Sau khi đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk công bố bản cáo trạng truy tố các bị cáo cũng như tội danh, điều, khoản của Bộ luật hình sự áp dụng đối với các bị cáo, HĐXX đã tiến hành phần xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội từng đối tượng.
Tại phần xét hỏi, các bị cáo đều đồng ý với bản cáo trạng mà đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk đã công bố. Phần lớn các bị cáo cho rằng việc tham gia vào nhóm khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân để thành lập cái gọi là “Nhà nước Đêga” do các đối tượng cầm đầu dụ dỗ, lôi kéo, hứa hẹn cho tiền... Có nhiều bị cáo sau khi nhận ra được việc làm này là sai trái, không đúng, không theo thì bị các đối tượng cầm đầu đe dọa giết chết cả nhà hoặc trừng phạt cá nhân nên buộc phải đi theo.
Hội đồng xét xử tiến hành phần xét hỏi đối với các bị cáo. |
Cũng tại phần xét hỏi, tất cả bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình và tỏ ra ăn năn, hối hận. Các bị cáo chủ mưu cũng thừa nhận hành vi chủ mưu, lên kế hoạch, trực tiếp thực hiện việc lôi kéo, dụ dỗ, đe dọa người khác thực hiện hành vi phạm tội.
Theo cáo trạng, từ năm 2015, Y Mút Mlô (SN 1960, đang trốn truy nã) cầm đầu tổ chức “Nhóm hỗ trợ người Thượng” tại Mỹ (MSGI) thường xuyên liên lạc, móc nối, lôi kéo H Wuên Êban (SN 1976, tên gọi khác là Amí Sân, trú tại buôn Sut Mđưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) tham gia các hoạt động vũ trang, giết người, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong nhân dân, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nếu thành công sẽ tiếp tục mở rộng sang các tỉnh khác.
Bị cáo H Wuên Êban, một trong những kẻ chủ mưu trong vụ án. |
Đồng thời, Y Mút Mlô giới thiệu H Wuên Êban với các thành viên cốt cán khác của nhóm MSGI gồm: Y Čhik Niê (SN 1968, Phó chỉ huy, đang trốn truy nã); Y Niên Êya (SN 1978, thủ quỹ, đang trốn truy nã); Y Bút Êban (SN 1985, tên gọi khác là Y Bé Êban, phụ trách tập hợp, thông báo khi họp, đang trốn truy nã); Y Chanh Byă (SN 1984, tên gọi khác Y Čăn Buôn Yă, đang trốn truy nã) và Y Sôl Niê (SN 1979, trú tại Bắc Caronila, Hoa Kỳ). Y Mut Mlô cũng lôi kéo Y Quynh Bdap (SN 1992, sống tại Thái Lan, đang trốn truy nã), Y Krông Phôk (SN 1978, trú tại buôn Pai Bi, xã Đắk Nuê, huyện Lắk) tham gia tổ chức và giới thiệu cho H Wuên Êban đến gặp Y Quynh Bdap, Y Krông Phôk để biết thêm về hoạt động của nhóm tổ chức.
Tháng 8/2018, sau khi Y Quynh Bdap vượt biên trái phép sang Thái Lan đã thành lập tổ chức “Người thượng vì công lý” (MSFJ) nhằm tuyên truyền, kích động, lôi kéo người đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên tiến hành các hoạt động bạo động vũ trang, khủng bố. Đến đầu năm 2023, H Wuên Êban báo cáo, xin ý kiến các thành viên tổ chức “Nhóm hỗ trợ người Thượng” cho nhóm “Lính Đêga” thực hiện kế hoạch khủng bố trong nước, tấn công vũ trang, cướp vũ khí, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, giết cán bộ và người dân nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng. Y Sôl Niê tự nguyện xin về Việt Nam để cùng HWuên Êban trực tiếp chỉ đạo kế hoạch khủng bố.
Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. |
Ngày 12/5/2023, Y Sôl Niê từ Mỹ đến Thái Lan liên lạc với H Wuên Êban bàn bạc cách thức về Việt Nam. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, H Wuên Êban đã chỉ đạo Y Li Phôch Niê (SN 1995, trú tại buôn Jung B, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) và Y Bluiêt Mlô (SN 1985, trú tại buôn Adrơng Điết, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) đón Y Sôl Niê từ Thái Lan về Việt Nam do Lê Văn Nghĩa (SN 1956, trú tại tỉnh An Giang) tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép.
Khi về Việt Nam, Y Sôl Niê cùng H Wuên Êban và các thành viên cốt cán của nhóm “Lính Đềga” như: Y Jǔ Niê (SN 1968), Y Tim Niê (SN 1997), Y Chun Niê (SN 1990), Y Wôl Arul (SN 1998)... nhiều lần họp bàn kế hoạch, tìm kiếm địa điểm để tập trung lực lượng và khảo sát, chọn trụ sở cơ quan Nhà nước để tấn công vũ trang, lật đổ chính quyền, tiến tới thành lập “Nhà nước Đềga” tại Tây Nguyên.
Hội đồng xét xử xét hỏi các bị cáo. |
Sau khi lên kế hoạch, Y Sôl Niê và H Wuên Êban và một số tên cốt cán họp bàn thống nhất sẽ chọn trụ sở UBND xã Ea Ktur và trụ sở UBND xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk là mục tiêu tấn công và chỉ đạo: “phải đốt sạch, phá sạch, giết sạch những người có mặt và cướp lấy vũ khí, tiếp tục mở rộng tấn công những trụ sở chính quyền khác, sau khi hoàn thành phải cắm cờ “Nhà nước Đêga” và quay phim, đăng lên mạng để tuyên truyền, tạo sự chú ý, gây tiếng vang cho tổ chức”.
Cơ quan điều tra xác định từ ngày 9 đến ngày 10/6/2023, những kẻ khủng bố tham gia nhóm “Lính Đêga” tập trung tại một chòi rẫy tập luyện võ thuật, chế tạo bom xăng, hướng dẫn cách sử dụng súng, đạn... Tối 10/6/2023, chúng tập trung tại chòi rẫy này để phân phát vũ khí, điểm danh, quay phim, chụp ảnh và chia thành 2 nhóm. Một nhóm do Y Jǔ Niê và Y Thô Ayǔn chỉ huy cùng 33 đối tượng đi bộ đến tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur, còn nhóm thứ hai do Y Tim Niê chỉ huy cùng 34 đối tượng đi bằng xe máy đến tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu.
Các bị cáo dưới sự giám sát của lực lượng bảo vệ phiên toà. |
Đêm 10/6/2023, rạng sáng 11/6/2023, tại trụ sở UBND xã Ea Ktur, chúng đã thực hiện hành vi phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; sát hại 2 cán bộ Công an xã (Đại úy Nguyễn Đăng Nhân và Thiếu tá Hoàng Trung), làm 2 cán bộ Công an xã bị thương nặng (Thượng úy Đàm Đình Bốp và Đại úy Lê Kiên Cường).
Tại trụ sở UBND xã Ea Tiêu, nhóm khủng bố đã thực hiện hành vi phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giết 2 cán bộ Công an xã (Đại úy Hà Tuấn Anh và Thiếu tá Trần Quốc Thắng). Trên đường rút chạy, chúng tiếp tục thực hiện hành vi phá hủy tài sản của người dân; uy hiếp 3 người dân làm con tin; giết 2 cán bộ: Nguyễn Văn Kiên (Bí thư Đảng ủy xã Ea Ktur) và Nguyễn Văn Dũng (Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu) cùng 3 người dân (Hoàng Minh Khánh, Lê Xuân Hoàng, Lê Minh Vương).
Khai nhận tại phiên toà, phần lớn các bị cáo thừa nhận do thiếu hiểu biết nên bị Y Mút Mlô và nhóm phản động lưu vong ở Mỹ như: Y Čik Niê, Y Niên Êya, Y Bút Êban (Y Bé Êban), Y Chanh Byă, Y Sôl Niê... dùng nhiều thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ, đe dọa buộc tham gia hoạt động khủng bố, phá hoại. Quá trình điều tra, cũng như tại phiên toà các bị cáo thành khẩn khai báo, bày tỏ ăn năn, hối cải, xin được Đảng, Nhà nước xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt.
Độc giả của Znews có thể tìm đọc các cuốn sách tại Tủ sách pháp luật để tìm hiểu thêm về Luật tố cáo, Luật khiếu nại, Luật hình sự, Luật dân sự.