Bình luận
Zing trích dịch bài đăng của nhà xã hội học Tu Siqi (Trung Quốc) trên Sixth Tone về sự thay đổi thói quen mua sắm của tầng lớp trung lưu tại xứ tỷ dân.
Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần, từ ngày 1/10 đến 8/10, đã cho thấy tốc độ hồi phục kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc. Phần lớn những chuyến đi nước ngoài đều bị hủy bỏ, người dân tập trung vào các tour du lịch nội địa. Các phim do Trung Quốc sản xuất và cửa hàng trong nước cũng được ưu ái hơn.
Mặc dù mức độ khôi phục không đồng đều, tầng lớp từ trung đến thượng lưu của xứ tỷ dân vẫn là nhóm lấy lại nhịp sống nhanh nhất. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc mọi thứ bình thường trở lại.
Từ lâu, lối sống của những người dư dả ở Trung Quốc đã kết hợp các khía cạnh của “hệ tư tưởng toàn cầu” - một khái niệm của học giả Manfred Steger đề cập đến mối liên kết giữa các quốc gia và cộng đồng trên thế giới ngày càng phát triển.
Khi khả năng đi du lịch và mua sắm ở nước ngoài bị tạm hoãn, nhiều người bắt đầu chú ý vào các dịch vụ nội địa. Ngay cả những người cố chấp cũng hình dung về một thế giới hậu Covid-19 rất khác so với trước đây.
Mua sắm, du lịch nội địa là lựa chọn của nhiều người Trung Quốc trong giai đoạn "bình thường mới". Ảnh: Bloomberg. |
Tâm lý "chuộng hàng ngoại" có còn như trước?
Vivian Liang (30 tuổi), chuyên viên cố vấn sống ở Thượng Hải, phàn nàn vì phải mua túi Hermès trong nước.
“Hôm trước tôi đi ngang qua trung tâm mua sắm và thấy mọi người xếp hàng trước các cửa hàng sang trọng như đang mua vé tàu. Thật là điên rồ!", Liang nói với Sixth Tone.
Giống như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc đang chứng kiến tỷ lệ sản xuất giảm, tình hình nhập khẩu bị trì hoãn và nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Liang cho biết hiện nay, để tiếp cận các sản phẩm kém hấp dẫn hơn, người mua phải "peihuo" trước - hình thức xây dựng mối quan hệ giữa khách hàng và người bán. Họ phải trả một số tiền tối thiểu hàng nghìn USD để đủ điều kiện sở hữu món hàng yêu thích.
Liang không ủng hộ “luật bất thành văn” này. Nhưng sự phổ biến của nó đã chứng minh rằng tầng lớp trung và thượng lưu ở đất nước tỷ dân vẫn khao khát những mặt hàng xa xỉ có xuất xứ từ nước ngoài, bất chấp những khó khăn trong việc sở hữu chúng.
Xu hướng mua sắm tại đất nước tỷ dân có sự thay đổi lớn. |
Theo Sixth Tone, trong nhiều thập kỷ, người giàu Trung Quốc đã xây dựng hình ảnh “toàn cầu hóa” của họ thông qua việc tiêu thụ hàng hóa nước ngoài.
Một phần “gốc rễ” của việc này đến từ sự thiếu tin tưởng vào các sản phẩm trong nước và mong muốn phô trương sự giàu có. Vì thế, họ chi mạnh tay vào hàng nhập khẩu, từ sữa bột, mỹ phẩm đến ôtô hạng sang.
Mặc dù trong những năm gần đây, chủ nghĩa dân tộc về kinh tế đang trở thành vấn đề “nổi cộm” - người tiêu dùng ủng hộ các nhà sản xuất và thương hiệu trong nước - song theo quan sát của Liang, tầng lớp dư dả vẫn chưa sẵn sàng để từ bỏ thói quen “chuộng hàng ngoại” của họ.
Với tình hình hiện tại, thay vì ra nước ngoài, nhiều người đang nhắm đến những thứ có thể được gọi là “nội địa hóa tiêu dùng hàng ngoại”.
Xu hướng này dẫn đến nhiều khu mua sắm miễn thuế được mở ra ở Trung Quốc. Từ ngày 1/7, hạn ngạch được miễn thuế khi mua hàng hàng năm ở tỉnh Hải Nam đã tăng từ 30.000 nhân dân tệ (4.500 USD) lên 100.000 nhân dân tệ (15.000 USD).
