T
rẻ em em ngày nay thiếu độc lập và tự chủ hơn những thế hệ trước. Ngày càng ít trẻ đi bộ một mình đến trường, tự đạp xe dạo quanh khu phố hay giúp cha mẹ việc vặt.
Theo The Wall Street Journal, tại Mỹ, cha mẹ có thể bị buộc tội nếu để con ra ngoài hoặc chơi đùa mà không giám sát. Tuy nhiên, bao bọc con cái quá mức lại dẫn đến những tác hại khôn lường.
Các nhà tâm lý học và chuyên gia giáo dục nhận định đó là yếu tố làm tăng số lượng trẻ em và thanh niên mắc hội chứng rối loạn lo âu.
Cha mẹ quan tâm và bao bọc con thái quá, trẻ sẽ thiếu tính độc lập khi lớn lên. Ảnh: The Wall Street Journal. |
Thiếu tự tin
Theo một nghiên cứu được công bố năm nay trên Journal of Developmental & Behavioral Pediatrics, năm 2012, 4,1% trẻ trong độ tuổi 6-17 bị chẩn đoán mắc hội chứng lo âu ( con số này được ghi nhận ở thời điểm năm 2007 là 3,5%).
Trong khi đó, Hiệp hội Y tế Cao đẳng Mỹ cho biết 21,6% trong số hơn 31.000 sinh viên tham gia khảo sát năm 2017 từng bị chẩn đoán hoặc phải điều trị các vấn đề về lo âu.
Một nghiên cứu quy mô lớn năm 2007 được công trên tạp chí Clinical Psychology Review đã khảo sát tài liệu khoa học về việc nuôi dạy con cái ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển tâm lý ở trẻ. Theo đó, hành động "cấp quyền tự chủ" của phụ huynh (khuyến khích trẻ đưa ra ý kiến, quyết định, lựa chọn và đưa ra giải pháp cho các vấn đề cũng như thừa nhận quan điểm độc lập của con) tác động mạnh nhất đến tính cách đứa trẻ sau này. Càng tự chủ bao nhiêu, đứa trẻ càng ít lo lắng bấy nhiêu.
Đối với những đứa trẻ mắc hội chứng lo âu, bảo vệ chúng quá mức càng làm tình trạng tệ hơn. "Điều đó khiến trẻ tin rằng ở đó có thứ chúng e ngại và thế giới đầy rẫy nguy hiểm", Rebecca Rialon Berry, một nhà tâm lý lâm sàng tại Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em Langone NYU, thông tin.
Thiếu tự lập cũng ngăn cản phát triển sự tự tin ở trẻ, khiến chúng phụ thuộc cha mẹ và người khác ngay cả khi đã trưởng thành, Jack Levine, một bác sĩ nhi tại New York, Mỹ cho hay.
Thực tế, nhu cầu tự lập khi lớn lên đều tự nhiên. Do đó, nếu phụ huynh ngăn cản mong muốn đó, trẻ có thể trở nên giận dữ và phá phách, theo Brad Sachs, nhà tâm lý gia đình ở Columbia.
Nên để trẻ tự lập thế nào?
Những thế hệ trước có rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ như vô tư đạp xe hay chơi bài với những đứa trẻ khác trong khu phố mà không có phụ huynh "kè kè" bên cạnh. Nhưng ngày nay, mọi thứ thay đổi với những lo lắng của phụ huynh.
Nhiều trẻ em ngày nay được cha mẹ bao bọc quá nhiều. |
Một số bang ở Mỹ quy định độ tuổi tối thiểu có thể để trẻ ở nhà một mình. Điển hình, bang Maryland yêu cầu với trẻ 8 tuổi. Một số bang khác đưa ra các nguyên tắc khá chung chung. Tuy nhiên, hầu hết không có đề xuất đối với những việc như sử dụng phương tiện giao thông một mình hay chăm sóc em.
"Trẻ trưởng thành và phát triển các kỹ năng với mức độ khác nhau", Phyllis F. Agran, một bác sĩ ở thành phố Irvine (bang California, Mỹ), nhận định.
Người phụ nữ này cho biết những trẻ đặc biệt (như mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc chậm phát triển) có thể tốn nhiều thời gian hơn trong việc học kiểm soát hành vi.
Tuy nhiên, một bài báo xuất bản trên tạp chí Tâm lý Giáo dục Anh vào năm 2000 cho thấy trẻ 10-11 tuổi xác định nơi an toàn để sang đường và quan sát giao thông tốt hơn trẻ 7-8 tuổi.
Bên cạnh đó, Học viện Nhi khoa Mỹ khuyên phụ huynh nên chờ khi trẻ 10 tuổi mới cho phép chúng đi bộ đến trường hoặc bất cứ nơi nào không có người lớn đi cùng.
Alan E. Kazdin, giáo sư tâm lý tại Đại học Yale, Mỹ, khuyên phụ huynh nên khuyến khích con độc lập từ tình huống nhỏ như làm bài tập về nhà một mình, nấu ăn hoặc chọn món quà cho bạn.
"Trẻ cần những kỹ năng này và ý thức tự lập khi trở thành người lớn", Kazdin nói. Ông gợi ý phụ huynh nên khen ngợi con nhiệt tình khi chúng thử làm những việc đó. Cha mẹ cũng nên đưa ra thử thách cho trẻ thay vì ép chúng làm việc gì đó. Tuy nhiên, nếu kết quả không như mong đợi, họ cũng không nên mắng hoặc phạt con mình.
Trong khi đó, TS Sachs khuyến khích phụ huynh cùng con đưa ra quyết định. Điều này giúp trẻ phát triển nhận thức bởi chúng phải suy nghĩ chứ không phải chỉ hành động.
TS Berry cho rằng không bao giờ là quá sớm để trẻ học tự lập. Trẻ 2-3 tuổi có thể bắt đầu giúp việc nhà, như bê đĩa ra bàn và bỏ quần áo vào giỏ. Hầu hết bé 8 tuổi có thể đánh trứng trong khi 10 tuổi có thể dùng dao làm bếp. Cha mẹ trước tiên hãy dạy những kỹ thuật giúp chúng an toàn, sau đó hỗ trợ và theo dõi hoạt động trước khi để con làm một mình.
Phụ huynh hãy biết vượt qua lo lắng
Để con tự lập khi ở ngoài có thể là thách thức lớn với nhiều cha mẹ.
Tuy nhiên, Anne Marie Albano, giám đốc một bệnh viện về tâm lý ở New York, nhắc nhở phụ huynh rằng mục tiêu cuối cùng là để con cái tự lập khi rời nhà vào đại học hoặc đi làm.
Không bao giờ là quá sớm để dạy trẻ tính tự lập. Ảnh: The Wall Street Journal |
Bà và các cộng sự đã đưa ra danh sách các cột mốc mà thanh thiếu niên nên vượt qua trước khi tốt nghiệp trung học, bao gồm việc như gặp bác sĩ mà không có cha mẹ đi cùng và tự thức dậy vào buổi sáng.
Cha mẹ phải học cách đối phó với sự lo lắng của mình. Tất nhiên, khi trẻ em thử làm thứ gì đó một mình, mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Chúng có thể lên nhầm chuyến xe hoặc không học bài. Những chuyện như vậy khiến cha mẹ càng lo lắng và khó để con làm việc một mình.
Joseph F. Hagan Jr., giáo sư lâm sàng về nhi khoa tại Đại học Vermont, nhấn mạnh: “Một phần của việc tự lập là đưa ra quyết định của riêng mình, bao gồm cả quyết định đúng và quyết định sai”.