Zing trích dịch bài đăng từ Channel News Asia, đề cập đến hai mặt của Internet trong việc tác động đến quyết định tự sát của thanh thiếu niên.
Josh Isaac Ng vốn là một thanh niên tràn đầy sức sống, yêu phim ảnh và thích chơi bowling. Nhưng vào tháng 2/2018, chàng trai 20 tuổi cố gắng tự sát vì cảm thấy quá tải sau một năm đầy khó khăn và áp lực.
May mắn thay, các bác sĩ đã kịp thời cứu được anh. Josh cũng thú nhận với mẹ rằng anh ấy đã tìm kiếm cách thức kết liễu cuộc đời ở trên Internet.
Sau lần Josh chết hụt, Jenny Teo trông chừng đứa con duy nhất của mình bất kể ngày đêm.
Josh Isaac Ng và mẹ mình. Ảnh: Jenny Teo. |
“Tôi cố gắng theo dõi thằng bé chặt chẽ, cả ngày lẫn đêm, để đảm bảo nó được an toàn về mặt thể chất. Thế nhưng, thật khó để biết được con làm gì và đọc gì trên mạng xã hội”, người mẹ 60 tuổi nói.
Bà rất tức giận khi biết có những người hướng dẫn tự vẫn trên mạng. “Người trẻ không nên tiếp cận loại thông tin này. Nó có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý hoặc thúc đẩy hành động của người muốn kết liễu cuộc đời”.
Bất chấp những nỗ lực của mẹ, Josh qua đời sau 4 tháng kể từ lần chết hụt. Jenny tìm thấy xác của con trai trong nhà. Lần này, không ai có thể cứu cậu được nữa.
Năm 2019, số thanh thiếu niên Singapore qua đời vì tự vẫn nhiều gấp 3 lần so với tai nạn giao thông. Trong đó, có tới 94 trường hợp ở độ tuổi từ 10 đến 29. Hầu hết nạn nhân đều sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin liên quan đến tự sát, theo cảnh sát điều tra.
Mặc dù mối liên hệ giữa hành vi tự tử và việc sử dụng Internet chưa được làm rõ, bà Jenny vẫn cho rằng các công ty công nghệ “có thể làm được hơn thế” để giảm thiểu rủi ro.
Những bạn trẻ mắc bệnh trầm cảm có xu hướng lên Internet tìm cách kết liễu cuộc đời. Ảnh: MediaCorp. |
Người mẹ 60 tuổi dẫn một vụ án thương tâm vào năm 2019: Một cô bé 16 tuổi ở Sarawak (Malaysia) đã hỏi trên trang Instagram cá nhân rằng liệu cô nên chết đi hay sống tiếp. 69% những người tham gia trả lời bỏ phiếu cho “cái chết”. Chỉ vài giờ sau, cô bé được phát hiện đã tự sát.
“Những câu trả lời đã bức chết cô ấy, theo đúng nghĩa đen. Tôi ước rằng các công ty công nghệ đã có thể thông báo kịp thời bài đăng này tới phụ huynh của cô bé”, Jenny nói.
Mạng xã hội có thể làm tốt hơn thế
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 40 giây lại có một người qua đời vì tự sát.
Chỉ tính riêng từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, Facebook đã gỡ gần 10 triệu bài viết vi phạm chính sách của nền tảng về nội dung tự sát và tự gây thương tích. Nhưng trên Instagram, những nội dung này chỉ được gắn cảnh báo cho người xem trước khi ấn vào.
“Chúng tôi áp dụng cảnh báo đối với mọi bài đăng không vi phạm nguyên tắc cộng đồng của trang nhưng lại bị người dùng báo cáo chứa nội dung tự sát, tự làm hại bản thân hoặc rối loạn ăn uống”, trích tuyên bố của công ty.
Mạng xã hội đã có thể làm tốt hơn trong việc ngăn chặn các vụ tự sát xảy ra. Ảnh: MediaCorp. |
Lucas Chae - một nhà thiết kế trải nghiệm người dùng ở Hàn Quốc - tin rằng các công cụ tìm kiếm cũng có thể góp phần ngăn chặn các vụ tự vẫn.
Hồi còn là sinh viên đại học, trong một ngày “căng thẳng tột độ vì khối lượng công việc quá nặng nề”, Lucas đã tìm kiếm thông tin liên quan đến kết liễu cuộc đời trên Internet.
Ngay đầu trang web tìm kiếm, anh nhận được thông điệp “Bạn không hề đơn độc. Ở đây luôn có sự trợ giúp miễn phí dành cho bạn”, đính kèm số điện thoại đường dây nóng của trung tâm y tế.
Tuy nhiên, Lucas thấy lời phản hồi của công cụ tìm kiếm này hoàn toàn vô dụng. Trên thực tế, chỉ khoảng 6% những người dùng tìm kiếm thông tin liên quan đến tự tử bấm vào đường dẫn trên.
“Đối với những người đang trên bờ vực tự sát, câu nói đó không hề giúp thay đổi quyết định của họ”, anh nói.
Hiện trạng này đã thôi thúc nhà thiết kế tạo ra một giao diện thay thế. Tại đây, Lucas đặt câu hỏi cho những người tìm kiếm cách tự vẫn trên Internet rằng điều gì khiến họ phiền muộn.
Họ sẽ chọn đáp án trong 5 danh mục có sẵn, bao gồm thành tích, xã hội, các mối quan hệ, cảm xúc và thể chất - tâm lý. “Bất kỳ người dùng nào cũng sẽ chọn ít nhất một danh mục”, Lucas khẳng định.
Thế hệ lớn lên cùng Internet thường lên mạng để tìm kiếm câu trả lời cho các vấn đề. Đó là khi các thanh công cụ tìm kiếm, ứng dụng và mạng xã hội phát huy tác dụng. Ảnh: NBC News. |
Mỗi danh mục sẽ dẫn đến trung tâm hỗ trợ phù hợp mà họ có thể liên hệ trực tiếp. Ngoài ra, trang web cũng hiển thị “một số trích dẫn tạo động lực” hoặc “bài đăng về kinh nghiệm sống của một người đã trải qua sự việc tương tự” cho người dùng.
“Phần lớn những người tự sát nằm trong độ tuổi 10-29 - một thế hệ lớn lên cùng Internet. Mỗi khi gặp khó khăn, họ sẽ lên mạng tìm kiếm câu trả lời. Vì vậy, việc có một giao diện web thể hiện sự quan tâm đến đối tượng này là cách đơn giản nhất để tiếp cận và giúp đỡ họ”, Lucas nói.
Công nghệ phát huy thế mạnh
Bên cạnh sáng kiến của nhà thiết kế Lucas, một số ứng dụng khác được đưa vào hoạt động, trở thành công cụ ngăn ngừa những vụ tự sát xảy ra.
CARA Unmask là ứng dụng dành cho riêng những cá nhân phải vật lộn với sức khỏe tâm thần.
Người dùng có thể chọn một tình nguyện viên mà họ cảm thấy thoải mái khi trò chuyện cùng bằng tin nhắn. Ngoài ra, họ có thể liên lạc với các nhà trị liệu tâm lý có trong danh sách để được tư vấn chuyên nghiệp.
Thuật toán của CARA Unmask có thể phát hiện ra các từ khóa gợi ý nguy cơ tự tử của người dùng trong lúc trò chuyện trên ứng dụng.
Sau đó, nền tảng này sẽ kích hoạt một thông báo, cho phép người dùng kết nối ngay lập tức với Trung tâm Phòng chống tự tử Samaritans of Singapore (SOS).
“Chúng tôi có thể truy xuất địa chỉ IP của người dùng và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền. Chúng tôi cũng có các liên hệ khẩn cấp của từng người dùng”, Orapan cho biết.
Thật khó để kiểm soát hoạt động của giới trẻ trên mạng. Ảnh: Wired. |
Ngoài ra, Bark - một ứng dụng giám sát dành cho phụ huynh - có thể gửi cảnh báo tự động cho các bậc cha mẹ khi thuật toán phát hiện ý định quyên sinh của con cái họ.
Nền tảng này theo dõi các tương tác của thanh thiếu niên trên điện thoại, bao gồm nhắn tin, email, hoạt động trên 30 ứng dụng mạng xã hội. Nhờ đó, Bark đã phát hiện hơn 75.000 “tình huống tự gây hại” nghiêm trọng. Tuy nhiên, ứng dụng này chỉ áp dụng ở Mỹ.
Ooi - người đồng sáng lập Cộng đồng vì sức khỏe tâm thần Calm Collective Asia - cho rằng các tổ chức cần “cảnh giác” khi tập trung vào nạn tự tử ở thanh thiếu niên “vì đó là một vấn đề hóc búa trong xã hội".
Đồng thời, Ooi tin rằng khi nói về nạn tự vẫn ở giới trẻ nhiều hơn, xã hội sẽ dần bình thường hóa những cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề sức khỏe tâm thần.