Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhóm nữ sinh Hà Nội lập Facebook cho vua Quang Trung

Cách học về tiểu sử và chiến tích oanh liệt của Bắc Bình Vương qua Facebook giả định do 5 học sinh lớp 9 ở Hà Nội thiết kế hiện được cộng đồng mạng quan tâm, khen ngợi.

Ngày 15/9, nhiều diễn đàn mạng chia sẻ bài tập sáng tạo của nhóm học sinh lớp 9G, trường Phổ thông Liên cấp Olympia, Hà Nội. Đây là sản phẩm nằm trong hoạt động đọc hiểu tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô Gia Văn Phái), chương trình Ngữ Văn lớp 9.

Tuổi trẻ sáng tạo

Với đề bài trình bày dòng thời gian tóm tắt những sự kiện trong cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung ra Thăng Long, đánh bại 20 vạn quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu năm 1789, các bạn trẻ đã quyết định lập Facebook giả định cho vị vua này.

tao Facebook cho vua Quang Trung anh 1
Dân mạng khen ngợi sự thông minh và sáng tạo của nhóm học sinh lớp 9 với trang Facebook giả định cho vua Quang Trung.

Trong phần tiểu sử, các em điền đầy đủ năm sinh, quê quán và thậm chí là tình trạng mối quan hệ của vị Hoàng đế thứ hai nhà Tây Sơn.

Trên timeline (dòng thời gian) của Bắc Bình Vương nổi bật lên những sự kiện như "Lên ngôi Hoàng đế nước Đại Việt" vào 25 tháng Chạp năm 1788, thu hút 150.000 like (thích), hay "Quân Thanh ở làng Hạ Hồi đầu hàng" nhận được hơn 92.000 like (thích).

Hoàng đế Đại Việt liên tục cập nhật tình hình chiến sự lên trang cá nhân. Ông cũng quan tâm, chia sẻ những bài báo viết về sự kiện đại phá 20 vạn quân Thanh vào ngày 5 tháng Giêng năm 1789.

Trên mỗi dòng chia sẻ gắn với sự kiện lịch sử đương thời của "anh hùng áo vải", người xem thấy cả những biểu tượng cảm xúc như thích, giận dữ, hy vọng. Điển hình như sự kiện đại phá quân Thanh, người like (thích) là Quang Trung, còn Lê Chiêu Thống, Tôn Sĩ Nghị chọn cảm xúc giận dữ.

Đoàn Công Trung - sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM - khen ngợi sự sáng tạo của nhóm học sinh. Chàng trai nhận xét bài tập vừa mang tính thực tế, vừa phục vụ cho việc ghi nhớ các kiến thức lịch sử.

"Mình thấy trong bối cảnh nhiều học sinh không yêu thích môn Lịch sử thì đây là cách làm hay, sáng tạo, gắn sự kiện trong quá khứ với hiện tại, giúp các em dễ tiếp thu kiến thức hơn", Mai Phương Thảo (22 tuổi, cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bày tỏ.

Kiến thức lịch sử không còn khô khan

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền - giáo viên môn Lịch sử, trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái - nhận xét cách làm bài tập của nhóm nữ sinh rất sáng tạo, phát huy tính chủ động tiếp nhận kiến thức. 

"Điều này chứng tỏ những sự kiện lịch sử không hề cứng nhắc, khô khan nếu giáo viên, học sinh tìm ra những phương pháp hay để dạy và học. Với các cách tiếp cận sáng tạo, học sinh sẽ thấy hào hứng với lịch sử, với truyền thống dân tộc, với các danh nhân lịch sử và với những chiến công oanh liệt của cha ông" - cô Thanh Huyền nói.

Chia sẻ với Zing.vn, cô Ngô Thu Giang - giáo viên Ngữ Văn trực tiếp ra đề - cho biết cô cảm thấy bất ngờ và thích thú khi nhận được bài làm đầy sáng tạo của 5 em Linh Đan, Hoàng Nhi, Thùy Trang, Thu Hằng, Minh Thư.

tao Facebook cho vua Quang Trung anh 2
Nhóm nữ sinh lập Facebook cho vua Quang Trung gây chú ý trên mạng nhờ sự thông minh và sáng tạo trong học tập.

"Tôi đánh giá rất cao tính sáng tạo, khả năng biểu đạt, đọc hiểu của học sinh. Ý tưởng lập Facebook cho vua Quang Trung không chỉ phản ánh đầy đủ sự kiện lịch sử, bám sát với kiến thức từ sách giáo khoa mà còn thể hiện rõ mục tiêu đọc hiểu tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí" - cô Thu Giang nói.

Nữ sinh Doãn Hoàng Nhi - đại diện nhóm tác giả - chia sẻ: "Chúng em thấy đây là cách học thú vị, dễ ghi nhớ và hệ thống được kiến thức. So với đọc văn bản đơn thuần, cách học này trực quan, ngắn gọn, tạo hứng thú hơn nhiều”.

Chị Hồng Nhung - phụ huynh em Nguyễn Tú Linh Đan - bày tỏ niềm tự hào, hài lòng với kết quả học tập của các con và phương pháp đang triển khai ở nhà trường.

"Tôi tin rằng học sinh trường nào cũng đều có tiềm năng để nghiên cứu kiến thức, tự mình thể hiện kiến thức thông qua các cách sáng tạo khác nhau, nếu được đánh thức và khơi gợi" - chị Nhung cho hay.

Bà Phạm Thị Minh An - hiệu trưởng trường THPT Olympia - chia sẻ nhà trường luôn khuyến khích học sinh tư duy phản biện và sáng tạo thông qua nhiều hình thức thể hiện khác nhau, đảm bảo tiêu chí đánh giá đa dạng dựa trên năng lực học sinh. Đây không phải năm đầu tiên học sinh Olympia sử dụng hình thức này để thể hiện kiến thức.

Trong năm học 2015-2016, nhóm học sinh trên đã được trải nghiệm học tập theo cách khác, thông qua dự án liên môn Văn - Sử - Truyền thông với tên gọi "Thân phận con người trong chiến tranh thông qua các bức ảnh lịch sử". Dự án đạt giải nhất cuộc thi Dạy học tích hợp liên môn toàn quốc năm học 2015-2016.

tao Facebook cho vua Quang Trung anh 3
Những cách học sáng tạo như lập sơ đồ tư duy được khuyến khích tại trường Phổ thông liên cấp Olympia.

Nhóm bạn trẻ đưa trò chơi dân gian đến phố đi bộ

Nhóm bạn trẻ MyHanoi tái hiện những trò chơi dân gian từng gắn bó với tuổi thơ nhiều thế hệ, thu hút sự tham gia của hàng trăm du khách trên phố đi bộ quanh hồ Gươm, Hà Nội.

Thu Thảo

Ảnh: The Olympia Shools

Bạn có thể quan tâm