Cơ quan Quản lý Nhà ở Thành phố New York (NYCHA), nơi điều hành hệ thống nhà ở công cộng lớn nhất nước Mỹ, đang bị nợ hơn 364 triệu USD tiền thuê nhà trong năm 2021. Đây số tiền chưa thanh toán lớn nhất từ trước đến nay, cơ quan này cho biết.
Tính đến tháng 11/2021, hơn 68.000 hộ gia đình, chiếm khoảng 42% tổng số cư dân nhà ở công cộng, đang bị quá hạn tiền thuê nhà.
Bức tranh ảm đạm này khiến nhiều người dân lo sợ mất nơi ở, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhà ở của thành phố.
"Tôi sợ rằng mình sẽ bị đuổi ra khỏi nhà. Tôi chẳng có nơi nào để đi và không thể chi trả tiền thuê một căn hộ với thị trường ngày nay", Eileen Dominick, cư dân khu Red Hook Houses của NYCHA ở quận Brooklyn và đang nợ hơn 3.000 USD, chia sẻ.
Nhiều hộ gia đình bị chậm tiền thuê nhà do đại dịch, đứng trước nguy cơ bị trục xuất. Ảnh: New York Times. |
Nợ tiền thuê nhà
Từ 2016 đến 2018, NYCHA từng đệ trình hơn 40.000 đơn trục xuất người thuê nhà mỗi năm, theo dữ liệu từ Văn phòng Quản lý Tòa án Bang New York. Các vụ việc thường có lý do như lỡ hạn thanh toán tiền nhà hay gây thiệt hại tài sản.
Tuy nhiên, viên chức của NYCHA cũng thừa nhận rằng việc nộp số lượng lớn đơn kiện có thể làm quá tải tòa án và gây thiệt hại cho người thuê nhà. Thay vào đó, họ sẽ tập trung vào nhóm người đã nợ nhiều tiền từ trước đại dịch.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng việc trục xuất chỉ là phương án sau cùng”, Lisa Bova-Hiatt, cố vấn của NYCHA, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Lucy Newman, luật sư tại Hiệp hội Trợ giúp Pháp lý, cho biết: “Cư dân chỉ có thể trông đợi rằng NYCHA sẽ suy nghĩ thấu đáo về những trường hợp họ đệ đơn trục xuất”.
Hệ thống nhà ở công cộng của thành phố New York có quy mô lớn nhất cả nước. Đây là nơi sinh sống của những người New York có thu nhập thấp nhất. Mỗi hộ gia đình trong chương trình của NYCHA kiếm được trung bình 16.956 USD/năm, cách xa mức của toàn thành phố là 64.000 USD.
Tiền nhà ở của NYCHA thường được giới hạn ở 30% thu nhập của người thuê, tức 389 USD, thấp hơn khoảng 73% so với mức trung bình của New York.
Theo cơ quan quản lý, có rất nhiều nhu cầu về nhà ở công cộng: hơn 250.000 người nộp đơn đang trong danh sách chờ.
Những khu nhà ở công cộng cho người nghèo tại New York đã xuống cấp. Ảnh: Wall Street Journal. |
Những tổn thất kinh tế trong đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng hơn với người nghèo.
Vì tiền thuê nhà ở công cộng dựa trên thu nhập của dân cư, nhiều người có thể báo cáo khó khăn tài chính để yêu cầu giảm chi phí. Năm 2019, trước đại dịch, NYCHA chỉ nhận được hơn 17.000 yêu cầu. Con số đó đã tăng lên 37.000 vào 2020 và 23.000 vào 2021.
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ gia đình chậm trả tiền thuê nhà vẫn tăng lên trong đại dịch với khoảng 42% bị truy thu vào tháng 11/2021.
Số tiền thuê nhà chưa thanh toán chồng chất cũng làm trầm trọng thêm tình trạng tài chính vốn đã tồi tệ của cơ quan nhà ở công cộng.
Sau nhiều thập kỷ bị cắt giảm đầu tư từ chính phủ liên bang, NYCHA ước tính cần 40 tỷ USD để cải thiện điều kiện sống. Người thuê nhà thường xuyên phàn nàn về việc rò rỉ nước, nấm mốc, sơn nhiễm chì, thang máy hỏng và hệ thống sưởi không hoạt động.
Greg Russ, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của NYCHA, nói rằng giải pháp lâu dài sẽ đòi hỏi chính quyền đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng xuống cấp của NYCHA.
Tuy nhiên, chưa có kế hoạch chi tiêu nào được đưa ra cho cơ quan này. Điều này khiến người dân ở đây lo ngại hơn về tương lai bấp bênh.
Lo lắng
Trước khi chuyển đến khu nhà Red Hook Houses 25 năm trước, bà Dominick từng là người vô gia cư. Nhà ở công cộng là loại duy nhất bà có thể chi trả ở New York. Tiền thuê nhà hàng tháng của bà dưới 900 USD.
Tuy nhiên, bà đang vật lộn để trả khoảng 3.000 USD cho các khoản thanh toán bị chậm trễ từ năm 2020. Đại dịch khiến bà phải chi nhiều hơn vào các sản phẩm tẩy rửa và thực phẩm cho con gái đang học tại nhà.
Bà Dominick lo sợ bị trục xuất do trễ hạn thanh toán tiền nhà nhiều tháng. Ảnh: New York Times. |
Bà Dominick đã nộp đơn xin cứu trợ tiền thuê nhà vào mùa hè năm 2021, một trong số khoảng 28.000 đơn được gửi thay mặt toàn thể cư dân để tìm kiếm khoản cứu trợ 105 triệu USD, theo cơ quan quản lý nhà ở. Tất cả các đơn đang được chờ xử lý.
"Tôi cảm thấy sự bấp bênh này thật bất công", bà nói.
Trước đây, NYCHA không ngần ngại đệ đơn trục xuất những người chậm tiền thuê nhà. Chỉ một phần nhỏ trong số đó thực sự bị đuổi - ít hơn 700 người mỗi năm trong thời gian từ 2016 đến 2018. Tuy nhiên, những người bị kiện sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi xin việc hoặc tìm nhà ở mới.
Theo dữ liệu của tòa án, số hồ sơ giảm xuống còn 14 vào năm 2021 khi NYCHA ngừng nộp đơn kiện trong đại dịch và bang New York đã áp dụng lệnh tạm hoãn trục xuất.
Bova-Hiatt, cố vấn của NYCHA, cho biết bà không thể chắc chắn liệu một người nợ tiền thuê nhà trong đại dịch có bị trục xuất. Tuy nhiên, bà nói rằng trọng tâm sẽ là nhóm 2.600 hộ gia đình mang nợ từ trước đó với tổng số tiền lên tới 50 triệu USD.
Những người nộp đơn xin giảm tiền thuê nhà sẽ không bị trục xuất trong thời gian trường hợp của họ đang chờ giải quyết.
Robert Sanderman, luật sư cấp cao của Dịch vụ Pháp lý Thành phố New York, đại diện cho những người thuê nhà nơi đây, nói rằng nhiều cư dân vẫn lo lắng.
“Một số người thực sự nghĩ rằng chủ nhà có thể đuổi họ vào ngày mai”, anh nói.