Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều người chờ ở Nhà hát Lớn để tiễn biệt TBT Nguyễn Phú Trọng

Đứng đợi trước Nhà hát Lớn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhiều người hy vọng có thể đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những đoạn đường cuối cùng.

Người dân đội nắng chờ tiễn Tổng Bí thư ở Nhà hát Lớn Trưa ngày 26/7, nhiều người đội nắng đến khu vực Nhà hát Lớn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để chờ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.

Chân đau không thể vào Nhà tang lễ Quốc gia để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chị Trần Minh Nguyệt (Long Biên, Hà Nội) cùng mẹ và hai con quyết định đứng đợi trước Nhà hát Lớn.

"Nắng hay mệt đến mấy chúng tôi cũng chịu được. Miễn là được đưa tiễn Tổng Bí thư lần cuối", chị cho hay.

Trong hai ngày Quốc tang (25-26/7), chị Nguyệt đã đóng cửa xưởng sản xuất thực phẩm của gia đình. Tất cả thành viên trong gia đình 3 thế hệ này đều dành tình cảm đặc biệt cho Tổng Bí thư.

"Chúng tôi cảm thấy như mất đi một người thân, người đã dành cả những giây phút cuối cùng cho công việc chung của đất nước, nhân dân", chị nói.

Trưa 26/7, nhiều người dân đã đến trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội để đợi đoàn xe đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chia sẻ với Tri Thức - Znews một số cho biết sau khi vào viếng Tổng Bí thư ở Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đã tranh thủ ra khu vực này chờ sẵn.

Một số người lặn lội đi từ các tỉnh thành xa xôi từ ngày hôm trước với mong muốn được đưa tiễn Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng. Chiều 26/7, linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được di chuyển qua nhiều tuyến phố Hà Nội để về Nghĩa trang Mai Dịch.

tong bi thu, le vieng tong bi thu,  nguyen phu trong,  nha hat lon anh 1

Chị Mai muốn dành trọn một ngày để đưa tiễn Tổng Bí thư.

Chị Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) đã đến đợi ở Nhà hát Lớn từ lúc 10h. Chị cho biết đã xin công ty nghỉ làm ngày hôm nay để có thể đưa tiễn "bác Trọng" - cách gọi thân thương mà nhiều người dân dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chị kể hôm qua đã đến xếp hàng ở Nhà tang lễ Quốc gia, nhưng vì quá đông nên chưa thể vào viếng.

"Sáng nay, tôi tranh thủ đi từ rất sớm và 7h đã được vào viếng bác. Vì đã xin nghỉ làm, tôi muốn dành trọn ngày hôm nay để tiễn bác chặng đường cuối", chị chia sẻ.

Đứng cách đó không xa là ông Lưu Hùng Tráng (huyện Đông Anh, Hà Nội). Từ khi đến trước Nhà hát Lớn vào lúc 10h30, ông nhìn chăm chăm vào dòng xe cộ di chuyển trên đường. Ánh mắt của người đàn ông 70 tuổi không giấu được nỗi buồn.

"Ai cũng buồn cả. Một người có công như Tổng Bí thư xứng đáng được mọi người khóc thương như vậy", ông nói bằng chất giọng run run.

Còn bà Thảo (Bắc Giang) đã đi xe tới Hà Nội vào tối hôm 25/7. Sau khi xếp hàng vài tiếng, bà đã được vào viếng Tổng Bí thư lúc 22h cùng ngày. Sáng nay, bà quyết định tới Nhà hát Lớn đứng đợi như nhiều người khác.

"Đối với tôi, bác Trọng là một người đáng kính. Tôi tin rằng sau này từng lời nói, hành động của bác sẽ sống mãi trong lòng mọi người. Vì sức khỏe không cho phép nên tôi chỉ có thể chờ ở đây rồi về, không thể tiễn bác đến tận Nghĩa trang Mai dịch", bà nói.

tong bi thu, le vieng tong bi thu,  nguyen phu trong,  nha hat lon anh 2

Ông Tráng đứng đợi trước Nhà hát Lớn Hà Nội.

Mẹ con chị Lý cũng hòa trong dòng người đứng đợi trước Nhà hát Lớn. "Nắng nóng và có phải chờ lâu thế nào thì chúng tôi cũng chấp nhận", chị cho hay.

Nhà của mẹ con chị khá gần với quê nhà của Tổng Bí thư ở Lại Đà, Đông Hội, Đông Anh. 22h hôm 25/7, gia đình chị đã tới viếng Tổng Bí thư. Sáng sớm hôm nay, hai mẹ con lại bắt xe buýt đi từ sớm và quyết định đứng đợi ở Nhà hát Lớn. "Tôi đã chuyển sang làm ca từ 14h đến 22h để có thể đứng ở đây. Như rất nhiều người dân trên đất nước này, tôi cũng dành sự kính trọng, nể phục đối với con người và công hiến của bác".

Theo chương trình lễ tang, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), bắt đầu từ 7h00 đến 22h00 ngày 25/7 và từ 7h00 đến 13h00 ngày 26/7.

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h00 ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Lễ an táng lúc 15h00 cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP.HCM) và tại quê nhà xã Đông Hội (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Bộ sách "Vững bước trên con đường đổi mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những công trình nổi bật của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; gồm hai tập, tập một gồm các bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư đăng trên báo Nhân Dân từ năm 2011-2014. Tập 2 là những bài từ năm 2015-2017.

Nội dung sách tập trung vào các vấn đề đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...

Khoảnh khắc xúc động trong đêm viếng Tổng Bí thư ở TP.HCM

Ngày đầu tiên trong Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở TP.HCM khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc.

Ánh Hoàng - Linh Vũ - Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm