Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc thích ăn tối với người lạ. Ảnh: Work Later, Drink Now/Tving. |
Lee Ji Wan (23 tuổi, nhân viên văn phòng) rất thích tổ chức những bữa tiệc mà anh gọi là "tiệc giao tiếp".
Kể từ tháng 8/2022, Lee đã tổ chức 6 bữa tiệc cho 50-60 người hoàn toàn xa lạ ở Gangnam và khu vực lân cận tại Seoul. Trong bữa tiệc, mọi người trò chuyện, tìm hiểu về nhau trong khi ăn uống, theo The Hankyoreh.
"Điều tuyệt vời nhất là bạn có thể được nghe về nhiều trải nghiệm khác nhau của mọi người trong khi kể về sở thích, công việc của mình với những người không có định kiến nào về bạn", Lee nói.
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người Hàn Quốc ở độ tuổi 20, 30 bắt đầu tham gia các bữa tiệc tối, cuộc gặp mặt xã hội với những người không quen biết. Thông qua các cuộc trò chuyện, những người tham dự hy vọng có thể mở rộng các kỹ năng cá nhân đồng thời có khoảng thời gian vui vẻ.
"Đi chơi ăn uống với bạn bè thân thì cũng vui, nhưng gặp gỡ những người không có thiên kiến hay định kiến gì về tôi là cơ hội tốt để có nhiều cuộc trò chuyện hơn", Lee (24 tuổi), một trong số khoảng 200 người tham dự tiệc tối dịp Giáng sinh năm ngoái, cho biết.
Mọi người cùng ăn tối, trò chuyện tại bữa tiệc cho Lee Ji Wan tổ chức vào ngày 23/12/2022. Ảnh: Lee Ji Wan. |
Fidelio, công ty tổ chức các bữa tiệc dạng này, từng làm việc với hơn 2.000 khách hàng trẻ kể từ tháng 12/2021.
"Khách của chúng tôi trò chuyện mà không tiết lộ công việc, tuổi tác hoặc nền tảng xã hội của mình. Điều đó cho phép họ khám phá ra một khía cạnh khác của bản thân, có cơ hội nghe những nhận xét mới mẻ về mình", Park Won-sang (29 tuổi), chủ tịch công ty, cho biết.
Một số người còn coi việc gặp gỡ những người mới là một cách để giúp cải thiện bản thân.
"Bản thân việc giao lưu cũng đã thú vị, song nhiều người tham gia các bữa tiệc này còn tận dụng cơ hội để thu thập thông tin với mục đích tìm việc làm mới", Lee Ji Wan nói.
Một số nhà phân tích coi xu hướng này thể hiện việc người trẻ theo đuổi niềm vui và mong muốn sống một cuộc sống hết mình.
"Trải nghiệm giao tiếp với những người ngẫu nhiên trên mạng đã giúp thế hệ trẻ quen với việc hình thành các mối quan hệ dựa trên sở thích thay vì sự kết nối qua học tập, quan hệ huyết thống hoặc khu vực sinh sống. Họ coi việc gặp gỡ những người mới vừa là niềm vui vừa là một kiểu thành công cá nhân", Choi Set-byol, giáo sư xã hội học tại Đại học nữ Ewha, cho biết.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.