Trong số này, có “đại gia” từng là đại biểu HĐND tỉnh. Điểm chung nhất là những “đại gia” bị “xộ khám” trong những ngày vừa qua đều có cùng hành vi lừa đảo và bị hại của họ lại là một số ngân hàng từng là “ân nhân” giúp họ được danh “đại gia”.
“Đại gia” mà cơ quan điều tra Công an tỉnh Cà Mau vừa bắt giữ vào tối 29/10 về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là Dân “Cát vàng”, tức Trần Thanh Dân - Giám đốc Công ty TNHH Cát Vàng.
Trần Thanh Dân, tức Dân “Cát vàng”. |
Cuối năm 2010, Dân nhờ một số cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Minh Hải (VDB Minh Hải) lập chứng thư bảo lãnh để ông ta thực hiện hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Cà Mau (BIDV Cà Mau) vay 9 tỷ đồng, thời hạn là 12 tháng, lãi suất 17,5 %/năm để thực hiện hợp đồng kinh tế với Công ty Khánh Luân mua 200.000 m3 cát. Sau khi vay được tiền, Dân thoái thác trách nhiệm trả nợ nên BIDV Cà Mau đề nghị cơ quan chức năng làm rõ.
Ngày 30/9/2014, TAND huyện Cái Nước tuyên buộc Công ty Cát Vàng trả hơn 13 tỷ đồng (gồm cả vốn lẫn lãi) cho BIDV Cà Mau. Nếu trường hợp Công ty Cát Vàng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì VDB Minh Hải thanh toán số nợ trên.
Tuy nhiên, phía VDB không đồng ý. Công an tỉnh Cà Mau đã vào cuộc, phát hiện để chiếm tiền tỷ của BIDV Cà Mau, Trần Thanh Dân đã lập hợp đồng khống với Công ty Khánh Luân. Và do hợp đồng khống nên các hóa đơn sau đó cũng khống. Công ty Khánh Luân cũng như chủ sà lan cát khai nhận không hề có thực hiện hợp đồng nào với Công ty Cát Vàng.
Cũng trong những ngày cuối tháng 10/2015, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (Bộ Công an) phối hợp cùng Công an 2 tỉnh Cà Mau, An Giang và Cảnh sát Hoàng gia Campuchia đã bắt được “đại gia” Nguyễn Hữu Thành - nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Đại Dương cùng vợ là Võ Thị Kiều Oanh - Giám đốc Công ty TNHH TM và XK Nam Thành.
Vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thành. |
Bà Oanh bị truy nã đặc biệt toàn quốc theo Quyết định truy nã số 03/PC44, ngày 6/3/2014 về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước khi bị bắt, ông Thành cùng vợ lẩn trốn ở khu vực giáp biên giữa tỉnh An Giang với tỉnh Cần Đal (Vương quốc Campuchia). Bà Oanh mở quán ăn, rất ít khi về nước; còn ông Thành mỗi khi qua lại biên giới thường cải trang thành một ông chủ chuyên doanh… đặc sản nước mắm.
Theo kết quả điều tra, trước khi bị bắt, ông Thành đã lập nên Công ty TNHH TM&XNK Nam Thành và giao cho vợ làm giám đốc. Năm 2010, với tư cách giám đốc doanh nghiệp, bà Oanh đã lập hồ sơ vay, đưa tài sản của công ty vào thế chấp để vay từ VDB Minh Hải.
Vấn đề nằm ở chỗ là giá trị tài sản thế chấp chỉ 9,514 tỷ đồng nhưng bà Oanh đã “phù phép” để được VDB Minh Hải liên tiếp ký 6 hợp đồng tín dụng (từ ngày 15/6 đến 5/7/2010), giải ngân số tiền 39,683 tỷ đồng.
Sau khi phát hiện "sức khỏe" của "thượng đế" này có vấn đề, VDB phân công cán bộ kiểm tra mới giật mình khi biết DN này đã ngừng hoạt động; tài sản bảo đảm (gồm xe ôtô và toàn bộ nhà máy ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, tổng trị giá gần 5 tỷ đồng) đã được doanh nghiệp tháo dỡ dời đi nơi khác. Và tổng số nợ quá hạn và lãi treo của doanh nghiệp này đối với VDB Minh Hải đến trước thời điểm cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc (tháng 3/2014) đã lên trên 56,191 tỷ đồng.
Cũng cần kể thêm, vào thời điểm các doanh nghiệp của mình đang lao đao vì nợ, ông Thành đang là đại biểu HĐND tỉnh Cà Mau. Liên tiếp bị “chủ nợ” bủa vây trước khoản nợ "khủng", ông Thành đã phải lánh mặt.
Ngôi biệt thự lớn nhất Khu đô thị Hoàng Tâm từng làm trụ sở doanh nghiệp (cũng là tài sản đảm bảo thế chấp) đã rơi vào tình trạng cửa đóng, then cài sau khi vợ chồng “đại gia” này “mất tích” khỏi địa phương. Ông Thành sau đó cũng đã bị bãi miễn chức danh đại biểu HĐND tỉnh.
Như vậy, đến nay, liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ của BIDV Cà Mau và VDB Minh Hải, đã có hàng loạt “đại gia” của Cà Mau bị khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
Trước đó, cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam: Trần Tấn Hải - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và XNK Việt Hải (đặt tại KCN Hòa Trung, huyện Cái Nước); bà Đặng Thị Ngợi – Giám đốc xí nghiệp Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Ngọc Sinh (đặt tại huyện U Minh) cùng hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để được vay số tiền lớn từ VDB Minh Hải, hai “đại gia” vừa kể cũng dùng thủ đoạn lập hồ sơ khống. Chẳng hạn như bà Ngợi, sau khi mua lại một cơ sở đông lạnh, bà ta đã xây dựng xí nghiệp Ngọc Sinh. Tuy không hoạt động nhưng từ ngày 3/7 đến 23/9/2009, bà Ngợi đã làm khống hồ sơ để vay của VDB Minh Hải với số tiền gần 300 tỷ đồng.
Điều đáng nói là dù bà Ngợi không có khả năng chi trả, VDB Minh Hải vẫn tiếp tục hào phóng cho vay tiếp gần 12 tỷ đồng. VDB Cà Mau kiểm tra tài sản của XN Ngọc Sinh chỉ còn khoảng 90 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc gây thiệt hại cho VDB (gồm cả vốn gốc và lãi) gần 500 tỷ đồng.
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và xuất nhập khẩu Việt Hải đã nợ VDB Minh Hải gồm cả vốn lẫn lãi gần 170 tỷ đồng.
Về phía bị hại của các “con nợ” lừa đảo vừa kể, như báo chí từng thông tin, vào cuối tháng 3/2014, cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trịnh Tuấn Mẫn - nguyên Giám đốc VDB Minh Hải vì Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng.
5 cán bộ thuộc cấp của ông Mẫn cũng bị khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi phạm pháp của các bị can này trong hoạt động cho vay qua việc lợi dụng chủ trương của Nhà nước ưu đãi cho vay xuất khẩu với lãi suất thấp, đối với 7 doanh nghiệp với số tiền gần 1.456 tỷ đồng, dẫn đến khoản nợ quá hạn (thời điểm cuối tháng 6/2013) khó có khả năng thu hồi hơn 1.200 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố, phát lệnh truy nã đối với “đại gia” Phan Minh Nhật – Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy sản Minh Châu (đặt ở huyện Cái Nước) cùng hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phan Minh Nhật đã “biến” khỏi địa phương sau khi vay và không có khả năng thanh toán cho VDB hơn 170 tỷ đồng.