Buổi sáng đầy nắng ở một tỉnh phía Tây Trung Quốc, một nhóm học sinh tiểu học đồng thanh hô vang trên chiếc thảm đỏ giữa sân trường. Cách đó vài mét, các giáo viên ngáp và giơ điện thoại lên chụp hình kỷ niệm cho các em nhỏ.
He Mingfeng là một trong những giáo viên uể oải và chán nản đó. Cô dạy tiếng Quan Thoại tại ngôi trường này khoảng một năm. Cô gái 24 tuổi đã phải di chuyển hơn 1.800 km từ miền Trung Trung Quốc để nhận công việc này.
Mơ ước về tương lai tươi sáng tại trường Luật của He đã tan thành mây khói sau khi cô vướng vào đường dây cho vay nặng lãi, "tín dụng đen". Chỉ bằng một lần nhấn nút, He có đủ tiền mặt để mua chiếc điện thoại đời mới nhất hay bất kỳ thứ gì mình muốn. Thời điểm tốt nghiệp, số tiền nợ của He đã lên tới 200.000 nhân dân tệ (hơn 30.000 USD). Quan trọng hơn, He không có cách nào trả lại chúng.
“Cuộc sống tôi vô vọng quá. Tôi bỏ lại tất cả để về vùng đất xa xôi này và bắt đầu lại mọi thứ. Quan trọng hơn, tôi cần làm việc để kiếm tiền”, cô nói.
He chỉ là một trong số những nhân vật trong bộ phim tài liệu Loading… gồm 7 phần đang thu hút cộng đồng mạng tại Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Bộ phim là tổng hợp những câu chuyện có thật, phơi bày mặt tối của nhiều sinh viên khi vướng vào đường dây "tín dụng đen", cho vay nặng lãi.
Nhiều nữ sinh tại Trung Quốc rơi vào cạm bẫy chụp ảnh khỏa thân để vay nặng lãi. Ảnh: Freepik. |
Đổi ảnh khỏa thân lấy tiền từ dịch vụ vay nặng lãi
Một lý do khiến cho các nền tảng vay online, tín dụng đen phổ biến với sinh viên Trung Quốc đó là số tiền được giải ngân không giới hạn. Ước tính, thị trường tín dụng đen trị giá 15 tỷ USD nhờ 37 triệu sinh viên tại Trung Quốc.
Ở đất nước tỷ dân, nền tảng cho vay trực tuyến là phương tiện duy nhất để sinh viên có tiền nhanh trong các trường hợp khẩn cấp. Các khoản vay vốn sinh viên từ nhà trường không phải lúc nào cũng được giải ngân dễ dàng.
Trước đây, họ gần như không nhận được hỗ trợ vay vốn từ các ngân hàng. Gần đây, một số ngân hàng quốc doanh bắt đầu cho sinh viên vay vốn như một động thái giảm bớt sự phụ thuộc vào các trang cho vay trực tuyến lừa đảo.
Trung Quốc có chương trình vay cho sinh viên đại học gặp hoàn cảnh khó khăn. Trong suốt quá trình học, họ sẽ được hỗ trợ tài chính và kỳ hạn trả nợ là 20 năm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, chương trình này chỉ giải ngân cho tối đa 20% sinh viên và 6.000 nhân dân tệ (khoảng 900 USD)/năm/người.
Lựa chọn vay từ các dịch vụ online, tín dụng đen quá dễ dàng khiến không ít người rơi vào bẫy. Nhiều trường xảy ra tình trạng đòi nợ thuê giang hồ, uy hiếp nạn nhân gửi ảnh khỏa thân để thanh toán các khoản vay hay gian lận tài chính.
Nhiều phụ nữ bị tung ảnh nhạy cảm lên mạng sau khi vay tiền từ Jiedaibao nhưng không thể trả nợ đúng hạn. Ảnh: SCMP. |
Tháng 12/2016, 10 GB hình ảnh và video khỏa thân với tiêu đề “khoản vay trần truồng” đã bị rò rỉ trên mạng. Tổ chức sở hữu những hình ảnh này là Jiedaibao, một nền tảng cho vay trực tuyến tại Trung Quốc.
167 phụ nữ liên quan vụ án, trong đó, chủ yếu là độ tuổi từ 17 đến 23. Nhiều người trong số đó đang là sinh viên đại học. Số hình ảnh này bị tuồn ra ngoài sau khi 167 nữ sinh không thể trả các khoản nợ mà họ đã vay từ Jiedaibao.
Những kẻ cho vay nặng lãi trên mạng tại Trung Quốc ép buộc các nữ sinh cung cấp ảnh khỏa thân cho chúng như một tài sản thế chấp. Đổi lấy, họ sẽ nhận được số tiền vay cao hơn bình thường.
