Chia sẻ lý do quyết định tiêm vaccine dự phòng dại tại VNVC Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận, TP.HCM), anh Thành Nguyễn (18 tuổi, TP.HCM) - du học sinh Canada - cho biết theo tìm hiểu, khi tiêm vaccine dự phòng dại, nếu bị chó, mèo cào, cắn thì tiêm ít mũi vaccine hơn và không phải tiêm huyết thanh kháng dại. Cách đây không lâu, Thành bị đứt chân. Lo ngại nhiễm trùng do trực khuẩn uốn ván, anh đến bệnh viện tại Canada để tiêm chủng, nhưng phải đợi đến 10 tiếng.
“Dịp này về nước thăm gia đình, tôi quyết định tiêm dự phòng vaccine dại vì lo lắng tái diễn tình trạng chờ lâu, nguy hiểm sức khỏe”, Thành bày tỏ.
Tương tự anh Thành, vào tháng 3, khi du lịch Campuchia, anh Georg Gutheil (25 tuổi, quốc tịch Đức) bị khỉ cào. Về Việt Nam, anh đến VNVC Hoàng Văn Thụ để tiêm dự phòng dại. Anh cho biết từng tiêm 3 mũi vaccine dại trước khi đi du lịch. Tại trung tâm tiêm chủng, anh được tư vấn tiêm thêm 2 mũi vaccine dại để yên tâm về sức khỏe.
Anh Georg Gutheil tiêm vaccine dại. |
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp là bác sĩ thú y, người nuôi chó mèo, trẻ nhỏ... cũng tiêm vaccine dự phòng dại. Thường xuyên trekking (đi bộ đường dài) khám phá thiên nhiên hoang dã, tiếp xúc nhiều động vật máu nóng như dơi, chồn... chị Trần Thy Anh (27 tuổi, Hà Nội) quyết định tiêm vaccine dại để phòng bệnh.
Cứu hộ và chăm sóc hàng trăm chú mèo hoang, chị Ngô Đình Vân Khanh và chồng Đỗ Dương Trúc Lâm (quận 7, TP.HCM) thường xuyên bị cào, cắn, da có nhiều vết trầy xước. Mới đây, hai vợ chồng quyết định tiêm vaccine dự phòng dại.
“Mèo được cứu hộ thường bị bỏ rơi hoặc không rõ nguồn gốc, nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao, không loại trừ bệnh dại. Do đó, tôi chủ động tiêm cho an tâm”, chị Khanh bày tỏ.
Bác sĩ thú y, người nuôi chó mèo, trẻ nhỏ... là đối tượng cần ưu tiên tiêm dự phòng dại. |
Theo hướng dẫn giám sát, phòng ngừa bệnh dại trên người do Bộ Y tế ban hành, việc tiêm vaccine dự phòng bệnh dại và tiêm nhắc lại định kỳ được khuyến cáo với người có nguy cơ phơi nhiễm cao với virus dại như cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với virus dại, người làm nghề giết mổ chó, du khách đến khu vực lưu hành bệnh dại...
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hàng chục ca tử vong do mắc bệnh dại, nhiều trường hợp bị chó cắn nhưng không tiêm phòng.
BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC - cho biết hiện Việt Nam ghi nhận nhiều ca tử vong do bệnh dại. Nguyên nhân là đàn chó nuôi ở Việt Nam tăng theo thời gian, đặc biệt sau dịch Covid-19; chó nuôi thả rông, không rọ mõm, tỷ lệ tiêm phòng thấp; cơ quan thú y không thống kê được số ổ dịch dại, số chó chết vì dại; không xử lý vết thương đúng khi bị chó nghi/bị dại cắn; nghi ngờ vaccine dại gây hại.
BS Chính chia sẻ tiêm vaccine dại trước phơi nhiễm mang đến nhiều lợi ích như chỉ cần tiêm 3 mũi, linh động về mặt thời gian... Khi chẳng may bị chó, mèo cắn, lịch tiêm đơn giản hơn - chỉ cần tiêm 2 mũi vaccine, không cần tiêm huyết thanh kháng dại cả khi vết thương nặng.
“Trong trường hợp không tiêm phòng dại trước khi bị chó, mèo cắn, bạn phải tiêm 5 mũi với thời gian khắt khe trong một tháng. Nhất là vết thương nặng, vị trí trọng yếu, người bị cắn phải tiêm huyết thanh, ảnh hưởng tâm lý và sinh hoạt, cũng như chịu nhiều tác dụng phụ. Đặc biệt tại vùng sâu vùng xa, huyết thanh kháng dại và vaccine không phải lúc nào cũng có sẵn. Ở thời điểm khan hiếm, nếu người dân bị động vật cắn, họ rất hoang mang và lo sợ”, BS Chính nhấn mạnh.
Với trẻ nhỏ, việc tiêm phòng dại trước phơi nhiễm có ý nghĩa quan trọng vì trẻ thường không để ý vết thương do động vật gây ra lúc chơi đùa, quên thông báo cho bố mẹ. Hơn nữa, trẻ em có chiều cao thấp, nếu bị chó cắn thì vết thương thường nằm ở đầu, mặt, cổ nhiều hơn người lớn. Đây là nguyên nhân virus dại di chuyển nhanh lên hệ thần kinh trung ương và gây bệnh.
Các loại vaccine phòng dại thế hệ mới được chứng minh an toàn cho người. Vaccine được sản xuất từ tế bào vero với quy trình khép kín, giảm nguy cơ tạp nhiễm, tăng hiệu quả kháng thể sau tiêm gấp 10 lần so với vaccine cũ. Vaccine không gây biến chứng về hệ thần kinh, không làm suy giảm trí nhớ, giảm tác dụng phụ tại chỗ như sưng, đau, sốt… so với vaccine thế hệ cũ.
Bệnh dại chưa có thuốc đặc trị, tỷ lệ tử vong gần như là 100% với người không tiêm chủng và huyết thanh sau khi nhiễm virus. Trong đó, 99% ca bệnh dại có nguồn lây từ chó nhiễm virus dại. Tuy nhiên, chó không phải nguồn lây virus dại duy nhất. Mèo, chồn, cầy, dơi và động vật có vú khác có thể lây truyền virus dại. Mùa hè với thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh, tiêm vaccine dự phòng là biện pháp dự phòng, giúp bảo vệ sức khỏe trước dịch bệnh dại.
Hệ thống tiêm chủng VNVC có đủ hai loại vaccine phòng dại thế hệ mới gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ) an toàn, chất lượng. Trẻ em và người lớn có thể liên hệ hotline 02873006595 hoặc đến trực tiếp trung tâm tiêm chủng VNVC để được tư vấn.