùng lúc.

Điều trị sau chẩn đoán MPXV

Bệnh nhân cho biết các tổn thương ở bộ phận sinh dục xuất hiện lần đầu vào ngày 25/6. Anh ta nhận mình là người dị tính luyến ái và đã quan hệ tình dục với một bạn nữ cách đây vài tuần trước khi xuất hiện các tổn thương ở bộ phận sinh dục.

Bệnh nhân nói đã dùng chung khăn trải giường đã qua sử dụng tại nhà một người bạn, người mà anh ta coi là đồng tính luyến ái. Các bác sĩ tiến hành lấy mẫu để thí nghiệm và cho phân tích PCR.

Thuốc kháng virus Acyclovir sau đó đã được sử dụng. Ở giai đoạn này, bệnh nhân được cách ly trong buồng áp suất âm trước khi có kết quả. Liều tiêu chuẩn của ceftriaxone và azithromycin cũng được cung cấp.

Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với Chlamydia (bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây nên) và tổn thương vùng mô.

Theo các khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh nhân bị viêm cơ tim đồng thời sau khi nhiễm MPXV sẽ được kê đơn thuốc tecovirimat trong 14 ngày. Ngay sau khi nhận kết quả âm tính với virus Herpes simplex và Varicella zoster, bệnh nhân được chỉ định dừng dùng thuốc kháng virus Acyclovir.

Nhiem dau mua khi anh 2

Bệnh nhân dừng dùng thuốc kháng virus Acyclovir sau khi nhận kết quả âm tính với virus Herpes simplex và Varicella zoster. Ảnh: Medlatec.

Những ngày sau đó, tình trạng của bệnh nhân được cải thiện và không có biến chứng về thần kinh, mắt hay các biến chứng khác.

Sau khi xử lý các vết thương đóng vẩy và sưng hạch bẹn vào ngày 6/7, bệnh nhân được đưa ra ngoài cách ly và chuyển đến một khu điều trị bình thường. Mức CRP và troponin của anh ta được cải thiện và không có dấu hiệu suy tim.

Theo nghiên cứu báo cáo, nhiễm trùng họ Orthopoxvirus với viêm cơ tim có thể xảy ra đồng thời. Những phát hiện này chỉ ra mối liên hệ có thể có giữa nhiễm MPXV và viêm cơ tim. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu bổ sung để đánh giá đầy đủ biến chứng và mối liên quan giữa hai bệnh này.

Sự bùng phát MPXV hiện nay làm nổi bật tầm quan trọng của việc theo dõi các dấu hiệu nhiễm virus ở bệnh nhân viêm cơ tim. Điều này đảm bảo việc điều trị tốt hơn và ngăn ngừa sự lây truyền trong cộng đồng bằng cách thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp để ngăn ngừa các đợt bùng phát trong tương lai.

Báo cáo trường hợp trên cho thấy MPXV có thể gây ra các triệu chứng cơ tim. Khám phá này có thể sẽ hỗ trợ các bác sĩ trong việc đưa ra các quyết định chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

> Xem thêm: Sách cho cuộc sống vui khỏe

Dấu hiệu nhận biết bệnh Whitmore

Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể diễn biến nặng, tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tiểu đường, gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Dịch Đậu mùa khỉ

Ngày 23/7/2022, Tổng giám đốc WHO công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng. Nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus. Độc giả xem toàn cảnh các bài viết về dịch đậu mùa khỉ dưới đây:

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm