Nhiều trường công lập từ chối nhận trẻ tự kỷ
Cháu C. không quậy phá lớp. Nhưng được vài tháng, cô giáo chủ nhiệm sợ ảnh hưởng đến học sinh khác nên mời vợ chồng chị đến để trả cháu về.
Khi con bắt đầu đến tuổi học lớp 1 thì chị L. mới giật mình nhận ra được sự "bẽ bàng", đối xử bất công mà con chị phải gánh chịu. Chị đưa con đến trường đúng tuyến để học nhưng vẫn bị giáo viên ''trả'' con về.
Theo một thống kê của Bệnh viện Nhi TW thì những năm 80 của thế kỷ trước, trong số 1 vạn trẻ em thì có 1 trẻ bị mắc chứng tự kỷ. Còn hiện nay, tỉ lệ này là 1/150. Việc chăm sóc, nuôi dạy những đứa con mắc chứng tự kỷ khiến nhiều bậc phụ huynh vất vả vô cùng. Tiền bạc tốn kém, sức lực hao mòn. Thế nhưng, vừa qua, chúng tôi nhận được phản ánh của một số phụ huynh cho biết, họ đang bế tắc khi tìm trường học cho con...
Xin học: Cực chẳng đã!
Gạt nước mắt trên khuôn mặt gầy sọm, chị Vũ Thu L., công tác trong một đơn vị của Bộ Công an không giấu nổi nỗi buồn. Cháu Trần Mạnh C., 6 tuổi cũng là đứa con duy nhất của vợ chồng chị mắc chứng tự kỷ "độ cao". Biểu hiện của cháu là chậm biết nói, không biết nhai, hay nổi khùng mỗi khi không vừa ý, hay lấy tay đập vào đầu, đập đầu vào tường, thích xé giấy báo… Nhưng bù lại, cháu rất thông minh, trong khi bạn bè C. cộng chữ số hàng chục còn vất vả, thì cháu đã tính nhẩm được các phép tính cộng hàng trăm, hàng nghìn. Gần 5 tuổi, cháu mới nói được, nhưng khi nói được thì cháu cũng đọc được sách báo luôn. Với những biểu hiện đó, bác sỹ ở Bệnh viện Nhi TW kết luận cháu C. bị bệnh tự kỷ "độ cao".
Các bác sỹ ở Bệnh viện Nhi TW đang chăm sóc trẻ tự kỷ |
Khó có thể kể hết nỗi vất vả của vợ chồng chị L. khi con mắc chứng tự kỷ. Chị đưa con đi khắp nơi để thăm khám. Chị đưa C. đến cả bác sỹ, Anh hùng Lao động Nguyễn Tài Thu châm cứu 6 tháng trời; rồi tiền thuê cô giáo tâm lí về nhà dạy cháu. Thế nhưng, vất vả thế nào chị cũng chịu được. Chỉ có điều, khi con bắt đầu đến tuổi học lớp 1 thì chị mới giật mình nhận ra được sự "bẽ bàng", đối xử bất công mà con chị phải gánh chịu. Chị đưa con đến trường đúng tuyến để học.
Cháu C. không quậy phá lớp. Nhưng được vài tháng, cô giáo chủ nhiệm sợ ảnh hưởng đến học sinh khác nên mời vợ chồng chị đến để trả cháu về. Vợ chồng chị L. lại đưa cháu đến trường mầm non mà cháu từng học, xin cho cháu học lại lớp mẫu giáo lớn để cháu "dễ hoà nhập". Nhưng cô giáo cũng không đồng ý, với lý do "cháu đến tuổi thì phải đi học lớp 1".
Không đành lòng để con ở nhà một mình, vợ chồng chị lại xin cho cháu vào một trường học dành cho trẻ em thiểu năng trí tuệ. Nhưng được ít ngày, thấy tình trạng của con không khá hơn, vợ chồng chị lại xin chuyển trường. Và đến một vài trường khác, vợ chồng chị L. cũng chỉ nhận được lời từ chối không mấy mặn mà.
Cùng chung cảnh ngộ với chị L., anh Tr., một cán bộ kỹ thuật về viễn thông cho chúng tôi hay, anh cũng đã mang con bị bệnh tự kỷ đi khắp nơi xin học và cũng không được chấp nhận. Anh đã lên mạng để tìm kiếm địa chỉ xin cho con học, nhưng những nơi này thực chất chỉ là "trông giữ trẻ", không mang tính chuyên nghiệp. Hiện anh Tr. đang gửi con ở một trường mầm non tư thục ở quận Tây Hồ; học phí và chi phí một tháng cho con khoảng 4 triệu đồng.
Với những học sinh tự kỷ nhẹ, nhà trường không được quyền từ chối
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Bà Bích cho biết, Hà Nội hiện có trường công lập chuyên biệt cho trẻ câm điếc, trẻ bị khiếm thị và thiểu năng trí tuệ nhưng chưa có trường công lập dành riêng cho trẻ tự kỷ. Mô hình này có lẽ phải chờ xã hội hoá. Về việc nhiều trẻ tự kỷ bị các trường công lập từ chối, bà Bích khẳng định, nếu các cháu mắc bệnh ở thể nhẹ, có thể tiếp thu được bài thì nhà trường không được từ chối quyền được đến trường của các cháu. Như thế là sai chủ trương và không công bằng.
Trẻ tự kỷ ngày càng gia tăng (chỉ riêng năm 2006 đã có hơn 3.000 trẻ đến khám bệnh tự kỷ ở Bệnh viện Nhi TW). Chị Nguyễn Thị Tú Anh, Trưởng phòng Giáo vụ của Trung tâm Tư vấn, phát hiện sớm và chăm sóc trẻ em tàn tật Sao Mai (địa chỉ ở số 4, ngõ 116 phố Nhân Hoà, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trung tâm hiện có 210 trẻ theo học thì 3/4 là trẻ tự kỷ.
Chị Tú Anh kiến nghị, khi số lượng trẻ tự kỷ ngày càng tăng nhanh thì việc học của trẻ tự kỷ không thể xem nhẹ. Cần nhất là một cơ quan chủ chốt được đào tạo bài bản về chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ trẻ tự kỷ đứng ra làm đầu mối để liên kết các trung tâm hiện đã thành lập, tạo một mô hình giáo dục chuyên nghiệp cho trẻ tự kỷ.
Theo dự thảo lần thứ 8 Thông tư giáo dục hòa nhập của Bộ GD&ĐT cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có trẻ tự kỷ) mà Bộ đang trưng cầu ý kiến, thì các em được học tập bình đẳng trong các cơ sở giáo dục quốc dân. Các em có quyền nhập học kể cả khi thiếu giấy khai sinh, hộ khẩu hoặc các giấy tờ khác; tuổi đi học của các em có thể cao hơn tuổi của người học khác theo quy định của Bộ GD&ĐT. Các em được tôn trọng và đối xử bình đẳng trong học tập. Các em được xét miễn học phí và các khoản đóng góp như được cấp SGK, học phẩm, học bổng theo quy định của Bộ GD&ĐT. |
Theo CAND Online