Zing trích dịch bài đăng trên The New York Times, phỏng vấn nhiều thiếu nữ đến từ Anh, Mỹ và Australia, về thói quen và tâm lý mua sắm của giới trẻ hiện nay. Phần lớn người trẻ không ngại vung tiền mua sắm để thể hiện bản thân.
Theo The New York Times, xu hướng mua sắm của giới trẻ được thúc đẩy bởi influencer và làn sóng mới của các thương hiệu thời trang nhanh (fast fashion). Họ quan tâm đến việc mình sẽ xuất hiện như thế nào trong trang phục đã chọn trên mạng xã hội và ngoài đời thực.
Mia Grantham (16 tuổi) hiện sống với cha và em gái ở Wilmslow, Anh. Cô đang theo học chương trình A-levels tại một trường trung học trong thị trấn ngoài Manchester.
Phòng ngủ của Mia rất nhỏ nhưng chứa đầy các tủ quần áo. Ảnh: Bustle. |
Sở thích sưu tập trang phục, phụ kiện của Mia bắt đầu tăng lên vào khoảng 18 tháng trước, khi cô kiếm nhiều tiền nhờ quảng cáo và có lượng follower lớn trên mạng xã hội.
Khi đó, trang Instagram của Mia có hơn 1.500 người theo dõi. Mỗi story cô đăng lên Snapchat đều thu hút khoảng 500 lượt xem. Mia thường dành 3-5 giờ/ngày để quản lý công việc.
Trang phục dạo phố yêu thích của 10X là váy đỏ. Cô sở hữu 14 bộ váy như vậy với các kiểu dáng khác nhau.
Ảnh hưởng từ influencer
Mia cho biết cô thường vào các ứng dụng mua sắm ít nhất mỗi ngày một lần. Cô thích cảm giác được nhìn những influencer phối đồ. Một trong những người nổi tiếng trên Instagram mà Mia đáng ngưỡng mộ nhất là Molly-Mae Hague, ngôi sao của show truyền hình hẹn hò Love Island được công chiếu năm 2019.
“Gần đây cô ấy đã tạo ra một loạt mẫu trang phục độc quyền cho PLT, điều đó khiến tôi càng thích thương hiệu này hơn”, Mia nói.
Mia thường “lướt” các ứng dụng mua sắm vào cuối ngày trước khi đi ngủ khoảng 10-15 phút. Nhưng nếu sắp tới có một sự kiện mà cô phải mua quần áo mới, cô sẽ “dạo quanh” các cửa hàng trực tuyến hơn một tiếng.
"Tôi không đến tận nơi để xem. Mà nếu có thì tôi chỉ ghé qua Primark, đôi khi có thể là H&M, mỗi tháng một lần", nữ sinh nói với The New York Times.
Với Mia, bất kỳ sự kiện nào cũng phải xuất hiện trong diện mạo mới. Dù đó chỉ là một bữa ăn, tiệc tại nhà, sinh nhật bạn bè hay đến trường.
Nhiều người trẻ thích mua sắm cho các sự kiện khác nhau. Ảnh: Tiger Beat. |
Mỗi tuần, Mia luôn mua một thứ gì đó trên mạng. Giỏ hàng của cô có tổng trị giá ít nhất từ 5,99 euro trở lên. “Tuần trước tôi đã mua 11 món và gửi lại 3 món. 70% trong đó tôi gửi lại một số hàng đã đặt”.
Theo Mia, thanh thiếu niên hiện nay không còn ngại mua quần áo cũ như thế hệ trước. Cô nghĩ rằng việc có vẻ ngoài đẹp với cái giá hợp túi tiền vẫn quan trọng hơn là chất lượng. Cách Mia hay làm là trực tiếp đổi quần áo trên các trang web hoặc bán lại thông qua những ứng dụng thu mua đồ cũ.
“Nó giúp tôi có tiền để mua những thứ mới. Đôi khi tôi cũng mang những chiếc túi lớn đến các cửa hàng trong thị trấn để ký gửi”, cô gái 16 tuổi chia sẻ.
Cô bất ngờ khi biết khá nhiều sản phẩm được sản xuất tại Anh, vì hầu hết ai cũng nghĩ rằng chúng đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. Những công nhân làm trong các xưởng may mặc thường không được trả mức lương xứng đáng và bị bóc lột.
Khi được hỏi về thời trang bền vững, cô gái Anh cho hay nhiều thương hiệu đang cố gắng chạy theo trào lưu này. Ví dụ, một số hãng đang thử nghiệm quần áo được làm từ vật liệu tái chế. Có rất nhiều bộ sưu tập trông bình thường nhưng lại rất đắt tiền.
“Thành thật mà nói, tôi luôn nghĩ tại sao mình phải trả nhiều hơn trong khi có thể nhận được như vậy với mức giá thấp hơn”, Mia bày tỏ.
Sợ bị chê “quê mùa”
Thói quen nghiện mua sắm của giới trẻ còn xuất phát từ tâm lý “không muốn lặp lại đồ đã mặc”.
Chia sẻ với The New York Times, Mia tiết lộ cô đã mua gần 100 bộ quần áo vào năm ngoái. Thứ được cô tận dụng nhiều nhất là quần legging màu xám có giá 2,5 bảng Anh. Lúc đi chơi, cô sẽ mặc váy đỏ. Mia thích item này vì nó phù hợp với dáng người đồng hồ cát của cô.
“Tôi đã mặc nó ba lần, đó là con số rất nhiều với tôi. Bình thường tôi chỉ mặc một lần rồi cất”, nữ sinh nói.
Mia cho biết thêm cô không muốn xuất hiện trong trang phục cũ, khi nó đã được chụp và đăng lên mạng xã hội. Cô e ngại ai đó sẽ nghĩ mình không có phong cách khi mặc lại nhiều lần một thứ. Gout thời trang nên được thay đổi linh hoạt tùy theo tình huống và các sự kiện khác nhau.
Vì chỉ định mặc mỗi thứ 1-2 lần nên cô gái trẻ thường chọn mua những bộ rẻ nhất.
Một số cô gái ngại mặc lại đồ đã lên hình rồi. Ảnh: Cosmopolitan. |
Andrea Vargas (18 tuổi), sinh viên năm nhất tại Đại học Hofstra, thích “săn” quần áo giảm giá trên mạng. Cô đặc biệt thích đi mua sắm khi mùa sale đến. Vargas dành phần lớn các đêm cuối tuần để đi chơi với bạn bè như ăn tối, dự tiệc hoặc xem hòa nhạc.
Trong căn phòng nhỏ, Vargas tự hào kể về cách mua được những trang phục thời thượng. “Tôi đắm chìm trong những đợt sale ở tất cả các mùa trong năm”.
Item mà cô thích nhất là chiếc áo khoác sang trọng màu đỏ của Forever 21, có giá khoảng 40 USD. Vargas sử dụng số tiền kiếm được khi làm việc tại Target để mua sắm.
“Tôi cảm thấy chẳng có ích gì khi chi số tiền lớn cho một chiếc áo thun. Nếu chất lượng của nó không phù hợp với giá cả, tôi không việc gì phải mua nó. Nếu một chiếc áo khoác jeans có giá 60 USD và tôi có thể tìm thấy một cái khác chỉ 20 USD, tôi sẽ mua cái rẻ hơn”, Vargas nói về cách chi tiêu của mình.
Cô gái 18 tuổi đoán mình đã mua từ 100-200 món đồ trong năm nay, bao gồm cả giày dép, trang sức. Tủ quần áo của cô có tổng cộng 500-600 thứ.
Vargas ít khi kiểm tra nơi sản xuất và không e ngại về số lượng quần áo của mình. Những thứ được cô mặc một lần sẽ chịu chung số phận “đóng bụi trong tủ”.
“Nếu tôi đã mặc chiếc áo đó để chụp hình, tôi sẽ cố gắng không mặc lại”, cô nhấn mạnh.
Thu hút sự chú ý
Alana Wilson (18 tuổi) nói rằng Instagram cũng đóng một vai trò quan trọng trong xu hướng mua sắm của cô. Sofia Barbetta, một người bạn khác của Wilson và Vargas, cũng đồng tình với ý kiến này.
“Tôi thấy tất cả đều có trên Instagram. Hầu hết quần áo tôi muốn mua đều có trong mục quảng cáo. Thậm chí, nó hiện lên liên tục dù tôi không bấm theo dõi trang đó”, Wilson nói thêm.
Còn với Nicole Lambert (20 tuổi, sống ở Sydney, Australia), sinh viên ngành quan hệ công chúng và quảng cáo tại ĐH New South Wales, trang phục là cách để thể hiện bản thân.
Mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lú mua sắm của giới trẻ. Ảnh: The New York Times. |
Những ngày trong tuần, Nicole đi dạy thêm và làm nhân viên bán hàng. Khi có thời gian nghỉ, cô và các bạn thích ăn mặc đẹp và tham gia lễ hội. Chúng tôi không phải là influencer nhưng vẫn muốn được mọi người chú ý và ngưỡng mộ. Vì thế, tôi tránh mặc cùng một bộ trang phục hai lần.
Nicole thường tìm kiếm quần áo ít nhất một lần/tuần, cho dịp nào đó hoặc đơn giản là để đi làm. 60% số lần mua sắm của cô là qua trực tuyến, 40% tại cửa hàng. “Tôi không ngại mặc một cái gì đó kỳ lạ. Tôi thực sự thích thú với việc này”, Nicole khẳng định.