Trẻ bị bỏng được bác sĩ thăm khám tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: BVCC. |
Theo thông tin từ khoa Chấn thương Chỉnh hình Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, trường hợp mới đây được điều trị tại đơn vị này là bé L.T.S. (22 tháng tuổi, trú tại Thanh Chương, Nghệ An) nhập viện hôm 8/7 do bỏng nặng.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, thời điểm xảy ra sự việc, bé S. đang chơi một mình thì va vào bình nước sôi dùng để pha sữa. Sau tai nạn, trẻ quấy khóc nhiều, bỏng nhiều vùng mặt cổ, phần ngực, bụng, tay và chân của bé.
Bệnh nhi được gia đình tự sơ cứu bằng cách để vùng bỏng dưới vòi nước và nhanh chóng đưa bé tới bệnh viện huyện. Tại đây, các bác sĩ băng bó và đặt thuốc giảm đau cho bé, sau đó chuyển tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị.
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bé S. bị bỏng nhiều vùng mặt cổ, phần ngực, bụng, 2 tay và chân trái, bỏng độ III diện tích khoảng 20%. Bé được xử trí chống sốc, giảm đau, bù dịch, sơ cứu bỏng và chăm sóc theo dõi tại khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng.
Tương tự là trường hợp bệnh nhi H.D.T. (32 tháng tuổi, Tân kỳ, Nghệ An) cũng bị bỏng do ngã vào nồi nước sôi.
Đây chỉ là hai trong nhiều tình huống tai nạn sinh hoạt rất đáng tiếc thường gặp ở trẻ em do bỏng gây ra. Trẻ ở độ tuổi 2-5 tuổi thường rất hiếu động, thích khám phá nhưng lại chưa nhận thức được về sự nguy hiểm mà các hành động mình gây ra.
TS.BS Thái Văn Bình, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, cho biết mỗi năm, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ tiếp nhận nhiều ca bỏng bởi những nguyên nhân khác nhau như nước sôi, bỏng điện, bỏng hoá chất…
Bên cạnh những ca bỏng nhẹ cũng có trường hợp nhập viện trong tình trạng rất nặng, bỏng sâu, bỏng diện tích lớn, có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng vết bỏng, nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
TS Bình khuyến cáo khi trẻ bị bỏng, phụ huynh nên bình tĩnh, xử lí đúng cách để tránh làm tình trạng nặng thêm. Một số bước sơ cứu ban đầu khi trẻ bị bỏng như sau:
- Đưa trẻ ra khỏi vị trí bỏng
- Làm mát vùng bỏng bằng cách ngâm vào nước sạch trong khoảng 30 phút, lưu ý sử dụng nước mát, không dùng nước lạnh, nước ấm vì có thể làm tăng độ bỏng
- Che phủ tạm thời vết bỏng bằng các vật liệu sạch như gạc y tế, khăn mặt, vải màn sạch…
- Băng ép nhẹ vết bỏng để hạn chế hình thành nốt phồng và phù nề chi
- Không đắp các loại thuốc mỡ, dầu, nước mắm, lá cây…vào vùng bỏng
- Không làm trợt, loét vết bỏng, bóc vỏ vòm nốt phồng, bỏng nhằm hạn chế phù nề vùng bỏng
- Sau đó phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.
Ngoài ra, mùa hè là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm phát triển, nhất là với trẻ nhỏ. Các bác sĩ khuyến cáo trẻ có thể mắc bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, cúm A, các bệnh lây theo đường hô hấp, tiêu hóa. Do đó, cha mẹ cần chú trọng phòng bệnh mùa hè, không để bệnh lây lan thành dịch.
Phòng ngừa hiệu quả bệnh mùa nắng nóng cho trẻ, cha mẹ nên dạy trẻ tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt: Rửa tay sạch sẽ - đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa; Tạo môi trường sống trong lành và an toàn, thông thoáng, trong lành nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm.
Ngoài ra, đa số bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ thường đã có vaccine sẵn. Cha mẹ nên theo dõi lịch tiêm chủng phù hợp độ tuổi và đưa con đi tiêm ngừa phòng bệnh.
Trong quá trình nuôi con, cha mẹ không tránh khỏi lo lắng trước những hiện tượng liên quan đến sức khỏe của em bé. Trẻ có thể chảy nước mũi hay húng hắng ho khi chuyển mùa, gặp vấn đề tiêu hóa, bệnh đường tiêu hóa khi thời tiết thay đổi.
Những lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến thẳng bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, nghe theo những phương thuốc dân gian hay quáng quàng lo lắng? Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho trẻ, cung cấp kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe trẻ em.