Suryo (Indonesia) từng tin mình là một học sinh sáng giá. Cậu là người duy nhất trong gia đình học lên tới đại học và là người đầu tiên trong làng đậu vào ngôi trường hàng đầu ngoại ô Jakarta, cách quê nhà Trung Java 350 km.
Suy nghĩ ấy đã lập tức thay đổi khi Suryo bước chân vào trường đại học, nơi cậu phải cạnh tranh với những sinh viên xuất sắc, những nhà vô địch Olympic Toán học và đoạt giải thưởng khắp đất nước.
"Đột nhiên, tôi thấy mình chỉ là kẻ tầm thường", Suryo nói với CNA.
Là con cả trong một gia đình nghèo khó là gánh nặng tâm lý của cậu. "Cha mẹ thúc giục tôi phải nhanh chóng tốt nghiệp, có bằng cấp cao và tìm được công việc tốt để giúp đỡ các em của mình".
Thế nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát khi Suryo bước vào kỳ học thứ hai khiến mọi thứ càng trở nên tồi tệ.
Đại dịch khiến nhiều sinh viên Indonesia gặp vấn đề tâm lý nặng nề. Ảnh: The Conversation. |
Tất cả lớp học trực tiếp phải tạm dừng. Lo sợ lệnh phong tỏa toàn quốc nên cha mẹ cậu đã giục con trai về làng.
Tuy nhiên, ở quê, Suryo gặp muôn vàn khó khăn khi đường truyền Internet kém, cha mẹ cũng không đủ tiền mua cho cậu một chiếc máy tính xách tay để học online.
"Tôi chưa từng có một chiếc laptop nào trước đây. Tôi cũng không biết làm cách nào để sử dụng chúng. Tôi gặp thách thức lớn về mặt công nghệ".
Áp lực chồng chất
Vì nhiều hạn chế, Suryo thường xuyên phải nghỉ lớp online và bị tụt lại trong lớp. Không có bạn bè nào để cậu có thể cùng thảo luận sau giờ học, cũng chẳng có thư viện để cậu tra cứu lại các kiến thức.
Điểm số của Suryo sụt giảm đến mức cậu có nguy cơ đánh mất học bổng.
Sợ làm cha mẹ thất vọng, cậu giấu kín mọi vấn đề. "Tôi đã nghĩ đến việc bỏ học, thậm chí nghĩ tới điều xấu nhất là từ bỏ cuộc sống này", Suryo bày tỏ.
Những khó khăn chồng chất khiến nam sinh viên luôn ám ảnh với ý nghĩ tiêu cực.
Không riêng Suryo gặp áp lực tâm lý khi học tập trực tuyến trong thời gian đại dịch xảy ra. Nghiên cứu do nhóm vận động sức khỏe tâm thần Ruang Empati khởi xướng, được công bố vào tháng 10, cho thấy 59% trong số 3.901 sinh viên đại học ở Indonesia được khảo sát có dấu hiệu trầm cảm lâm sàng.
Con số sinh viên trầm cảm đã tăng đáng kể trong dịch bệnh, so với hồi năm 2020 là 47%.
Giảng viên mỹ thuật đưa những bức ảnh ngẫu nhiên để giúp sinh viên chia sẻ về chứng trầm cảm của họ. Ảnh: Nivell Rayda /CNA. |
Trong một cuộc khảo sát trước đó vào năm 2016 của một nhóm bác sĩ tâm thần ở Bandung, 30% trong số 400 người nhận học bổng ở thủ phủ của Tây Java có dấu hiệu trầm cảm ở các mức độ khác nhau.
Theo cuộc khảo sát năm nay của Ruang Empati, 13% số người được hỏi cho biết có ý định tự tử và 3% trong số đó nói rằng họ đã cố gắng kết liễu cuộc đời mình.
Bác sĩ tâm thần Teddy Hidayat, người sáng lập Ruang Empati, nói với CNA tin tức về những sinh viên Indonesia tự tử đã trở nên phổ biến hơn từ khi đại dịch bắt đầu, trở thành vấn đề cấp bách cần quan tâm.
Hồi tháng 10, một sinh viên ở Palembang đã nhảy lầu tự tử từ tầng 3 của một trung tâm mua sắm. Ba tuần sau, một nữ sinh viên khác ở Yogyakarta được tìm thấy đã chết trong ký túc xá vì uống thuốc diệt chuột.
