Phan Thị Tâm không thể kìm được những giọt nước mắt trong khoảnh khắc được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngay cả khi đã rời khỏi Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cô vẫn chưa thể ngừng khóc.
"Trong giây phút này, tôi thấy đau lòng và xúc động quá", Tâm chia sẻ với Tri Thức - Znews bằng giọng nói nghẹn ngào.
Tâm cho biết thêm hôm nay cô đã sắp xếp công việc và đến xếp hàng từ lúc 5h30 sáng để được vào viếng Tổng Bí thư.
Giống như Tâm, nhiều người dân rời Nhà tang lễ Quốc gia với gương mặt đẫm nước mắt. Mọi người đều cảm thấy tiếc thương trong giây phút tưởng niệm, nói lời tiễn biệt với "bác Trọng" - cách gọi thân thương mà nhiều người dân dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông. Người dân được vào viếng Tổng Bí thư từ 18h chiều 25/7, nhưng đa số đã đến xếp hàng từ sớm.
Nhiều người dân bật khóc xúc động tại Nhà tang lễ Quốc gia. |
Bảo Trang (sinh năm 2001) và em trai (sinh năm 2009) cũng rất xúc động trong giây phút được vào viếng Tổng Bí thư. "Bác không phải người thân ruột thịt nhưng chị em tôi đều thấy đau lòng".
Trang vẫn nhớ hôm cô biết tin Tổng Bí thư mất là một ngày trời Quảng Ninh mưa rất lớn. "Đó là ngày buồn của cả đất nước. Trong gia đình tôi, bố mẹ vẫn luôn nhắc đến bác Trọng là một người giản dị, sống có danh dự cả một đời".
Trong khi bố mẹ đều bận công việc không thể đi Hà Nội, em trai là người đã thuyết phục Trang đến dự lễ viếng Tổng Bí thư. Vừa xuống xe, hai chị em đã vội vàng đến Nhà tang lễ Quốc gia xếp hàng chờ đợi từ lúc 15h. "Em tôi rất yêu quý, ngưỡng mộ và muốn được viếng bác", cô cho hay.
Hòa trong dòng người vào viếng Tổng Bí thư, Nguyễn Thị Mỹ Hà (quê Nghệ An) cũng không cầm được nước mắt. "Cảm xúc cứ như là mất đi một người vô cùng thân quen. Tôi không biết phải diễn tả thành lời nỗi buồn này như thế nào nữa", Hà nói trong tiếng nức nở.
Nguyễn Thị Mỹ Hà xếp hàng nhiều giờ trước khi được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Còn Tô Ngọc Tân (Tây Hồ, Hà Nội) có mặt trước Nhà tang lễ Quốc gia lúc 16h30. Anh xếp hàng hơn 3 giờ trước khi được vào viếng Tổng Bí thư.
"Quá trình vào viếng chỉ tầm 30-45 giây thôi nhưng cảm xúc lúc đó thật xúc động, nghẹn ngào. Để có thể nói được lời tiễn biệt với một người cao cả như vậy, tôi sẵn lòng đừng đợi lâu hơn", anh nói.
Tân cho biết từ những năm học cấp 2-3, anh đã thường xuyên nghe tên Tổng Bí thư trên các phương tiện báo đài. Khi lớn lên, anh tìm hiểu và càng quý trọng hơn cộng hiến của bác cho đất nước, dân tộc.
"Là một người trẻ, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm ghi nhớ, biết ơn những công lao ấy và đến đây hôm nay để tỏ lòng thành kính".
Tân cho biết nguyên ngày nghe tin Tổng Bí thư qua đời, anh thấy thương tiếc và nghẹn ngào. "Thật sự là tôi đã bật khóc 3 lần, cứ mỗi lần lướt đến tin tức, clip về bác là nước mắt lại rơi", anh chia sẻ.
Ngọc Tân được vào viếng sau 3 giờ xếp hàng. |
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Huy, cán bộ Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, cho biết quanh Nhà tang lễ Quốc gia có các chốt phục vụ người dân đăng ký vào viếng Tổng Bí thư. Mỗi chốt sẽ có 20 cán bộ chiến sỹ cùng nhiều sinh viên tình nguyện hỗ trợ công tác đăng ký.
Tất cả cán bộ, người dân đến viếng Tổng Bí thư được xác minh danh tính qua hai cách: dùng thẻ căn cước công dân có gắn chip quét qua máy QR code hoặc đăng ký qua ứng dụng VneID. Sau khi hoàn tất thủ tục, người dân tuân theo sẽ sắp xếp của bộ phận an ninh để vào viếng.
Ngoài ra, người dân còn có thể gửi lời chia buồn tới gia đình Tổng Bí thư qua ứng dụng VneID. Tất cả dữ liệu này sẽ được tập hợp tại Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư (C06).
Theo chương trình lễ tang, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7 và từ 7h đến 13h ngày 26/7/2024.
Lễ truy điệu được tổ chức lúc 13h ngày 26/7, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.
Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
TP.HCM kéo dài thời gian viếng đến 23h tối 25/6
Tại TP.HCM, do số lượng người dân đến viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất vào chiều tối rất đông nên UBND TP.HCM quyết định giờ viếng đến 23h ngày 25/6 thay vì đến 22h như thông báo trước. Nhằm tạo mọi điều kiện để người dân được đến viếng thuận lợi nhất từ 23h Ban tổ chức sẽ không nhận đăng ký vào viếng và giờ viếng ngày 26/7 bắt đầu từ 7h và kết thúc lúc 12h30.
Bộ sách "Vững bước trên con đường đổi mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những công trình nổi bật của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; gồm hai tập, tập một gồm các bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư đăng trên báo Nhân Dân từ năm 2011-2014. Tập 2 là những bài từ năm 2015-2017.
Nội dung sách tập trung vào các vấn đề đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...