Chỉ tính riêng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, doanh số bán hàng tại các cửa hàng miễn thuế ở tỉnh này đã vượt 1 tỷ nhân dân tệ, tăng gần 150% so với năm trước.
Thay đổi tâm lý mua sắm, chọn dịch vụ
Một dấu hiệu thường thấy khác của bản sắc toàn cầu hóa là giáo dục quốc tế. Lĩnh vực này cũng đang mất đi sức hút khi đại dịch bùng phát. Liang cho hay kể từ khi Covid-19 bao trùm thế giới, cô đã suy nghĩ lại về việc một ngày nào đó sẽ đưa cậu con trai 2 tuổi ra nước ngoài.
Thay vì gửi đến trường quốc tế, điều này sẽ làm con cô mất đi cơ hội được tham gia kỳ thi gaokao và học đại học ở Trung Quốc, cô dự định để ngỏ các lựa chọn cho con trai mình.
Giải trí cũng là lĩnh vực có dấu hiệu nội địa hóa. Trước đây, nhiều chương trình thực tế hay cuộc thi tài năng chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, từ hài độc thoại đến hip hop hay electronica.
Các nhóm nhạc rap hay Rock 'n' Roll quốc tế từng đóng vai trò thúc đẩy công dân xứ Trung đi du lịch nước ngoài và tự mình trải nghiệm những nền văn hóa khác nhau. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, nhiều người trẻ ở quốc gia này đang chuyển sang cổ vũ những nghệ sĩ nổi bật tại quê nhà.
Các ngành dịch vụ ở Trung Quốc chứng kiến những bước ngoặt mới. |
Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng điều chỉnh quan điểm của mình. Zhao Bing (58 tuổi), quản lý một doanh nghiệp nhà nước ở Thượng Hải, vẫn hy vọng biên giới sẽ mở cửa trở lại, cho phép các cá nhân tự do di chuyển khắp thế giới.
Zhao giải thích lập trường của mình dựa trên chính sách “vòng tuần hoàn kép” (dual circulation) của nhà nước. Thuật ngữ này đề cập đến mô hình phát triển mới của Trung Quốc, nhằm đáp ứng tình hình toàn cầu đang thay đổi, lấy thị trường nội địa làm trụ cột đồng thời cho phép dòng chảy quốc tế đóng vai trò phụ và bổ sung.
Zhao hy vọng một ngày nào đó, hộ chiếu của người Trung Quốc sẽ giúp anh đặt chân đến nhiều quốc gia hơn và nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền chung toàn cầu.
Cách tiếp cận của Zhao đối với tiêu dùng hàng ngoại khác với suy nghĩ của nhiều người trong tầng lớp tinh hoa Trung Quốc, những người thường hình dung thế giới như một sân chơi, mở cửa cho bất kỳ ai, miễn là họ có tiền để “vung tay”.
Phần lớn người dân mong đại dịch sớm qua nhanh để họ tiếp tục cuộc sống như trước đây. |
Nhiều người giàu vẫn tìm cách đạt được khát vọng tự do “bay khắp 5 châu” qua việc mua hộ chiếu từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu hoặc Caribbean.
Khi xây dựng lý thuyết của mình, Steger cho rằng sự xuất hiện của "hệ tư tưởng toàn cầu" là một phần của quá trình phát triển “ý thức chung về một cộng đồng thế giới ngày càng khăng khít hơn”.
Thế nhưng, Liang và Zhao đều nhìn nhận toàn cầu hóa qua lăng kính tiêu dùng. Cả hai chủ yếu đề cập đến các nước phát triển trong việc xây dựng hình ảnh “công dân toàn cầu”. Song, họ và những người xung quanh đều nhận ra rằng tất cả có thể đáp ứng nhu cầu của bản thân mà không cần ra nước ngoài hoặc làm phức tạp thêm bản sắc của mình.
Tầng lớp thượng lưu ở thành thị Trung Quốc có lẽ sẽ khó từ bỏ tâm lý sính ngoại hoặc du lịch quốc tế. Nhưng khi hàng hóa trong nước đa dạng hóa hơn, họ cảm thấy hài lòng với những gì được cung cấp ở quê nhà. Điều đó có ý nghĩa gì đối với nhận thức của đối tượng này về thế giới bên ngoài vẫn là một câu hỏi mở.