Nguyễn Hạnh (22 tuổi, từ Hà Nội), chuẩn bị tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, ĐH Sư phạm Hà Nội. Gần đây, nữ sinh ứng tuyển vào một công ty theo đúng ngành mình học. Vài ngày sau khi phỏng vấn, Hạnh nhận lời mời vào làm việc. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ hơn, biết đây là mô hình công ty gia đình, Hạnh quyết định từ chối.
Cùng tâm lý với Hạnh, N.V. (24 tuổi, từ TP.HCM) khẳng định với Zing một trong những nỗi ám ảnh của người lao động hiện nay chính là công ty gia đình.
Không ít sinh viên mới ra trường từ chối làm việc tại những công ty gia đình cho dù chế độ đãi ngộ khi tuyển dụng không tệ. Ảnh minh họa: Tistory. |
Ai cũng là sếp
N.V. nhớ lại khoảng thời gian một năm trước, anh làm việc ở một công ty về năng lượng tại TP.HCM. Với năng động, sức trẻ và nhiệt huyết của sinh viên mới ra trường, N.V. nghĩ mình có thể làm việc trong công ty này để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân trước khi bước tới công ty lớn hơn.
Tuy nhiên, làm được nửa năm, N.V. vỡ mộng nhận ra những vấn đề không ổn ở công ty. Anh cho biết vì công ty được thành lập, hoạt động theo pháp luật doanh nghiệp nhưng những thành viên trong công ty đa số đều là người trong một gia đình và nắm giữ hầu hết cổ phần của công ty.
Người đại diện theo pháp luật của công ty này là vợ, giám đốc điều hành là người chồng, quản lý nhân sự là em ruột của chồng, kế toán trưởng là em gái ruột của người vợ. Còn em trai ruột người vợ ấy lại là đội trưởng đội vận tải. Không chỉ N.V., nhiều nhân viên trong công ty rơi vào cảnh ai cũng là sếp khi ai cũng muốn chỉ đạo và muốn nhân viên làm theo ý mình.
Không chỉ với những người đã trải nghiệm các công ty gia đình, một số ứng viên mới ra trường khi được hỏi cũng đều chung tâm lý “né” các công ty hoạt động theo mô hình này.
Ngọc Thuận (23 tuổi, từ Hà Nội) cho biết trước đây, chị gái cô từng làm trong công ty gia đình. Tuy nhiên, cô nhận thấy chị gái mình làm việc trong công ty này không ổn. Cô nhận định đây là mô hình công ty vận hành khép kín, kỷ luật được đặt ra nhưng cũng dễ bị phá vỡ bởi chính các thành viên trong gia đình.
Vì vậy, khi tìm hiểu trên các website việc làm, mặc dù có thấy một số công ty gia đình có đãi ngộ khá ổn cho sinh viên mới ra trường, Thuận vẫn mang tâm lý ngại ứng tuyển vào các công ty này.
Một trong những lý do khiến Nguyễn Hạnh từ chối lời mời nhận việc từ công ty gia đình chính là chế độ đãi ngộ của công ty không rõ ràng. Ảnh: NVCC. |
Đãi ngộ mập mờ
Trong khi đó, một trong những lý do Nguyễn Hạnh từ chối lời mời nhận việc của công ty gia đình là chế độ đãi ngộ không rõ ràng. Hạnh cho biết tin tuyển dụng đăng tải chính sách đãi ngộ nhân viên rất hấp dẫn nhưng trong lần phỏng vấn trực tiếp, khi cô đặt câu hỏi về mức lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ khác, công ty không có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này. Họ hứa hẹn nếu cô trúng tuyển, họ sẽ trả lời trong thư mời nhận việc.
Ở thư mời nhận việc, mặc dù khối lượng công việc có phần lớn hơn khi phỏng vấn, Hạnh cũng không nhận được thông tin rõ ràng về các chế độ dành cho nhân viên, nhất là thời gian tăng lương và các mức phụ cấp.
Bên cạnh đó, trở về nhà sau buổi phỏng vấn, Hạnh đăng bài lên các hội nhóm xin đánh giá về công ty để tìm hiểu kỹ hơn. Cô ngạc nhiên khi nhận về một số bình luận từ nhân sự cũ của công ty này, đa số lý do nghỉ việc liên quan vấn đề chế độ đãi ngộ.
