Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TƯ VẤN

Nhóm mua bán hóa đơn nghìn tỷ đối diện mức án nào?

Luật sư đánh giá với số tiền thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng, 14 bị can sẽ đối diện mức án tối đa 5 năm tù. Ngoài ra, họ còn có thể bị xử lý về tội trốn thuế.

Công an TP Hà Nội vừa khởi tố bị can đối với 14 người về tội Mua bán trái phép hóa đơn. Nhóm này liên quan đường dây bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) để bán cho các đơn vị có nhu cầu để hợp thức hóa đầu vào không có nguồn gốc hoặc hồ sơ vay vốn ngân hàng.

Nhà chức trách xác định từ năm 2017 tới khi bị bắt, nhóm này đã bán ra nhiều hóa đơn GTGT với tổng trị giá khoảng 1.000 tỷ, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.

Với số tiền thu lợi bất chính trên, các bị can sẽ phải đối diện mức án nào?

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội

Đây là hành vi gây nên hệ lụy xấu, gây thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước, làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Với tổng giá trị hóa đơn lên đến 1.000 tỷ cùng số tiền thu lợi hàng chục tỷ đồng, các bị can sẽ bị xử lý hình sự về tội Mua bán trái phép hóa đơn với tình tiết định khung thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên theo Khoản 2, Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt áp dụng là phạt tiền 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội theo Khoản 2 Điều này sẽ bị phạt tiền tối đa một tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định 1-3 năm hoặc cấm huy động vốn 1-3 năm.

mua ban hoa don nghin ty anh 1

Lực lượng chức năng làm việc với các bị can. Ảnh: Công an cung cấp.

Ngoài ra, những hành vi khác của nhóm bị can này như mua lại pháp nhân nhiều công ty, cho người khác đứng tên làm giám đốc để quản lý nhưng không kinh doanh mà chỉ mua bán hóa đơn để thu lời; mua bán hóa đơn GTGT nhưng không kê khai đầy đủ số tiền mua bán hàng hóa hay mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, không đăng ký kê khai thuế bằng nhiều thủ đoạn... đã vi phạm nghiêm trọng Luật Quản lý thuế 2019 và có dấu hiệu hình sự của tội Trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015.

Quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng xác định những hành vi này dẫn tới việc trốn thuế với số tiền nộp thuế trên 100 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng người vi phạm đã bị xử phạt hành chính, xử lý hình sự về một số tội danh nhất định mà chưa được xóa án tích, nhóm bị can có thể bị xử lý hình sự theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015.

Tùy thuộc số tiền trốn thuế cùng các tình tiết định khung hành vi phạm tội khác, người phạm tội có thể đối diện mức án nặng nhất là phạt tiền từ 1,5 đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù 2-7 năm.

Trường hợp pháp nhân vi phạm, khung hình phạt nặng nhất là phạt tiền 3-10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động từ 6 tháng tới 3 năm. Nếu cơ quan chức năng xác định pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm, pháp nhân đó sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Giữa tháng 11, Công an Hà Nội tiếp nhận tin báo tội phạm về một đường dây mua bán trái phép hóa đơn GTGT. Vào cuộc điều tra, lực lượng chức năng xác định đường dây này hoạt động từ năm 2017. Các bị can mua lại pháp nhân nhiều công ty, cho người khác đứng tên làm giám đốc để quản lý hồ sơ, con dấu, hóa đơn GTGT, kết nối với các đơn vị có nhu cầu mua bán hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào không có nguồn gốc hoặc hồ sơ vay vốn ngân hàng.

Loại hóa đơn được sử dụng là hóa đơn điện tử, có độ bảo mật cao. Nhóm bị can cũng thuê những người có nghiệp vụ kế toán tốt để kê khai báo cáo tài chính cân đối, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Giá trị hàng hóa trước thuế ghi trên các hóa đơn mà đường dây này đã bán ra cho khách là khoảng 1.000 tỷ đồng. Công an xác định các bị can thu lời hàng chục tỷ đồng.

Mở 20 công ty để mua bán hóa đơn trị giá 1.000 tỷ đồng

Giá trị hàng hóa trước thuế ghi trên các hóa đơn mà đường dây này đã bán ra cho khách là khoảng 1.000 tỷ đồng.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm