Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Những bất cập khiến tiến độ tiêm vaccine ở TP.HCM chậm hơn dự kiến

TP.HCM đặt mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho khoảng 200.000 người mỗi ngày. Tuy nhiên, số lượng người được tiêm thực tế ít hơn so với dự kiến.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, trong ngày 24/6, 160.061 người ở TP.HCM đã được tiêm chủng vaccine Covid-19. Ngày 23/6, TP.HCM có 40.667 người được tiêm.

Đây là địa phương có số lượng người được tiêm chủng cao nhất cả nước trong ngày. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đạt được mục tiêu dự kiến ban đầu (200.000 người/ngày) để TP.HCM hoàn tất chiến dịch tiêm chủng.

chien dich tiem vaccine Covid-19 tai TP.HCM anh 1

Đồ họa: Lê Ý - Phương Mai.

Nơi đông đúc, chỗ vắng người

Trong ngày đầu tiên triển khai chiến dịch (19/6), một số điểm tiêm chủng chưa thống nhất về kế hoạch tổ chức, khâu tổ chức chưa thống nhất giữa lực lượng y tế phụ trách tiêm chủng, y tế địa phương và địa điểm tiêm chủng.

Điều này dẫn đến tình trạng đội y tế phụ trách tiêm vaccine đã có mặt tại điểm tiêm lúc gần 10h, nhưng phòng tiêm, bàn ghế, khu vực ngồi chờ... vẫn chưa được chuẩn bị. Đến hơn 13h, những mũi tiêm đầu tiên mới được thực hiện. Tình huống này xảy ra tại một điểm tiêm vaccine ở quận 8.

Còn ở một điểm tiêm vaccine tại TP Thủ Đức (quận 9 cũ) trong ngày 19/6, tình cảnh vắng vẻ, đìu hiu tại khu vực tiêm diễn ra tương tự.

Theo ghi nhận của Zing trưa 24/6, tại một số điểm tiêm chủng ở quận 4, số lượng người đến tiêm vaccine phòng Covid-19 khá ít. Điểm này sẽ thực hiện tiêm vaccine cho đơn vị giao thông vận tải. Dự kiến, tổng số mũi tiêm trong ngày là 600. Tuy nhiên, đến trưa nay, số mũi tiêm được thực hiện chưa đến 100.

Tuy nhiên, điểm tiêm chủng tại Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) thì ngược lại. Địa điểm này là nơi tổ chức tiêm chủng lớn nhất thành phố. Dự kiến, tổng số mũi tiêm được thực hiện là 9.000. Theo ghi nhận của Zing từ sáng đến trưa 24/6, điểm tiêm chủng này tiếp nhận có rất nhiều người từ các đơn vị đến. Một số khu vực còn xảy ra tình trạng tập trung đông đúc, không đảm bảo giãn cách.

"Tâm lý anti-vaccine là điều khủng khiếp nhất"

Đó là chia sẻ của một nhân viên trong đội tiêm vaccine Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Tình huống này cũng xảy ra tại các điểm tiêm do Bệnh viện Nhi đồng 2 phụ trách: Sở Y tế TP.HCM cùng các bệnh viện chuẩn bị gấp rút, nhân viên sẵn sàng, thiết bị, vaccine có sẵn nhưng không nhiều người đến tiêm.

Một đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng cho biết tình trạng vắng người đến tiêm vaccine tại các địa điểm tổ chức tiêm chủng đã xảy ra, mặc dù trước đó, công tác chuẩn bị của Sở Y tế TP.HCM và bệnh viện đã thực hiện kịp thời.

chien dich tiem vaccine Covid-19 tai TP.HCM anh 4

Nhân viên tại công ty thuộc Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) được tư vấn sàng lọc trước khi tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Chí Hùng.

"Các đơn vị đã được Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo trực tiếp các công việc cần làm trước khi có văn bản chính thức. Với các cơ sở y tế, việc huy động nhân sự không khó, nhân viên y tế cũng luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, hôm 22/6, tổ tiêm của bệnh viện đã xuất phát từ 6h30 và có mặt tại điểm tiêm khoảng 7h, nhưng đến 9h vẫn chưa có ai đến tiêm", nhân viên này nói thêm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định nguyên nhân đầu tiên là việc tuyên truyền cho người dân các thông tin cần biết và công tác vận động người trong danh sách ưu tiên tiêm chủng tại địa phương.

