Hơn ba tháng nay, anh N.Q.T. (37 tuổi, quận 5, TP.HCM) thỉnh thoảng thấy kiến bu nước tiểu, nhưng không quan tâm. Anh cho rằng thường xuyên tập thể dục với cường độ hai lần/ngày, mỗi lần 30 phút giúp bản thân không bị đái tháo đường.
Dấu hiệu kiến bu nước tiểu
Tối 27/6, anh T. ngồi xem TV và uống trà sữa, ăn bánh ngọt với gia đình. Sau đó, anh đi tiểu thì thấy kiến bu nhiều và chân phải bị tê. Tỉnh dậy sáng hôm sau, anh khó cử động, nửa người bên phải yếu và tê. Anh lập tức gọi người nhà đưa đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Bệnh nhân đột quỵ được đưa vào khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM. |
BS.CKI Hồ Ngọc Bảo - khoa Cấp cứu - nhận thấy người bệnh yếu nửa người bên phải kèm tê tay chân, chẩn đoán bước đầu bị đột quỵ.
Kết quả chụp phim xác nhận đột quỵ, đồng thời chỉ số xét nghiệm máu HbA1c đến 10,95% - gần gấp đôi người bình thường (dưới 5,7%). Bệnh nhân lập tức được bác sĩ khoa Nội Thần kinh cấp cứu. Cùng lúc, bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường nhanh chóng điều trị, đưa đường huyết bệnh nhân về mức ổn định.
Cầm kết quả xét nghiệm bị tiểu đường, anh T. không giấu được sự ngạc nhiên. Anh cho biết ba của mình bị tiểu đường tuýp 2 và từng nhiễm toan ceton do kiểm soát đường huyết không tốt. Dù là người trực tiếp chăm sóc ba và có tìm hiểu bệnh tiểu đường, anh vẫn mắc bệnh.
Tương tự, anh V.L.V. (47 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị tiểu đường nhưng không biết, thỉnh thoảng thấy kiến bu vào nước tiểu. BS.CKI Nguyễn Hoàng Khương - khoa Cấp cứu - cho biết sáng 24/6, anh V. tê yếu chân trái nhưng không đến bệnh viện điều trị sớm. Tối cùng ngày, anh liệt mặt, yếu nửa người bên trái.
Kết quả chẩn đoán cho thấy anh V bị đột quỵ, tiểu đường tuýp 2 với chỉ số đường trong máu tăng cao 201,6 mg/dL (người bình thường 70-100 mg/dL), chỉ số HbA1c lên 7,84%. Bác sĩ khoa Nội Thần kinh và Nội tiết - Đái tháo đường lập tức phối hợp điều trị.
BS.CKII Trần Thùy Ngân - khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM - cho biết hai bệnh nhân đều được điều trị khắc phục tình trạng đột quỵ não, giúp hồi phục sớm. Người bệnh cũng được tiêm insulin dưới da, đưa đường huyết về mức phù hợp (140-180 mg/dL). Trước khi xuất viện, người bệnh được bác sĩ kê thuốc trị tiểu đường, thần kinh và hướng dẫn chế độ ăn cũng như vận động phù hợp.
Bác sĩ Thùy Ngân cảnh báo hiện tượng nước tiểu bị kiến bu có thể là dấu hiệu bệnh tiểu đường, đôi lúc là bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu, tiểu máu hoặc tiểu đạm… Khi đường huyết cao hơn khả năng tái hấp thu của thận (lớn hơn hoặc bằng 180 mg%), cơ thể phải bài tiết qua nước tiểu. Như vậy, nước tiểu có đường sẽ thu hút kiến.
Điều này cho thấy bệnh nhân bị tiểu đường nhưng không phát hiện hoặc không kiểm soát tốt đường huyết, nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số trường hợp nước tiểu có đường nhưng đường huyết vẫn bình thường. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện khám và xét nghiệm đường máu để xác định có mắc bệnh không.
Tiểu đường tăng nguy cơ đột quỵ não 150-400%
Chia sẻ về bệnh tiểu đường, BS.CKII Trần Thùy Ngân nhận định nếu không kiểm soát tốt đường huyết, bệnh nhân có thể gặp biến chứng như bệnh võng mạc, bệnh thận mạn tính, cắt cụt chi… Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý tim mạch và đột quỵ.
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng mạch máu tại nhiều vị trí. Nguyên nhân là lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài thúc đẩy quá trình tích tụ chất béo trong động mạch, hình thành mảng xơ vữa, dẫn đến hình thành cục máu đông hoặc tắc nghẽn động mạch, gây tổn thương mạch máu nhỏ, lớn. Hệ thống mạch máu tổn thương sẽ ảnh hưởng đến chức năng của thần kinh, mắt, thận, tim, não…
Nhìn chung, người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao 2-4 lần so với người bình thường. Đặc biệt, những người trẻ mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn. Bệnh nhân đột quỵ với mức đường huyết không kiểm soát tốt có tỷ lệ tử vong cao, biến chứng sau đột quỵ nặng.
BS.CKII Trần Thùy Ngân khám bệnh cho anh T. |
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng thiếu máu và oxy cung cấp đến tế bào não. Tình trạng này xảy ra khi mạch máu não bị vỡ (xuất huyết não) hoặc tắc nghẽn (nhồi máu não).
Ngoài ra, người bệnh tiểu đường có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như huyết áp cao, béo phì, rối loạn lipid máu, tiền sử bệnh tim mạch, rối loạn đông máu, tiền căn gia đình có người đột quỵ, hút thuốc lá… cần tầm soát chặt chẽ.
Theo bác sĩ Thùy Ngân, để giảm nguy cơ đột quỵ, chúng ta cần kiểm soát bệnh tiểu đường và duy trì lối sống lành mạnh. Cụ thể, mỗi người nên duy trì chế độ ăn hợp lý, tốt nhất chỉ ăn ba bữa chính, chọn tinh bột không qua tinh chế nhiều, bổ sung chất xơ, giảm lượng muối ăn, uống đủ nước, hạn chế thức ăn nhanh và đồ chế biến sẵn, tập thể dục.
Tuy nhiên, bác sĩ Thùy Ngân cảnh báo nếu chỉ tập thể dục thường xuyên, bạn vẫn có thể bị tiểu đường. Ngoài vận động, bạn phải chú ý chế độ ăn uống lành mạnh, kiểm soát cân nặng, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá. Nhiều bệnh nhân tiểu đường chỉ phát hiện bệnh khi có biến chứng nặng, phải vào cấp cứu. Do đó, chúng ta cần khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để tầm soát và phát hiện sớm.