Không may mắn như Hạnh, N.V. tin vào thỏa thuận làm việc và những chính sách đãi ngộ trong mơ mà công ty vẽ ra, anh đồng ý thư mời làm việc. Sau đó, người này miêu tả thời gian làm việc tại đây, anh như “cá nằm trong rọ”, lương thưởng bị điều chỉnh mà không rõ lý do.
N.V. cho biết trong quá trình phỏng vấn, mức lương thỏa thuận là 9 triệu đồng. Song sau 2 tháng thử việc, anh được nhận vào làm chính thức với mức lương 8 triệu đồng. Trong vòng một năm làm việc, N.V. không được tăng lương, thậm chí, anh cũng không nhận được phụ cấp từ công ty.
Ngoài ra, N.V. thường xuyên bị trừ lương bởi những lý do rất vô lý như không quét sân khi có lá rụng, yêu cầu lấy xe máy đi giao hàng quanh công ty mặc dù công việc của anh là thủ kho và chạy xe đi tỉnh.
Thậm chí, tin vào hứa hẹn công ty sẽ tăng lương khi nhân viên tăng ca, N.V. cùng đồng nghiệp sẵn sàng cống hiến cho công việc. Nhiều hôm, anh đến công ty từ 6h và trở về nhà lúc nửa đêm. Nhưng khi thấy số giờ tăng ca của nhân viên nhiều, tiền lương tăng ca bằng với mức lương hàng tháng, công ty bắt đầu tìm lý do, trừ bớt.
Khi được hỏi vì sao không sử dụng hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi của bản thân, N.V. cho biết ở công ty này không có khái niệm hợp đồng lao động. Giám đốc khẳng định anh được công ty đóng bảo hiểm đồng nghĩa với việc đã ký hợp đồng.
N.V. cũng chủ quan không kiểm tra lại, chỉ đến khi nghỉ việc và chuẩn bị vào làm việc ở công ty mới, anh mới tá hỏa khi biết công ty cũ chưa từng đóng bảo hiểm cho mình. Như vậy, anh không được hưởng những quyền lợi trong thời gian làm việc tại đây. Hợp đồng lao động không có để đòi quyền lợi, N.V. đành ngậm ngùi cho qua.
“Tôi không phải là trường hợp duy nhất ở công ty này. Thực tế, trong một năm làm việc tại đây, tôi thấy hơn 20 người nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau”, N.V. cho biết.
Sang năm mới ra trường, Ngân e ngại việc làm trong các công ty gia đình. Ảnh: NVCC. |
Con đường thăng tiến mơ hồ
Không chỉ nằm ở vấn đề lương thưởng, sau nửa năm làm việc, N.V. nhận thấy con đường thăng tiến của bản thân khó có thể phát triển. Anh làm ở vị trí thủ kho. Nhưng sau một thời gian, công ty thiếu người, N.V. bị điều chuyển xuống làm vị trí lái xe hàng đi tỉnh.
Bên cạnh đó, mọi ưu tiên của công ty cũng dành cho người nhà hoặc nhân viên là đồng hương của giám đốc. Mọi cố gắng và những thành quả N.V. làm được cho công ty đều không được trả công tương xứng.
“Khi đi làm ở một công ty gia đình, năng lực, bạn cống hiến đến đâu không quan trọng. Điều đầu tiên bạn phải đáp ứng là người cùng quê và là người nhà với sếp sẽ được ưu tiên”, N.V. nhận định.
Nhiều ứng viên cũng thẳng thừng bỏ qua các công ty gia đình bởi nhận ra vấn đề này.
Thúy Ngân hiện là sinh viên năm 3 ngành Marketing, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Mặc dù sang năm mới ra trường, Ngân e ngại việc làm trong các công ty gia đình bởi lý do cơ hội thăng tiến không cao, quá trình làm việc sẽ khó có sự công bằng. Nữ sinh cũng tham gia nhiều diễn đàn đánh giá công ty, nhận thấy một số mặt không ổn khác của mô hình công ty này.
Tuy nhiên, Ngân cũng hiểu không phải công ty gia đình nào cũng tiêu cực. Nếu có công ty phù hợp với định hướng của bản thân, Ngân sẽ không bỏ lỡ cơ hội và cân nhắc ứng tuyển. Tuy nhiên, nữ sinh không cân nhắc gắn bó lâu dài với mô hình công ty gia đình.
“Nếu làm việc và gắn bó lâu dài hay phát triển sự nghiệp trong tương lai, mình không chắc. Vì 'gia đình' mà, chắc chắn phần nào đó, họ sẽ ưu tiên các nhân sự là người trong nhà”, Ngân giải thích.