Bài văn về thầy giáo cũ gây xúc động
Ngày 16/10, Vũ Phương Thảo (lớp 10A1, THPT Định Hóa) được biết đến với bài văn điểm 10 về người thầy có những cảm xúc trong sáng, chân thành.
Trong bài văn, Thảo viết: “Máy quay dường như đang chậm lại, từng cảnh từng nét hiện lên rõ ràng. Tôi thấy thầy đang lụi hụi trồng rau, chăm sóc con chó lông trắng đen già khụ, thấy cả chúng tôi ngày đó, trong những ngày vất vả nhưng yên bình. Tôi nghĩ, có lẽ đó là những ngày hạnh phúc và vui vẻ nhất tôi từng có. Sau này, khi bước đi trên đường đời chông gai, có thể sẽ chẳng còn ai chỉ bảo, dạy dỗ tôi tận tình như thầy đã từng, có thể sẽ chẳng có ai lo tôi liệu có ngủ đủ giấc, liệu có stress khi nhồi nhét quá nhiều. Nhưng, cố nhân từng nói, cuộc đời chỉ cần một người khiến ta ngưỡng mộ, để cả đời noi gương, cả đời thương mến. Vậy là quá đủ rồi”.
Bài văn của nữ sinh đạt điểm 10. |
Bài viết đã được thầy Phạm Vũ – Giáo viên trường THPT Định Hóa (Thái Nguyên) cho điểm xuất sắc: “Đây là lần đầu tôi chấm 10 điểm cho học sinh ở môn Văn. Tôi khâm phục em vì còn ít tuổi nhưng suy nghĩ chín chắn, sâu sắc thể hiện cả con người và cách sống đều rất đẹp".
Nhanh chóng bài văn được lan tỏa trên mạng xã hội và giới truyền thông. Ngay ngày hôm sau, ê-kip của chương trình Chuyển động 24h tìm về ngôi trường THPT Định Hóa (Thái Nguyên). Phương Thảo đã được gặp thầy giáo cũ, ngồi ôn bài trong lớp xưa.
Thầy Nguyễn Văn Tâm - từng dạy Toán trường THCS Chợ Chu cũng là người thầy được Thảo viết đến trong bài viết tâm sự: "Cảm xúc của tình thầy trò thật sự xúc động". Lời nói này của thầy Tâm là sự thành công cũng như món quà quý giá nhất cô học trò nhận được sau bài viết của mình.
Phương Thảo trong tiết học của thầy giáo Nguyễn Văn Tâm. |
Phương Thảo chia sẻ, viết về thầy Nguyễn Văn Tâm là bài văn thứ hai em đạt điểm 10. Trước đó, trong năm học lớp 8, Thảo từng xuất sắc đạt điểm tuyệt đối khi viết thơ cũng về chủ đề này.
Bài văn viết về bố làm nghề xe ôm
Năm 2013, bài văn viết về bố được nữ sinh lớp 10 trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh - Nghệ An) nhận được sự chú ý của nhiều người. Bài văn của học sinh Nguyễn Thị Hậu khi học lớp 10A2 viết về người bố làm nghề xe ôm, được luật sư Trần Đình Triển chia sẻ trên mạng xã hội.
Bài văn viết về bố được điểm 9,5. Ảnh: VTC. |
Bài văn xúc động người đọc bởi cảm xúc chân thành từ chính tình cảm của con dành cho người cha tần tảo của mình. Cô giáo đã chấm cho Hậu 9,5 điểm với lời nhận xét: “Em là một người con ngoan, bài viết của em đã làm cho cô rất xúc động. Điều đáng quý nhất của em là tình cảm chân thực và em có một trái tim nhân hậu. Em đã cho cô một bài học làm người. Mong rằng đây không chỉ là trang văn mà còn là sự hành xử của em trong cuộc đời”. Được biết, thầy Lê Trần Bân, hiệu phó trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã đọc bài văn trong lễ chào cờ đầu tuần, trước toàn trường.
Trích đoạn bài văn của em Nguyễn Thị Hậu có những dòng xúc động như sau: “Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ.
Bốn mươi tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ.
Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi thay: Thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió.
Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình. Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày”.