Tháng 9, một học sinh ở Makassar treo cổ tự tử tại nhà khi bố mẹ đi vắng. Cũng trong tháng đó, một học sinh ở Malang đã định nhảy cầu tự tử và được một người qua đường cứu sống.
"Học sinh, sinh viên cần được quan tâm khẩn cấp vì các em là tương lai của đất nước. Nếu không có sự quan tâm, các em có thể bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn gây tổn thất cho xã hội và đất nước", bác sĩ Teddy Hidayat nói.
Mở cửa trường học
Firman Islami (sinh viên Học viện Công nghệ Bandung), một cố vấn đồng đẳng về sức khỏe tâm thần tại một trong những trường đại học hàng đầu của Indonesia, cho biết trong suốt đại dịch, ngày càng nhiều sinh viên liên hệ với anh về những lo lắng và chứng trầm cảm họ phải chịu đựng.
Trong khi đó, nhiều người khác gặp khó khăn trong học tập vì kết nối Internet kém hoặc không có không gian để học online. Một số sinh viên cũng phải đi làm vì gia đình khó khăn.
Firman Islami giúp đỡ những sinh viên gặp vấn đề tâm lý. Ảnh: Firman Islami/CNA. |
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là bị cô lập.
“Trước đại dịch, mọi người chữa lành dễ dàng chỉ bằng cách đi chơi với bạn bè, ra ngoài thăm thú cảnh đẹp. Bây giờ họ không thể làm điều đó. Một số người không có ai để nói chuyện, họ không có nơi nào để đi tìm sự giúp đỡ", Firman nói.
Đại dịch đã khiến nhiều người cảm thấy thất vọng kéo dài, nếu không được điều trị có thể dẫn đến trầm cảm.
Nền kinh tế suy giảm gây mất việc làm của hàng nghìn công nhân cũng làm tăng thêm cảm giác "bơ vơ và vô vọng".
Những hạn chế về hoạt động xã hội có thể khiến nhiều người bị cô lập, không có phương tiện để trút bỏ bực bội và lo lắng.
Elvine Gunawan, bác sĩ đang điều trị cho các sinh viên đại học có vấn đề về sức khỏe tâm thần, nói rằng dù đại dịch ảnh hưởng đến mọi người, sinh viên đại học dường như có nhiều nguy cơ hơn.
“Về mặt tình cảm, họ đang ở độ tuổi nhiều thay đổi. Họ đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp từ thiếu niên thành một người trưởng thành. Họ phải suy nghĩ trừu tượng hơn, học cách độc lập hơn, trong khi trước đây thường dựa vào cha mẹ để được an ủi và che chở", nữ bác sĩ nói.
Nizam, Tổng giám đốc phụ trách chương trình đại học của Bộ Giáo dục, thừa nhận rằng sinh viên đã cảm thấy chán nản trong đại dịch.
"Trường học không chỉ là nơi học tập mà còn là nơi giao lưu xã hội. Điều này không thể được thay thế thông qua học trực tuyến. Đại dịch đã kéo dài hơn những gì chúng ta có thể lường trước được. Tình trạng này kéo dài tất nhiên sẽ dẫn đến buồn chán, lo lắng và nếu không quản lý tốt có thể dẫn đến căng thẳng và trầm cảm".
Theo Bộ Giáo dục, sức khỏe tâm thần của sinh viên suy giảm là lý do chính khiến các trường đại học mở cửa trở lại vào tháng 10 và giới thiệu phương pháp học kết hợp với sự kết hợp của các lớp học trực tuyến và trực tiếp.
“Đưa sinh viên trở lại trường sẽ không chỉ cho phép sinh viên phát triển các kỹ năng kỹ thuật và con người, những kỹ năng không thể đạt được thông qua học tập trực tuyến, mà còn tái tạo các tương tác xã hội cần thiết để giữ cho tinh thần và sức khỏe của sinh viên”, Nizam nói.
Bộ cũng đã ban hành một quy định để xóa bỏ bạo lực tình dục, nạn bắt nạt - một trong những nguyên nhân gốc rễ gây ra trầm cảm ở học sinh.