Frances Newton, Tim Nichols, Cameron Todd Willingham là những công dân Mỹ nhận án tử hình sau khi những đứa con của họ mất mạng.
Ba con chết, cha lĩnh án tử hình
Cameron Todd Willingham bị hành quyết ở tuổi 35 vào ngày 17/2/2004 vì tội giết 3 đứa con, Amber (2 tuổi), và cặp song sinh Karmon và Kameron (1 tuổi).
Theo đó, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại ngôi nhà của anh ta ở thành phố Corsicana, bang Texas, vào tháng 12/1991. Cảnh sát cho rằng Cameron đốt nhà.
Sự nghi ngờ của dư luận đối với bằng chứng buộc tội Cameron bắt đầu xuất hiện trước khi phiên tòa diễn ra. Trong quá trình xét xử, bị cáo không nhận tội.
Tử tù Cameron Todd Willingham. Ảnh: murderpedia.org. |
Sau khi Cameron qua đời, những nghi ngờ về bằng chứng trong phiên tòa tiếp tục tăng và được nêu bật trong một bài báo gây chấn động của tờ New Yorker.
Công chúng phản đối kịch liệt trở nên dữ dội đến mức cơ quan lập pháp Texas đã yêu cầu một cuộc điều tra từ Ủy ban Khoa học pháp y của bang.
Năm 2009, Ủy ban Khoa học pháp y kết luận rằng những bằng chứng khiến Cameron bị kết tội "chẳng qua chỉ là một tập hợp những niềm tin cá nhân không liên quan tới nghiệp vụ điều tra cháy dựa trên bằng chứng khoa học”.
Báo cáo khẳng định kết luận của cảnh sát về việc Cameron cố ý đốt nhà không dựa trên cơ sở khoa học.
Hai ngày trước khi Craig Beyler, một chuyên gia điều tra hỏa hoạn nổi tiếng và đứng đầu nhóm điều tra, trình bày những phát hiện của Ủy ban Khoa học pháp y trước Ủy ban Khoa học Texas, Thống đốc Rick Perry đột ngột thay đổi thành phần của ủy ban và cuộc họp bị hủy.
Cựu binh giết con trong cơn tuyệt vọng
Ngày 20/2/2002, một người lính giải ngũ, Tim Nichols, trong tâm trạng tuyệt vọng đã quyết định giết con trai rồi tự sát. Cuộc hôn nhân của anh ta đang sụp đổ, và cựu binh cảm thấy bế tắc.
Anh ta giết con trai 19 tháng tuổi. Trước khi anh ta có thể tự sát, bạn bè và gia đình đã kịp thời phát hiện, thuyết phục từ bỏ ý định đó.
Từ khi vào trại giam, Nichols tỏ ra hối hận, nhận hoàn toàn trách nhiệm về hành động của bản thân.
Tim Nichols chưa bao giờ phạm luật trước khi giết con trai, và chưa bao giờ gây rối khi ở trong tù.
Sau tình trạng choáng váng ban đầu, gia đình của Nichols đã ủng hộ anh ta trong nỗ lực vận động để án tử hình giảm xuống tù chung thân. Trong đơn cầu xin ân xá, bà Wilma, mẹ của anh ta, viết: "Gia đình chúng tôi đã mất mát vì mất T. J, cháu trai của tôi. Mất Tim sẽ là một mất mát to lớn khác đối với gia đình này”.
Giới chức phớt lờ thỉnh cầu của bà mẹ và Nichols đã bị xử tử, qua đời ở tuổi 42.
Người phụ nữ bị cáo buộc giết chồng và 2 con
Frances Elaine McLemore Newton bị xử tử vào ngày 14/9/2005 ở bang Texas (Mỹ), ở tuổi 40, vì tội giết chồng Adrian và 2 con Alton và Farrah.
Trong trường hợp này, Thống đốc bang Texas đã gia hạn 120 ngày để các luật sư bào chữa thực hiện các phân tích pháp y sâu hơn, bởi dư luận nghi ngờ độ chính xác của lời kết tội Frances Newton.
Frances Elaine McLemore Newton, tử tù bị hành quyết ở bang Texas vào ngày 14/9/2005. Ảnh: murderpedia.org. |
David Dow, một giáo sư tại Trung tâm Luật thuộc Đại học Houston và đại diện cho Newton trong quá trình xử án, vẫn còn nghi ngờ. Cảnh sát không thấy máu hoặc DNA trên quần, áo của Frances Newton hoặc cơ thể cô sau vụ giết người. Hiện tượng đó thật kỳ lạ, bởi vì hành động nổ súng xảy ra ở cự ly gần, và thường sẽ khiến máu văng lên người cầm súng.
Một số người cho rằng cảnh sát có thể đã nhầm lẫn giữa khẩu súng mà họ nói rằng họ đã lấy từ tay Frances Newton, và có thể vụ án còn liên quan tới khẩu súng thứ hai. David Dow tin rằng đây có thể là một trường hợp giết người - tự sát, và Frances Newton không phải là người nổ súng.