Bài văn viết về mẹ
Cũng giống như Nguyễn Thị Hậu, học sinh Nguyễn Thị Kiều Vân viết về người thân trong gia đình đó là mẹ gây xúc động. Bài văn được viết tháng 4/2013 trong tiết kiểm tra môn Ngữ văn khi Kiều Vân học lớp 8. Bài văn được chấm điểm tối đa 10, kèm theo đó là dòng nhận xét “Bài viết quá xúc động, cảm ơn con”.
Bài văn của học sinh Kiều Vân. |
Trong bài văn của mình, Vân viết: “Tuổi thơ tôi không được may mắn như bao đứa trẻ khác. Từ khi sinh ra tôi đã mồ côi cha. Một mình mẹ nuôi tôi khôn lớn, mẹ là người cha, người mẹ tuyệt vời nhất trên đời này. Nhưng khi tôi lên chín tuổi, thời gian quá ngắn giữa mẹ và tôi thế nhưng mẹ đã bỏ tôi một mình bơ vơ trên cõi đời này mà ra đi. Chỉ chín tuổi tôi còn quá nhỏ để hiểu được sâu sắc việc mãi mãi không có mẹ bên cạnh. Như hình ảnh ngày nào của mẹ thì không bao giờ phai trong tôi, mỗi bước chân tôi đi như có bóng mẹ soi đường, chỉ tôi. Mẹ là người sống mãi mãi trong lòng tôi.
Mẹ tôi là người phụ nữ mạnh mẽ, mẹ luôn sống vì tôi. Tuy cuộc sống vất vả và phải sống chung với căn bệnh hiểm nghèo nhưng mẹ sống rất lạc quan, yêu đời. Mẹ tôi cao, làn da xám đen vì nắng gió. Khuôn mặt phúc hậu, hiền từ. Mẹ luôn dạy bảo tôi những điều tốt nhất. Mẹ động viên tôi những khi tôi buồn, tôi thất bại. Mẹ luôn lo lắng, mang những điều tốt đẹp đến cho tôi còn tôi thì chỉ biết làm mẹ buồn, mẹ khóc".
Bài văn của thủ khoa viết về mẹ
Năm 2010, bài văn từ ngày lớp 6 của thủ khoa Tăng Văn Bình được chia sẻ rộng rãi. Trong kỳ thi môn Ngữ văn năm 2003 của trường THCS Lý Nhật Quang (thị trấn Đô Lương, Nghệ An) cô giáo chủ nhiệm đã ra đề thi như sau: “Em hãy kể về người mẹ kính yêu”. Tuy được viết từ gần 10 năm trước nhưng khi tìm lại, bài văn của thủ khoa vẫn lan tỏa, gây xúc động lòng người.
Bài văn được cô giáo phê như sau: "Cô tin ở em. Tương lai tươi sáng đang chờ đón em. Cố gắng lên Bình nhé". Lời phê của cô giáo đã trở thành hiện thực khi Bình trở thành thủ khoa ĐH Ngoại thương, đạt 30/30 điểm - là người duy nhất đạt điểm tuyệt đối trong năm 2010.
Bài văn cửa thủ khoa Tăng Văn Bình. |
Tăng Văn Bình viết như sau: “Tôi sinh ra đã không thấy được mặt cha. Đó là sự tổn thương rất lớn. Tuy vậy, nhưng mỗi khi ở bên mẹ, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Năm tôi lên một tuổi, mẹ tôi phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi gia đình. Nào là đóng gạch, cuốc mướn... mẹ làm hết. Nghĩ đến đây mà tôi rưng rưng nước mắt. Số mẹ tôi thật khổ! Mẹ làm vất vả đến như vậy mà vẫn không đủ ăn nên mẹ phải đi làm nghề dạy trẻ. May mắn lắm mẹ mới xin được vào một nơi ổn định.
Chân dung thủ khoa Tăng Văn Bình. |
Bàn tay mẹ tần tảo, đầy những vết chai sần. Đôi mắt thì quầng đen vì làm việc vất vả. Nhưng tôi biết, vào những ngày Tết trong khi mọi người dang vui đùa chạy nhảy thì mẹ lại ra ngoài vườn lặng lẽ ngồi khóc. Những giọt nước mắt chứa đọng tâm hồn trong sáng, chung thủy của mẹ”.