Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết trong ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, khoa Cấp cứu của đơn vị này tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ gặp tai nạn từ nhẹ đến nghiêm trọng.
Khoa Cấp cứu hoạt động hết công suất
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết những ngày Tết, đơn vị này hoạt động hết công suất để kịp thời tiếp nhận trường hợp trẻ nhập cấp cứu gặp tai nạn nghiêm trọng.
"Các tai nạn thông thường có thể gặp nhiều nhưng không nghiêm trọng, đa số có thể là trầy xước tay chân, trẻ được đưa vào các khoa ngoại để xử lý và điều trị. Còn khoa Cấp cứu chuyên tiếp nhận tai nạn nghiêm trọng thì may mắn đến nay chưa có trẻ nào", bác sĩ Phương nói với Zing.
Ngày mùng Một Tết, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi 17 và 13 tuổi do gặp tai nạn giao thông.
Các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu cho một bệnh nhi trong ngày mùng Một Tết. Ảnh: BVCC. |
Gia đình cho biết 2 chị em đèo nhau chơi Tết nhưng không may gặp xe tải và thắng gấp khiến xe ngã bên lề đường. Bé 13 tuổi ngồi sau bị chấn thương nặng hơn do văng xa, đa chấn thương, dập vỡ lách độ 4, xuất huyết nội.
Ngay lập tức, các y bác sĩ trực khoa Cấp cứu báo động đỏ toàn viện. Ê-kíp trực gồm bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Kinh Bang và bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Tiến Phát đã mổ cấp cứu kịp thời bảo tồn các cơ quan.
Ngoài tai nạn giao thông, đơn vị này còn tiếp nhận và xử trí nhiều trẻ gặp tai nạn nuốt đồng xu, hóc hạt đậu, dị vật thực quản, phù phổi do ngã xuống ao, uống nhầm xăng, rượu, bỏng nước sôi.
Ngoài ra, một trẻ bị ngã từ lầu cao, ngưng thở phải ấn tim, hồi sức tim phổi. Các trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hoá, nôn, tiêu chảy cũng ra vào liên tục, chưa có dấu hiệu ngừng lại.
"Ê-kíp trực Tết đã nỗ lực 200% công suất ngày trực đầu năm để bảo toàn tối đa sức khoẻ cho các bạn nhỏ", các bác sĩ cho biết.
Tai nạn phổ biến ở trẻ trong ngày nghỉ Tết
Vào những ngày nghỉ Tết, các bậc phụ huynh thường bận bịu chuẩn bị đón Tết, việc trông nom trẻ cũng lơ là hơn. Trong khi đó, trẻ nhỏ thường gặp các tai nạn trong gia đình như dị vật đường thở, điện giật, phỏng, ngạt nước, uống nhầm hóa chất, chấn thương.
Sau đây là một số tai nạn thường gặp quí phụ huynh cần lưu ý phòng tránh:
Dị vật đường thở: Trẻ ăn dưa hấu có hạt dưa, cắn hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt giẻ, ngay cả kẹo mứt... dễ bị hóc do vừa ăn, vừa khóc hoặc cười giỡn. Các phòng ngừa tốt nhất là không cho trẻ nhỏ ăn các loại thức ăn có hạt này hoặc khi ăn phải lấy hết hạt ra.
Điện giật: Những chùm đèn trang trí trên chậu cây kiểng, nhang điện... thường hấp dẫn trẻ đến tò mò, sờ mó nên bị điện giật. Cách phòng ngừa là hạn chế trang trí đèn nhấp nháy hoặc để ở xa tầm với trẻ. Các ổ điện được che kín bằng nút nhựa an toàn.
Đồng xu kẹt trong thực quản cho một bệnh nhi 5 tuổi. Ảnh: BVCC. |
Phỏng: Vào ngày Tết, các gia đình thường dùng khăn trải bàn, trên đó để bình trà nóng hoặc phích nước sôi để châm trà, các thức ăn nấu nóng hoặc hâm nóng trên bàn, bàn ủi... trẻ bóc phải hoặc kéo khăn bàn sẽ làm rơi đổ, gây phỏng.
Cách phòng ngừa chung là hạn chế sử dụng khăn trải bàn hoặc phải cố định thật chắc để trẻ không thể kéo rơi đổ, để bàn ủi xa tầm với của trẻ.
Ngạt nước: Một số gia đình có hồ nước nhỏ trong nhà hoặc các ao, hồ xung quanh nhà, trẻ có thể đến đó và ngã vào gây ngạt nước. Cách tốt nhất là phụ huynh không nên thiết kế hồ nước trong nhà khi gia đình có trẻ nhỏ, các ao quanh nhà cần có hàng rào cao và nên trông nom trẻ thường xuyên.
Uống nhầm, ăn nhầm: Trẻ thường ăn, uống bất cứ thứ gì vớ được và cho miệng như dầu/xăng chứa trong chai nước ngọt, cồn, nước tro tàu, thức ăn trộn thuốc diệt chuột, côn trùng, thuốc an thần, động kinh... việc này có thể đưa đến ngộ độc, ảnh hưởng tính mạng trẻ.
Chấn thương: Các loại cây kiểng có gai hoặc hoa mai giả gắn trên cành cây khô bằng dây kẽm sắc nhọn... dễ gây thương tích cho trẻ. Những chậu kiểng nhỏ, bình hoa để ở nơi trẻ với tới được, làm đổ va vào bé gây chấn thương.
Có trường trẻ nhỏ dưới 3 tuổi ngậm đũa, muỗng trong lúc ăn và bị ngã khi chạy chơi. Chiếc đũa đâm vào thành sau họng gây xuất huyết sưng nề và tắc nghẽn đường thở, gây suy hô hấp. Một trẻ khác bị vụn chén sứ làm đứt mạch máu lớn, gây sốc mất máu.
"Gia đình phải luôn có người giữ trẻ, để ý bé và thiết kế trang trí ngôi nhà, môi trường trong nhà an toàn, giảm thiểu các nguy cơ có thể gây hại cho trẻ mà quý phụ huynh cảm nhận, ý thức được", bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo.