Nghiên cứu từ Đại học Maryland phát hiện người có nhóm máu A có khả năng mắc đột quỵ sớm cao hơn 16% so với các nhóm máu khác. Ảnh: healthinsight. |
Nhóm máu thể hiện sự đa dạng của các chất hóa học hiển thị trên bề mặt tế bào hồng cầu. Những nhóm máu phổ biến gồm có A, B, AB và O. Các nhóm máu này đều có thể phát sinh đột biến dẫn tới những biến thể nhỏ trong gen, theo Science Alert.
Nhóm máu A dễ mắc đột quỵ sớm
Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện mối quan hệ giữa gen của phân nhóm A1 và bệnh đột quỵ sớm. Họ thu thập dữ liệu của 48 nghiên cứu về gen với sự tham gia của 17.000 bệnh nhân đột quỵ và gần 600.000 người khỏe mạnh ở độ tuổi 18-59.
Những nhà khoa học tiến hành tìm kiếm trên toàn bộ gen và xác định được 2 vị trí có liên quan chặt chẽ với nguy cơ đột quỵ sớm. 1 trong 2 vị trí trên chính là vị trí của gen quyết định nhóm máu.
Một phân tích thứ 2 về các loại gen quyết định nhóm máu cho thấy những người có biến thể của nhóm máu A có nguy cơ bị đột quỵ trước 60 tuổi cao hơn 16% so với những người có nhóm máu khác. Đối với những người có gen của nhóm máu O1, nguy cơ này lại thấp hơn 12%.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng nguy cơ đột quỵ gia tăng ở những người có nhóm máu A vẫn là con số nhỏ.
Nghiên cứu cũng cho thấy những người có nhóm máu B có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn khoảng 11%, dù ở bất kỳ độ tuổi nào. Các nghiên cứu trước đây cho thấy một phần của bộ gen mã hóa nhóm máu, được gọi là "locus ABO", có liên quan đến vôi hóa động mạch vành, khiến cơ thể bị hạn chế lưu lượng máu và đau tim.
Trình tự gen của nhóm máu A và B cũng có liên quan đến nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch cao hơn một chút, hiện tượng này còn được gọi là huyết khối tĩnh mạch.
Tại sao nhóm máu A có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn?
Steven Kittner, tác giả chính của nghiên cứu, nhà thần kinh học mạch máu từ Đại học Maryland, cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa biết rõ tại sao nhóm máu A lại có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nhưng rất có thể nhóm máu A liên quan đến các yếu tố đông máu như tiểu cầu và tế bào lót mạch máu cũng như các protein tuần hoàn khác. Tất cả đều đóng vai trò trong việc hình thành cục máu đông".
Hiện tại, các nhà khoa học chưa phát hiện được nguyên nhân chính xác khiến gen nhóm máu A dễ gây ra đột quỵ nhưng họ cho rằng điều này có liên quan đến yếu tố đông máu. Ảnh: Biology Q&As. |
Ở Mỹ, dưới 800.000 người mắc đột quỵ mỗi năm. Hầu hết trường hợp đột quỵ xảy ra ở những người từ 65 tuổi trở lên. Từ 55 tuổi, nguy cơ mắc đột quỵ tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm.
Ngoài ra, những người tham gia nghiên cứu sống đều sống ở Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Pakistan và Úc. Những người không sống ở Châu Âu chỉ chiếm 35% số người tham gia. Sự đa dạng của các đối tượng sẽ giúp kết quả nghiên cứu đa dạng và rõ ràng hơn.
Ông Kittner nói: “Chúng tôi cần nhiều nghiên cứu hơn để làm rõ cơ chế nguy cơ đột quỵ 'trẻ hóa' trong những năm gần đây".
Ngoài ra, họ cũng so sánh dữ liệu của những người bị đột quỵ trước và sau 60 tuổi. Nghiên cứu trên dựa trên dữ liệu của 9.300 người ở độ tuổi trên 60, từng bị đột quỵ và 25.000 người trên 60 tuổi chưa bao giờ trải qua đột quỵ.
Họ phát hiện nguy cơ đột quỵ gia tăng ở nhóm máu A là không đáng kể ở nhóm người mắc đột quỵ muộn. Điều này cho thấy cơ chế gây ra đột quỵ ở từng giai đoạn trong đời là khác nhau.
Các tác giả nghiên cứu cho biết nguyên nhân gây ra đột quỵ ở những người trẻ tuổi thường không phải do sự tích tụ mỡ trong động mạch (một quá trình gọi là xơ vữa động mạch) mà nhiều khả năng có liên quan đến các yếu tố hình thành cục máu đông.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.