Rạng sáng 25/7, ông Huỳnh Duy Thương (sinh năm 1960) có mặt ở ngã tư Lò Đúc - Nguyễn Công Trứ để chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Chỉ mới 12 giờ trước, ông vừa hạ cánh Sân bay Nội Bài sau chuyến bay từ Khánh Hòa ra Hà Nội. Ông di chuyển một mình, không quản ngại đường xa chỉ để thực hiện lời hứa với bản thân từ trước, rằng ông sẽ đưa tiễn Tổng Bí thư đoạn đường cuối vào ngày vị lãnh đạo từ trần.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, người đàn ông đã nghỉ hưu cho biết mình không có mối liên hệ gì với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, ông Thương dành tình cảm ngưỡng mộ đặc biệt tới “bác Trọng”, cách gọi thân thương mà nhiều người dân dành cho Tổng Bí thư.
Ông Huỳnh Duy Thương tiếc nuối khi không thể ở lại lâu hơn do phải bay về Khánh Hòa trong buổi chiều. |
“Tổng Bí thư là một vị lãnh đạo liêm khiết. Dù chỉ theo dõi bác Trọng qua những bản tin trên báo đài, tôi ngưỡng mộ con người này. Tôi sẽ tiếc nuối nếu không thể đến chào Tổng Bí thư lần cuối”, ông Thương nói.
Thế nhưng, nguyện vọng của người đàn ông không được hoàn thành trọn vẹn bởi theo thông tin từ cơ quan chức năng, người dân sẽ được vào thăm viếng sau 17h. Trong khi đó, ông phải lên chuyến bay lúc 17h hôm nay để trở về Khánh Hòa gấp. Dù vậy, ông Thương vẫn nán lại, dự định sẽ chờ tới khi phải di chuyển ra sân bay.
Từ rạng sáng, nhiều người ở khắp nơi đổ về Nhà tang lễ Quốc gia (Hà Nội) để xếp hàng tham dự Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không ít người cất công di chuyển từ các tỉnh, thành ngoài Hà Nội. Tất cả tuân thủ theo hướng dẫn, điều phối của lực lượng chức năng.
Dòng người xếp hàng tại chốt ngã tư Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông. Ảnh: Thế Bằng. |
Theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Lễ tang tạo điều kiện sắp xếp cho nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Người đến các điểm viếng cần mặc trang phục tối màu, mang theo căn cước công dân gắn chip hoặc điện thoại đã cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2 để quét mã QR. Các đoàn nên đi xe chung đến khu vực tổ chức lễ tang.
Khi nghe tin người dân được vào viếng sau 17h, bà Nguyễn Thị Hạp (60 tuổi), ngụ tại huyện Yên Mỹ (Hưng Yên), cùng hai người hàng xóm là Tạ Thị Tí và Tạ Thị Nga tìm chỗ ở gần nhà tang lễ để nghỉ ngơi, chờ đến chiều xếp hàng.
Ba người phụ nữ ở Hưng Yên tới viếng Tổng Bí thư. |
“Chúng tôi lên kế hoạch di chuyển ngay khi nhận thông báo về thời gian tổ chức Lễ Quốc tang. Chúng tôi đặt xe dịch vụ để linh động thời gian, và dự định trở về sau khi hoàn thành tâm nguyện được viếng Tổng Bí thư”, bà Hạp nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể chờ đợi đến buổi chiều do tuổi cao, sức yếu. Nghe tin 17h mới được vào viếng, ông Đỗ Mộng Hùng (93 tuổi), người cho biết là bạn học cũ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đành nhờ người đặt xe ôm công nghệ về nhà.
Trước đó, khoảng 7h, ông chống chiếc gậy tới nhà tang lễ để tiễn biệt người từng học chung tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến Tổng Bí thư.
Ông Mộng Hùng (93 tuổi) trở về nhà do không thể xếp hàng chờ tới chiều. |
Ông Đỗ Quang Đăng (83 tuổi), ngụ tại phố Lò Đúc, cũng đành trở về nhà sớm hơn dự kiến. Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông từng có thời gian tiếp xúc và làm việc cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở thập niên 1960. Ông cho biết mối quan hệ đồng nghiệp chỉ dừng ở mức xã giao, nhưng ông bày tỏ sự mến mộ tới Tổng Bí thư.
"Qua những lần tiếp xúc, tôi thấy bác Trọng là một người tuyệt vời và đáng kính trọng. Tôi mong các đồng chí lãnh đạo sau cũng sẽ như Tổng Bí thư để đất nước và nhân dân được ấm no, hạnh phúc", ông nghẹn ngào chia sẻ.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), bắt đầu từ 7h00 đến 22h00 ngày 25/7 và từ 7h00 đến 13h00 ngày 26/7.
Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h00 ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Lễ an táng lúc 15h00 cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP.HCM) và tại quê nhà xã Đông Hội (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Bộ sách "Vững bước trên con đường đổi mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những công trình nổi bật của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; gồm hai tập, tập một gồm các bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng bí thư đăng trên báo Nhân Dân từ năm 2011-2014. Tập 2 là những bài từ năm 2015-2017.
Nội dung sách tập trung vào các vấn đề đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...