Bên cạnh đó, một lý do khách quan hiện nay là các lực lượng thuộc diện ưu tiên tiêm chủng tại TP.HCM phải tỏa ra nhiều "trận địa" để phòng, chống dịch, bao gồm nhân sự truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly tập trung...

Ngoài ra, nguyên nhân phổ biến khác là công tác sàng lọc trước tiêm quá mức. Điều này khiến cho số người không được tiêm cũng tăng.

"Đội ngũ y tế sàng lọc quá thận trọng là tình trạng có xảy ra hiện nay. Nhiều người bị bệnh nhẹ, vẫn đạt yêu cầu nhưng cũng phải hoãn tiêm. Thực tế, chúng ta có thể tiêm vaccine cho người có bệnh nền được nếu bệnh đã được kiểm soát", bác sĩ Khanh nói.

chien dich tiem vaccine Covid-19 tai TP.HCM anh 5

Người dân được theo dõi sức khỏe sau khi tiêm vaccine tại một điểm tiêm chủng ở quận 8: Duy Hiệu.

Chuyên gia này phân tích người có bệnh nền nên tiêm vaccine. Bởi trường hợp này nếu mắc Covid-19 rất dễ gặp biến chứng nặng. Ngoài ra, thuốc không ảnh hưởng vaccine, vì vậy, người được tiêm vẫn có thể uống thuốc bình thường. Vaccine cũng không làm tăng nặng hay ảnh hưởng bệnh nền.

"Tâm lý anti-vaccine là điều khủng khiếp nhất. Tuy nhiên, trong mỗi đợt dịch bệnh, trào lưu này lại bùng dậy, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân", ông nói thêm.

Ngoài ra, chuyên gia này cho biết việc chọn lọc thông tin liên quan vaccine truyền thông cũng cần được chấn chỉnh lại. Những thông tin tiêu cực, gây hoang mang cũng tạo tâm lý không nhỏ đến người được ưu tiên tiêm vaccine, từ đó ảnh hưởng chiến dịch tiêm chủng của cả nước.

"Việt Nam phải có ít nhất phải có 70% người dân được tiêm vaccine Covid-19 thì mới có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Chỉ khi nào được tiêm vaccine và đạt miễn dịch cộng đồng, chúng ta mới có thể ngủ yên trước hàng loạt thông tin phong tỏa, chỉ có vaccine mới sống hòa bình với Covid-19. Vaccine cũng là con đường duy nhất để chúng ta sống chung và từng bước đẩy lùi đại dịch Covid-19", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Ngày 20/5, Bộ Y tế phân bố 70.000 liều vaccine phòng Covid-19 đợt 3 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, các bệnh viện, các đơn vị trên địa bàn thành phố 4.500 liều.

Ngày 18/6, Bộ Y tế tiếp tục có Công văn số 4925 về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 17/6, trong đợt phân bổ vaccine lần 5, Bộ Y tế ưu tiên cho TP.HCM 786.000 liều và các viện, bệnh viện, đơn vị trên địa bản thành phố 10.370 liều để triển khai phòng, chống dịch. Tổng số liều vaccine được phân bố hai đợt là 870.870 liều.

Tuy nhiên đến nay, theo báo cáo nhanh kết quả tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 hàng ngày của Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), TP.HCM mới triển khai tiêm được hơn 50.000 liều (khoảng 69% số vaccine được phân bổ đợt 3 và 6% số vaccine được phân bố của cả 2 đợt).

Bộ Y tế đề nghị TP.HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tăng tốc độ triển khai tiêm chủng ngay số vaccine đã được cấp.

Chiến dịch thần tốc tiêm vaccine Covid-19 tại TP.HCM

“Chưa bao giờ, tất cả lực lượng y tế cùng ra quân đồng loạt, đồng lòng thực hiện một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử như thế”, một bác sĩ ở TP.HCM chia sẻ.

Dịch Covid-19

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm