Theo khảo sát công bố vào hồi tháng 1 của nền tảng nghiên cứu bất động sản Clever Real Estate, 82% trong số 1.000 người thuộc thế hệ Millennials (sinh trong giai đoạn 1981-1996) tại Mỹ được hỏi, nói rằng bản thân hối hận về quyết định mua nhà của họ, theo Business Insider.
Con số này cao hơn kết quả 64% trong một khảo sát tương tự của Bankrate vào tháng 6 năm ngoái, thực hiện trên 1.400 người.
Từng đặt mua nhà là mục tiêu phấn đấu, việc sở hữu nhà ở giờ lại khiến nhiều người trưởng thành ở Mỹ hối hận. Ảnh: BI. |
Quyết định chóng vánh
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, giá trung bình nhà ở trên toàn quốc tăng lên mức cao kỷ lục, cùng với tình trạng thiếu nguyên vật liệu xây nhà.
Các yếu tố trên dẫn đến sự cạnh tranh nhằm sở hữu thành công một bất động sản bị đẩy lên. Các giao dịch mua bán nhà ưu tiên hoàn toàn bằng tiền mặt xuất hiện nhiều thêm.
Với áp lực phải giành lấy một ngôi nhà vừa có sẵn, đã xây dựng xong vừa hợp túi tiền, nhiều người mua ra quyết định vội vàng, chi tiền khi chưa suy nghĩ kỹ.
Theo khảo sát của Clever Real Estate, những người đổ xô đi mua nhà dễ hối hận khi quyết định chóng vánh. Cứ 4 người thuộc thế hệ Millennials tại Mỹ thì 1 người cho biết giá trị nhà của họ đang sụt giảm, trong khi các khoản vay thế chấp mua nhà là gánh nặng rất lớn.
Sau khi sở hữu nhà, thế hệ Millennials tại Mỹ mới nhận ra các khoản phí để duy trì căn nhà trở thành một gánh nặng tài chính khác. Ảnh: Forbes. |
Với tính cạnh tranh cao, người mua thường phải trả nhiều hơn mức giá chào bán ban đầu để bất động sản "về tay" họ thành công. Không ít trong số đó nhận ra họ đã trả thêm quá nhiều.
Cứ 6 người tham gia khảo sát thì có 1 người cho biết họ đã chi trả thêm ít nhất 100.000 USD cho ngôi nhà mơ ước của mình.
Gần một nửa số người tham gia khảo sát dự đoán sẽ phải tiêu hết tiền tiết kiệm của họ cho việc mua nhà, với một phần ba có kế hoạch chi nhiều hơn mức giá trung bình ở Mỹ là 405.000 USD.
Ashley Nader (28 tuổi) ban đầu dự tính mua một căn nhà ở bang Florida có giá dưới 400.000 USD. Ashley tính toán cô có thể trả hết nợ mua nhà sau 10 hoặc 15 năm.
Tuy nhiên, tình trạng cung thấp cầu cao đã khiến cô phải tăng ngân sách thêm 200.000 USD. Ashley cho hay đó là mức giá cuối cùng mình có thể bỏ ra.
Do tính cạnh tranh cao, nhiều người mua phải bỏ ra thêm một khoản tiền lớn mới có cơ hội sở hữu bất động sản. Ảnh: BI. |
"Tôi không muốn tham gia trò chơi ganh đua đó. Tôi cũng không muốn hối hận về sau", cô nói.
Theo khảo sát, hối tiếc lớn nhất của thế hệ Millennials là mua nhà ở vị trí xấu. Một nửa cho hay họ đã mở rộng địa điểm tìm kiếm khi đi săn nhà, với kết quả cuối cùng là nhiều người mua nhà ở một khu vực trong phạm vi chi trả, nơi không phải là lựa chọn đầu tiên của họ.
Một số đang chuyển sang lựa chọn "dễ thở" hơn, như mua nhà cũ có mức giá vừa phải, điều kiện không quá tốt và chi thêm tiền để sửa chữa, cải tạo lại.
Điều này hợp với xu hướng trong báo cáo hàng năm của Bank of America về việc cải thiện chất lượng nhà cửa. Năm ngoái, báo cáo này chỉ ra thế hệ Millennials đang vay các khoản vay đáng kể nhằm phục vụ mục đích tu sửa nơi ở.
Họ có thể mua những ngôi nhà cũ, cải tạo lại, như một giải pháp thay thế cho việc cố gắng trả giá cao hơn cho các bất động sản mới.
Tuy vậy, vẫn có một bộ phận sống trong các ngôi nhà có điều kiện tồi tàn vì không đủ tiền để sửa chữa lại theo ý họ. Trong khảo sát của Clever Real Estate, 25% bày tỏ hối hận về quyết định mua nhà cũ của họ.
Trong khi đó, 30% hối hận vì gặp những người hàng xóm tồi tệ, điều kiện khu vực kém chất lượng và việc bảo trì quá tốn kém.
Chỉ đến khi mua nhà xong xuôi, họ mới nhận ra có rất nhiều chi phí "ngầm", như phí cho hiệp hội chủ nhà, thuế bất động sản tăng, tiền bảo trì cảnh quan, thiết bị.