Zing trích dịch bài đăng trên Korea Times, đề cập đến chuyện fan Kpop bức xúc khi nhiều nhóm nhạc gắn với danh xưng thần tượng xứ kim chi dù không ai trong nhóm là người Hàn.
Không khó để tìm thấy những nhóm nhạc có danh xưng idol Kpop dù trên thực tế, không một thành viên nào là người Hàn Quốc.
JYP Entertainment vừa công bố dự án mới nhất tên NiziU, nhóm nhạc quy tụ các cô gái đều đến từ Nhật Bản. Một năm trước đó, “ông lớn” SM Entertainment cho ra mắt nhóm nhạc nam Trung Quốc gồm 7 thành viên tên Wavy.
Năm 2017, EXP Edition với tất cả người tham gia là các chàng trai người Mỹ debut trước công chúng Hàn Quốc.
Các nhóm nhạc này chủ yếu nhắm đến thị trường quốc tế, trong khi xây dựng thương hiệu là idol Kpop. Những bài hát, sản phẩm của họ đi theo đặc điểm thường thấy của nền công nghiệp này, ví dụ như pha trộn nhiều thể loại âm nhạc và nhấn mạnh vào vũ đạo.
NiziU - nhóm nhạc nữ Kpop có tất cả thành viên là người Nhật Bản. |
Fan sợ Kpop bị bắt chước
Việc xây dựng những nhóm mà tất cả thành viên đều là người nước ngoài là phương án nhiều công ty giải trí lựa chọn để thâm nhập thị trường quốc tế. Theo các nhà quan sát trong ngành, fan tại nước khác mong muốn các ca sĩ người nước họ cũng có khả năng biểu diễn y giống với phong cách của những idol xứ kim chi.
Nhưng không phải ai cũng nồng nhiệt đón nhận ý tưởng này. Một bộ phận khán giả đặt câu hỏi liệu các nhóm này có xứng đáng được gọi là thần tượng Kpop hay không.
Tháng 6, nhóm NiziU gây bão các bảng xếp hạng âm nhạc Nhật Bản với ca khúc “Make you happy” hát hoàn toàn bằng tiếng Nhật. Song, nhiều người không thừa nhận đây là "một kỳ tích âm nhạc của ngôi sao Kpop”.
Theo họ, ca khúc thành công đơn giản chỉ vì Park Jin-Young, chủ tịch của JYP, đã áp dụng công thức tạo hit của Kpop sang thị trường Jpop.
4 chàng trai Mỹ của nhóm EXP Editon ra mắt công chúng Hàn Quốc vào năm 2017. |
"Với sự phát triển toàn cầu, Kpop đã trở thành niềm tự hào dân tộc của người dân Hàn Quốc. Vì vậy, nhiều người không muốn thấy các hãng thu âm mang âm nhạc của họ đi nơi khác", Lee Gyu-tag, giáo sư văn hóa tại Đại học Hàn Quốc-George Mason, phân tích.
"Sự ác cảm của họ đối với các ban nhạc tự xưng là thần tượng xứ kim chi cũng bắt nguồn từ việc lo sợ họ có thể vượt xa những nhóm chỉ có người Hàn Quốc”.
Idol Kpop không phải người Hàn sẽ còn tăng thêm
Vị giáo sư này cho hay trên thực tế, các doanh nhân Hàn Quốc hoạt động trong ngành sản xuất âm nhạc đã xuất khẩu bí quyết thành công của họ trong nhiều năm.
“Công chúng lo lắng mức độ sáng tạo của Kpop có thể bị đánh cắp. Nhưng họ quên mất một điều là các ca khúc của Kpop về cơ bản là sự pha trộn giữa âm nhạc Mỹ và Nhật Bản, có nghĩa là nó không hoàn toàn nguyên bản", Lee nói.
“Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh của ngành âm nhạc Hàn Quốc là vũ đạo đẹp mắt, phong cách trang điểm ấn tượng và hệ thống đào tạo chuyên nghiệp. Điều ấy được khắp nơi trên thế giới công nhận. Vì vậy, sợ mất vị thế đứng đầu không phải là điều đáng lo".
Theo Patty Ahn, giáo sư truyền thông chuyên ngành nghiên cứu văn hóa đại chúng Hàn Quốc tại Đại học California (Mỹ), có nhiều lý do khiến những người hâm mộ có thể không hoàn toàn đón nhận những nhóm nhạc như vậy.
Nhiều fan cho rằng các nhóm nhạc Hàn Quốc nhưng thành viên đều là người nước ngoài sẽ khiến vị thế của Kpop lung lay. |
"Theo những gì tôi quan sát được, nhiều fan da màu ở Mỹ có xu hướng nảy nở tình cảm với văn hóa Hàn Quốc khi họ bắt đầu quan tâm đến Kpop. Từ thích thú, họ chuyển sang học tiếng Hàn, xem phim Hàn. Vậy nên khi họ nhìn thấy phong cách, các đặc trưng thường thấy của xứ kim bị bắt chước nhan nhản, họ không còn hâm mộ cuồng nhiệt như xưa”.
Tuy nhiên, cả giáo sư Lee và Ahn đều đồng ý rằng mô hình nhóm nhạc Kpop có toàn bộ ca sĩ là người nước ngoài sẽ tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới.
“Vốn linh hoạt, công ty giải trí, nhóm nhạc sẽ luôn thay đổi nhằm mở rộng bản thân. Họ sẽ thử nghiệm, chấp nhận rủi ro, thích nghi, điều chỉnh và thử lại”, ông Ahn nói.
Tuy nhiên, rất khó để dự đoán xem các nhóm nhạc này có khả năng gây tiếng vang khắp thế giới như cách BTS và BlackPink làm được hay không. Những thần tượng không phải người Hàn có thể gặt hái thành công ở Nhật Bản hay Trung Quốc. Song ở thị trường Mỹ, điều tương tự chưa chắc đã xảy ra vì nạn phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại.
Giáo sư Lee cho biết các hoạt động Kpop không có người Hàn tham gia nên được phân loại khác nhau.
“Hip hop Hàn Quốc khá khác biệt với hip hop sinh ra ở Mỹ. Do đó, nó thường được xếp vào một thể loại riêng biệt. Tương tự như vậy, âm nhạc của những nhóm nhạc này cũng có khả năng mang một cái tên mới như JKpop (Kpop Nhật Bản) hoặc CKpop (Kpop Trung Quốc)”.
"Vì vậy, Kpop ngày nay không nên chỉ đơn thuần được định nghĩa là âm nhạc do người Hàn Quốc hay các công ty Hàn Quốc tạo ra”, giáo sư Lee giải thích thêm.