Từ đầu năm đến nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước ghi nhận hàng loạt trường hợp người bị chó dại cắn. Trong khi tỷ lệ tiêm phòng dại chưa đạt độ bao phủ, điều này dấy lên nỗi lo ngại trước mối nguy bùng phát ổ dịch bệnh dại.
Dại chỉ có thể phòng được bằng việc tiêm vaccine, khi đã lên cơn dại thì không có thuốc chữa và 100% người bệnh sẽ tử vong.
Nhiều người bị chó dại cắn
Theo ghi nhận của Zing, những ngày đầu tháng 4, phòng tiêm vaccine của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) luôn trong tình trạng đông đúc người đến đăng ký tiêm vaccine dại.
Thấy chó nhà chết vì phát bệnh dại, một cặp vợ chồng lớn tuổi lặn lội từ Tây Ninh lên TP.HCM để xin bác sĩ tư vấn dù không bị con chó cào cắn. Tuy nhiên, họ đều từng tiếp xúc với nước bọt của chó trong gần một tháng.
Cùng ngồi với cặp vợ chồng trong phòng tiêm chủng là một bé trai mới 6 tuổi, quê ở Bình Dương. Mới tối trước, em bị chó cắn và cào trên cổ khi đang chơi đùa nên được người thân đưa đến đây để tiêm phòng dại.
Người đàn ông từ Tây Ninh xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để tiêm vaccine dại sau khi tiếp xúc nước bọt của chó chết do bệnh dại. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ông Võ Ngọc Thạnh, Điều dưỡng Trưởng khoa, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết trong tháng 1, đơn vị này ghi nhận khoảng 6.540 lượt tiêm phòng vaccine dại và 5.830 ca trong tháng 2.
Trung bình mỗi ngày, bệnh viện có khoảng 220-250 người đến tiêm vaccine. Trong đó, tiêm vaccine phòng bệnh dại chiếm 70-80%. So với cùng kỳ năm 2020 và 2021, số lượng tiêm vaccine dại tăng gần 130-140%.
Đồng thời, trong tháng 1, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng ghi nhận 230 ca cấp cứu do vật nuôi cắn cần tiêm mũi mới hoặc mũi nhắc lại và 126 ca trong tháng 2.
Vết chó cắn, cào trên cổ bé trai 6 tuổi (sống tại Bình Dương). Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Nghệ An, tháng 1 và 2/2023, tỉnh này có 1.454 người bị các loại động vật chó, mèo cắn, cào gây thương tích phải đi tiêm vaccine phòng dại, trong đó, 326 người bị cắn ở mức độ 3 (bị một hay nhiều vết cắn xuyên da hoặc vết cào, vết liếm trên da hở).
Tính đến đầu tháng 4, Nghệ An báo cáo 3 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Tất cả trường hợp đều được đưa đến bệnh viện khi đã có dấu hiệu phát bệnh dại và không được tiêm phòng dại trước đó.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, địa phương này phát hiện 7 ổ dịch dại trên đàn chó. Năm trước đó, toàn tỉnh Cà Mau báo cáo 15 ổ dại trên đàn chó và hơn 5.800 trường hợp bị động vật cắn phải điều trị dự phòng dại.
Trong tháng 3, Bến Tre tiếp tục ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong do bệnh dại, nâng tổng số ca tử vong của tỉnh từ năm 2020 đến nay lên 26 trường hợp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nghi nhận thêm 2 ổ dịch dại trên chó, mèo nuôi trong năm nay.
Nỗ lực kiểm soát ổ dịch dại
Ngày 7/4, Sở Y tế tỉnh Bến Tre tổ chức họp trực tuyến với các đơn vị để bàn giải pháp ứng phó, phòng chống bệnh dại lan rộng.
Ngành y tế tỉnh này nhận định tình hình virus dại lưu hành trên diện rộng, nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng, nhất là thời điểm hiện nay, đang bước vào mùa hè.
Sở Y tế cũng đề nghị chính quyền và cán bộ thú y các địa phương phải thống kê và nắm rõ tình hình tiêm chủng của đàn chó mèo nuôi để ra phương án hạn chế nguy cơ dịch dại trên động vật lan rộng.
Đồng Nai là tỉnh ghi nhận khá nhiều trường hợp bị chó dại cắn. Ngành y tế tỉnh này nhận định địa phương đang đối mặt nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh dại trong thời gian tới.
Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai có 4 ca bị chó dại cắn và phát hiện 3 ổ dịch bệnh dại trên toàn tỉnh. Tất cả trường hợp trên đã được tiêm vaccine, huyết thanh phòng ngừa virus dại và chưa ghi nhận ca tử vong.
Ngành Y tế Đồng Nai phun khử khuẩn một hộ gia đình có chó dại. Ảnh: CDC Đồng Nai. |
CDC Đồng Nai phối hợp Chi cục Chăn nuôi và thú y đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo khỏe mạnh trên địa bàn; khoanh vùng, xử lý và hướng dẫn xử lý chó, mèo bị dại cũng như chó, mèo có tiếp xúc với virus dại.
Chính quyền các địa phương trong tỉnh cũng triển khai ngay đội bắt chó mèo thả rông và có phương án xử lý kiên quyết đối với những người không nuôi nhốt chó mèo.
Tại Cà Mau, trước mối nguy cơ của 7 ổ dịch chó dại, tỉnh này cũng đề nghị các đơn vị có liên quan tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại.
CDC Cà Mau đề nghị các điểm tiêm ngừa dại trên địa bàn khi người dân đến tiêm ngừa dại cần hỏi kỹ về tình trạng động vật cắn. Nếu chó, mèo cắn người có dấu hiệu bất thường, người dân phải báo ngay đến Trung tâm Y tế để phối hợp xử lý.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó mèo và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo phải xích, nhốt, nếu chó ra đường phải được rọ mõm.
Con người không nên đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Người bị chó mèo cắn phải đi tiêm ngừa sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Trường hợp người có nguy cơ cao với virus dại như người làm nghề giết mổ chó, người đi đến khu vực lưu hành bệnh dại cần đến cơ sở y tế, trung tâm y tế khám, tư vấn và tiêm vaccine dự phòng bệnh dại.
Chữa lành bằng sách
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.