Chúng đe dọa các hình ảnh sẽ bị tung lên mạng, gửi cho gia đình hoặc người thân nếu các “khách hàng” không trả nợ đúng hạn. Lãi suất của các khoản vay này thường rất cao.
Nhiều sinh viên khó đáp ứng yêu cầu được đưa ra nhưng đã dính bẫy "tín dụng đen". Họ buộc phải quan hệ tình dục, trở thành nô lệ cho những tên “cò mồi” tín dụng.
Bi kịch "bị hút máu" đến tự tử vì tín dụng đen
Năm 2017, cộng đồng Trung Quốc rúng động vì một nữ sinh đại học ở Hạ Môn, Phúc Kiến tự tử sau khi bị những kẻ cho vay nặng lãi đe dọa. Nạn nhân là Xiong Xiaoting, đã gửi ảnh khỏa thân kèm căn cước công dân cho tổ chức tín dụng đen để vay tiền.
Xiong có 5 khoản nợ, tổng số tiền vay là 570.000 tệ (82.772 USD). Số tiền này nữ sinh vay online sau khi việc kinh doanh trên mạng xã hội bị thua lỗ.
Cô thường xuyên bị những kẻ cho vay quấy nhiễu. Không thể chịu nổi sức ép từ nợ nần và kẻ đòi tiền, Xiong kết liễu cuộc đời tại một khách sạn cách xa Hạ Môn vào ngày 11/4/2017.
Xiong Xiaoting tự tử sau khi không thể trả các khoản vay nặng lãi và bị chủ nợ gửi ảnh khỏa thân cho cha mẹ. Ảnh: Global Times. |
Trước đó, theo lời kể từ Wei Na - bạn của Xiong, những kẻ cho vay đã đe dọa sẽ gửi hoa tang lễ đến cha mẹ của nạn nhân và các giáo viên. “Đó là đòn giáng đối với Xiong” - Wei Na nói với China Youth Daily.
Cha của Xiong cho hay ông đã đưa tiền để con gái trả nợ. Tuy nhiên, sau đó, mẹ cô vẫn nhận được khỏa thân của con gái. Nữ sinh quyết định đi làm thêm ở thành phố khác ngoài giờ học để kiếm tiền trả nợ. Nhưng số lãi cộng dồn tăng lên mỗi ngày đến mức cô gái trẻ không đủ khả năng cáng đáng số tiền nợ khổng lồ.
Xiong chỉ là một trong những nạn nhân xấu số bị những kẻ cho vay lãi sinh viên "hút máu". Theo Global Times, các nền tảng online và ứng dụng điện thoại cho sinh viên vay lãi suất cao thường thu hút các nạn nhân với quảng cáo như “không đòi thế chấp”, “không cần bảo đảm” và “chuyển tiền ngay trong ngày”.
Các dịch vụ cho vay trực tuyến thường đặt bẫy bằng cách đưa lãi suất hàng ngày thấp. Trung bình, con số này dao động từ 0,1 đến 0,2% số tiền vay một ngày. Điều đó có nghĩa hàng tháng, mỗi sinh viên phải trả 3-6% tiền lãi. Theo công thức đó, một năm, lãi suất của các khoản vay online lên tới 70-140%.
Năm 2016, một nữ sinh tại Hợp Phì, An Huy, vay 2.000 nhân dân tệ (khoảng 300 USD) vào năm nhất đại học. Sau đó, tổng số tiền gốc và lãi của người này tăng lên 500.000 nhân dân tệ (hơn 73.000 USD). Mỗi tuần, lãi suất mà nữ sinh phải trả là 30% tiền gốc.
Li (21 tuổi) không thể trả số tiền nợ 20.000 nhân dân tệ (khoảng 3.100 USD) suốt 2 tháng nay. Cứ vài tuần, cậu phải cầu xin từ những kẻ cho vay lãi trực tuyến. Li chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành nạn nhân của vòng xoáy nợ nần sinh viên. "Xin đừng bắt tôi trả lại toàn bộ số nợ ngay lúc này. Và xin đừng nói với cha mẹ tôi về các khoản nợ" - Li viết cho chủ nợ Uni-lending.
Từ năm 2017, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm các sinh viên đại học vay "tín dụng đen". Động thái này xuất hiện sau khi nhiều sinh viên rơi vào cạm bẫy vay với lãi suất cắt cổ. Theo China Daily, các công ty cố tình cho sinh viên vay sẽ bị điều tra và truy tố nếu có hành vi gian lận, bạo lực…
Tuy nhiên, tình trạng cho vay nặng lãi vẫn len lỏi trong cộng đồng sinh viên Trung Quốc, núp bóng nhiều dịch vụ khác. Và rất nhiều sinh viên rơi vào cạm bẫy phải đối mặt khoản nợ khổng lồ mỗi ngày, chật vật tìm cách trả tiền.