Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điểm thi THPT 2022

Nhiều thí sinh 'nửa ở nửa về' khi còn 3 ngày để xác nhận nhập học

Đến thời điểm này, chỉ còn 3 ngày nữa để xác nhận nhập học nhưng nhiều thí sinh sau khi có thông báo trúng tuyển vẫn chưa vội vàng đăng ký trên hệ thống tuyển sinh chung.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo Bộ GD&ĐT, sau gần một tuần mở hệ thống tuyển sinh chung, tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học đạt khoảng 80%. Đây là con số thống kê từ Bộ GD&ĐT về tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh chung.

Thí sinh vẫn phân vân

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với số điểm 27,1 (tổ hợp A00), em Quang Đạt - thí sinh tại Hà Nội - mong muốn đủ điểm vào học ngành Công nghệ thông tin của Học viện Bưu chính Viễn thông. Nam sinh liền đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Công nghệ thông tin của Học viện Bưu chính Viễn thông, nguyện vọng 2 vào ngành Khoa học máy tính.

Sau khi nhà trường thông báo ngành Công nghệ thông tin điểm trúng tuyển là 27,9, Đạt không trúng tuyển ngành mà mình yêu thích và coi như không thể chạm tới ước mơ của mình. Điều này khiến em thất vọng.

Tuy nhiên, Đạt đỗ vào ngành Khoa học máy tính của trường. Và sau khi được tư vấn, Đạt quyết định nhập học ngành đỗ "không thích lắm" trong thời gian quy định.

Em Trần Thị Trang (Hà Nội) đạt 26,26 điểm sau khi trượt tất cả 5 nguyện vọng đầu vào 5 ngành của ĐH Kinh tế Quốc dân nhưng cùng với điểm số đó, em trúng tuyển vào các ngành hot nhất của Học viện Tài chính. Tuy nhiên, em không thích trường này bằng ĐH Kinh tế Quốc dân nên em thời điểm này, vẫn chưa nhập học trên hệ thống tuyển sinh chung.

Muốn đạt bằng được ước mơ vào ĐH Kinh tế Quốc dân, em đã đăng ký nguyện vọng vào ngành Truyền thông Marketing (chương trình học bằng tiếng Anh) nhưng 3/10 tới mới có kết quả trúng tuyển. Tuy nhiên, theo lịch tuyển sinh, thời gian xác nhận nhập học từ ngày 18/9 đến 17h ngày 30/9.

"Hiện tại, em rất phân vân vì nếu theo lịch, em phải xác nhận nhập học vào Học viện Tài chính trong thời gian trước 30/9 cho chắc ăn. Việc này đồng nghĩa với việc em sẽ phải đóng các khoản phí đầu năm vào khoảng 12 triệu đồng. Vậy nếu 3/10 tới, em trúng tuyển vào ĐH Kinh tế Quốc dân, em đang lo lắng sẽ không thể lấy lại được khoản đã đóng. Giờ em chưa biết phải làm thế nào nên chưa xác nhận nhập học vội", Trang chia sẻ.

Trước cánh cửa đỗ - trượt đại học, nhiều học sinh khi được hỏi đều chia sẻ, các em đều luẩn quẩn trong những dòng suy nghĩ học hay bỏ không học nữa.

"Xác nhận nhập học ngành không thích để được mang danh là đỗ đại học hay cố gắng chậm lại một năm so với bạn bè cùng trang lứa để được học đúng ngành, đúng đam mê. Liệu em nên chậm một năm để cố gắng làm lại hay 'cố đấm ăn xôi' nhưng năm sau 'xôi lại hẩm' thì sao?", em Trần Thị Trang phân vân.

Học hay bỏ?

Trước thực tế nhiều thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 nhưng không phải ngành yêu thích và có ý nghĩ sẽ chậm một năm và để năm sau thi lại, ông Lê Hữu Lập - nguyên Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông - cho rằng như vậy đáng tiếc quá.

Theo ông Lập, thứ nhất, thí sinh không tìm hiểu kỹ về ngành nghề, trường sở, hai là công tác tư vấn tuyển sinh ở THPT và kể cả một số trường đại học chưa tốt, nhiều khi các trường quảng bá quá mức.

Mặt khác, theo ông Lập, chính các em chọn trường không nắm được 3 nguyên tắc: Đầu tiên là ngành yêu thích (xếp theo thứ tự các ngành), thứ 2 là trường yêu thích (cũng xếp theo thứ tự các trường), rồi thứ 3 là điểm tổ hợp của em hiện có (phù hợp: Bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển ngành đó của các năm trước).

"Với 3 nguyên tắc như trên, trong đó, tôi nhấn mạnh ngành yêu thích là số 1. Bây giờ trúng ngành khác, có vào học, tư tưởng luôn chán trường và trước sau cũng bỏ học, hoặc kết quả học tập sẽ kém. Và hệ lụy cả công việc sau này nữa", ông Lập nói.

Cũng theo ông Lập, bây giờ, nhiều trường tuyển đợt tiếp theo, học sinh nên nghiên cứu chọn ngành phù hợp vì trước đã trót chọn sai. Tất nhiên, trường thương hiệu đã tuyển đủ đợt đầu rồi. Vì vậy, chọn trường cũng khó.

Hơn 80 trường thông báo tuyển bổ sung

Với những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 hoặc trúng tuyển nhưng chưa đúng như nguyện vọng, các em vẫn còn cơ hội khi nhiều trường đại học đã phát thông báo xét tuyển bổ sung.

Năm nay, nhiều đại học đào tạo nhóm ngành sức khỏe lần đầu tuyển bổ sung với số lượng lớn, từ vài chục đến hàng trăm chỉ tiêu như ĐH Y Dược Hải Phòng, ĐH Điều dưỡng Nam Định, ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên), ĐH Y Dược (ĐH Huế), khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM)...

Gần 20 trường đại học khu vực phía bắc như ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam, ĐH Việt Đức, Học viện Ngân hàng, ĐH Công nghiệp Việt Hung... cũng xét tuyển.

Ngoài ra, hàng loạt các trường phía nam cũng công bố xét tuyển bổ sung với mức điểm nhận hồ sơ từ 14 điểm như ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, ĐH Dầu khí Việt Nam, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM...

80 trường đại học thông báo tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu

Đến nay, cả nước đã có 80 trường đại học công bố thời gian nhận hồ sơ, điều kiện xét tuyển bổ sung. Trong đó, một trường tuyển bổ sung hơn 800 chỉ tiêu.

Điểm thi THPT 2022

https://tienphong.vn/chi-con-3-ngay-de-xac-nhan-nhap-hoc-nhieu-thi-sinh-tam-ly-nua-o-nua-ve-post1473027.tpo

Đỗ Hợp / Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm