T
ròn một tháng tổ chức, Tết với con gái chính thức khép lại với gần 600 bài dự thi của độc giả trên cả nước. Mỗi bài dự thi là một câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ khác nhau. Không chỉ chia sẻ những niềm vui, háo hức, nhiều thí sinh còn bày tỏ, kể lại các câu chuyện cảm động khiến người đọc nghẹn ngào.
"Đọc nhiều câu chuyện, tôi như được 'sống lại' một lần nữa với không khí ngày Tết. Không ít bài dự thi thể hiện cảm xúc, nỗi nhớ của tác giả khiến người đọc xúc động", bà Trần Hồng Loan - một trong 3 giám khảo chấm giải - cho biết.
Giao thừa ám ảnh của nữ sinh trường y
Tết đặc biệt của Nguyễn Thị Thanh Thảo được đánh giá là bài dự thi dạng viết hay nhất, thể hiện đúng tiêu chí cuộc thi. Tác phẩm này cũng nhận được nhiều lời khen ngợi từ 3 thành viên của ban giám khảo Tết với con gái và là chủ nhân giải nhất bài thi viết của Tết với con gái.
Bài viết là câu chuyện của nữ sinh trường y thực tập kể lại giao thừa ám ảnh trong đêm trực Tết. Thay vì được vui cười, háo hức chờ đợi giây phút chuyển giao sang năm mới, cô lại chứng khiến những giọt nước mắt, vẻ mặt buồn tủi cùng nỗi đau đớn, thất vọng của các bệnh nhân trong bệnh viện.
Từng ca cấp cứu liên hồi, mỗi bệnh nhân lại có những hoàn cảnh, bệnh lý khác nhau. Có nhiều người làm thủ thuật nhanh rồi xin về sớm để kịp đón giao thừa với gia đình. Có những bệnh nhân đến giao thừa vẫn nằm trên bàn thủ thuật, mang theo hy vọng sẽ giữ được đứa con bé bỏng của mình.
"... 23h45, một bệnh nhân mới vào, sẩy thai, 25 tuần. Một phụ nữ 38 tuổi, lần mang thai thứ 4, lần sinh đầu phải dùng forcep, lần thứ 2 mổ đẻ, lần thứ 3 sinh non cách đây 4 năm con sinh được 2 ngày thì mất... Cứ thế, từng tiếng còi xe rú liên hồi, từng vẻ mặt buồn bã, bất lực vì chẳng thể làm gì hơn...".
Tết đặc biệt là một trong những bài viết xúc động và nhận được nhiều lời khen từ ban giám khảo. |
Thanh Thảo trải lòng về những ám ảnh trong ca trực đêm Tết. Thí sinh này kể bản thân thích nhìn, ngắm khoảnh khắc em bé chào đời trong niềm hạnh phúc của cha mẹ, "đó là khoảnh khắc rất thiêng liêng".
Nhưng mọi thứ đã trái ngược hẳn với hình dung, khi nữ sinh chứng kiến cảnh em bé còn đỏ hỏn, mong manh, yếu ớt với sinh mệnh của mình.
"Em bé chỉ khoảng chừng 500 g, đôi tay nhỏ xíu, chới với, sự sống thật sự xa quá…", Thảo kể.
Nữ sinh cho rằng chưa bao giờ cảm thấy bản thân bất lực như lúc này. Trong lòng cô trào lên nỗi đau đớn khó tả khi trước mặt mình là một sinh linh bé bỏng đang cố gắng để có được sự sống. Những cảm xúc của Thảo dường như đốt cháy trái tim mỗi người khi đọc bài viết.
Với chính tác giả, nhiều lần cũng bật khóc khi nghĩ về ánh mắt, vẻ mặt của các bệnh nhân trong khi viết bài dự thi.
"Khi kể lại câu chuyện, đôi lúc tôi vẫn không thể cầm nổi những giọt nước mắt vì những hình ảnh các bệnh nhân trong đêm giao thừa đó hiện lên trước mắt", Thanh Thảo chia sẻ thêm.
Ăn Tết cùng bố ung thư giai đoạn cuối
"26 Tết là ngày giỗ ông nội, bố đã mong được ra viện để được tham gia cùng mọi người cúng giỗ ông, thế rồi cuối cùng tình hình sức khỏe bố không ổn định, bác sĩ bảo khả năng phải truyền hóa chất thêm.
Nếu ổn định thì bố sẽ được về nhà ăn Tết. Con gái muốn bố có thêm một năm ăn Tết ấm cúng, vui vẻ, nên dù mẹ đã nói năm nay bố ốm không bày vẽ ra làm gì nhưng sau khi giỗ ông, con gái cùng cả nhà bắt tay vào việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa...".
Những dòng chia sẻ đầy cảm xúc của cô con gái lấy chồng xa khi nói về người cha kính yêu trong bài dự thi Đón giao thừa nhà ngoại khiến không ít bạn đọc nghẹn ngào. Đối với chị, Tết vừa qua không đơn thuần là khoảng thời gian cả gia đình cùng nhau dọn dẹp, nấu cỗ mà ý nghĩa hơn khi cả nhà đón cha từ bệnh viện sau đợt điều trị ung thư giai đoạn cuối.
Chị giãi bày cảm xúc vui mừng khi biết tin bố có thể ra viện để về nhà đón Tết. Mọi thành viên trong gia đình hào hứng bắt tay vào dọn dẹp, trang trí nhà cửa cho sạch, đẹp, ngăn nắp từ trong nhà ra ngoài ngõ.
Những dòng cảm xúc trong bài dự thi Đón giao thừa nhà ngoại khiến bạn đọc nghẹn ngào. |
Nhớ những ngày chưa lấy chồng, chị từng thu dọn những đồ vật cũ, bộ quần áo lao động đã sờn và các vật dụng không có giá trị để vứt đi nhưng bố chị muốn để lại tận dụng làm nhiều việc khác. Từ giờ, bố đã yếu, có lẽ những vật dụng này sẽ không dùng đến nữa.
Ngày bố chị ra viện, cả nhà được quây quần bên mâm cơm làm vội vì bận tiếp các cô, dì, chú bác đến thăm.
"Bưng bát cơm sau hơn 2 tháng ăn ở viện, nhìn cảnh bố mẹ mắt dưng dưng lệ mà thương. Sau tất cả vẫn là nụ cười hạnh phúc trên gương mặt bố khi thấy sự chuẩn bị của con gái".
Bữa cơm tất niên đạm bạc nhưng đầy ắp tình thương và hạnh phúc. Cả nhà chị cùng trao cho nhau những ánh mắt yêu thương, lời chúc tốt đẹp, lì xì đầu năm mới thêm may mắn. Sự vui vẻ, hân hoan, rạng rỡ hiện lên rõ trong nét mặt từng người như chưa từng nhận tin bố mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.
"Đã 8 năm rồi kể từ khi con gái lấy chồng, bố mẹ và con gái mới lại có khoảnh khắc đón giao thừa bên nhau... Đối với con, đó là quãng thời gian ý nghĩa nhất của cuộc đời", thí sinh này bày tỏ.
Nỗi buồn của người con xa xứ
Những dòng tâm sự về nỗi nhớ nhà da diết của Nguyễn Thị Thanh, một người con xa xứ, khi Tết đến trong bài dự thi Tết - trưởng thành và hy sinh cũng khiến nhiều bạn đọc không cầm được nước mắt.
"Nay là đêm mồng một Tết, tôi đang ngồi trong một góc nào đó dưới trời Âu và nhớ về căn nhà nhỏ nơi quê Việt, ở đó có mẹ cùng những ký ức đậm đà vị Tết mà không bao giờ tôi quên được", chị viết.
Chị nhớ lại khoảng thời gian gia đình khó khăn. Bố thì tàn tật không thể đi lại, một bên mắt của mẹ cũng không thể nhìn rõ ánh sáng. 17 năm đầu đời, chị chưa từng biết cảm giác có quần áo, giày dép mới diện Tết nhưng niềm vui luôn ngập đầy khi được đi sắm đồ cùng mẹ, dọn dẹp với bố.
Bày tỏ nỗi nhớ mẹ, gia đình, quê hương da diết trong dịp Tết đến, bài dự thi của Nguyễn Thị Thanh cũng khiến người đọc xúc động. |
"Năm tôi 18, căn bệnh ác tính đột ngột đến và đưa bố rời xa mẹ con tôi, cái Tết năm ấy ở nhà tôi lặng yên lắm. Vẫn được nghỉ Tết, vẫn có bánh chưng nhưng nhà chỉ còn 2 người phụ nữ. Từ đó, tôi bắt đầu lớn hơn, biết làm nhiều việc hơn để giúp mẹ, hầu như những việc trước đây là phần của bố tôi đều cố gắng làm hết, vì gánh của mẹ đã quá nặng rồi", chị kể.
Thời gian trôi, chị đi du học để theo đuổi ước mơ của riêng mình. Cuộc sống bắt đầu thay đổi, nhiều lý do khiến chị không thể về bên mẹ vào những ngày đón năm mới. Dù vẫn cùng bạn bè đi chợ, nấu bánh chưng, vui chơi ngày Tết, chị vẫn luôn cảm thấy trống trải, cô đơn và nỗi nhớ mẹ lại trở nên da diết hơn.
"Sáng nay lên Facebook, thấy bạn bè đăng hình du xuân cùng gia đình mà tôi nghẹn ngào, nước mắt cũng chực tuôn ra. Nghĩ lại suốt những năm tháng qua, 2 mẹ con chưa bao giờ được làm những điều như thế… Những suy nghĩ ấy cứ liên tục chạy trong đầu tôi, khiến 2 hàng nước mắt lăn trên má lúc nào không hay", thí sinh Nguyễn Thị Thanh bày tỏ.
Nỗi nhớ mẹ da diết trong đêm giao thừa
Thể hiện nỗi nhớ mẹ mỗi dịp xuân về, bài viết Giao thừa vắng mẹ của Hà Thị Hải Yến được đánh giá là một trong những câu chuyện khiến người đọc xúc động nhất.
"Mẹ! Một đời lam lũ vất vả vì chúng con. Cứ tưởng chúng con sắp ra trường là mẹ sẽ được an nhàn nào ngờ lúc đó thì chồng lại bội bạc và cùng lúc đó mẹ phát hiện mình bị căn bệnh ung thư tủy xương giai đoạn cuối", thí sinh này chia sẻ.
Với nhiều người, giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong năm, cũng là thời điểm mọi thành viên quây quần và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất khi sang năm mới. Nhưng đó lại là giây phút đau lòng nhất mà chị không thể nào quên.
Giao thừa vắng mẹ của Hà Thị Hải Yến là một trong những bài viết cảm động về Tết. |
"Giao thừa, mọi người nô nức hát mừng, pháo hoa sáng rực thì con mất mẹ. Chỉ có 2 đứa trẻ luống cuống trên viện với mẹ. Nhưng có lẽ với mẹ chỉ cần có các con bên mẹ giây phút cuối đời là đủ rồi phải không mẹ?", chị trải lòng.
Nhớ lại thời gian trước đây, việc đi chợ, gói bánh, xem Táo quân, đón giao thừa đều được ở cạnh mẹ. Vậy mà 3 năm trở lại đây, mọi thứ chỉ còn trong ký ức. Tết đến, chị cũng không còn háo hức, vui vẻ nữa, thay vào đó là cảm thấy chạnh lòng, buồn tủi.
"Giờ con đã lấy chồng, có con gái đầu lòng, mẹ có cháu ngoại rồi đó. Nhưng bà chẳng thể được ôm cháu vào lòng. Gia đình mình chẳng thể có một cái Tết đoàn viên trọn vẹn. Nhưng con vẫn tin ở đâu đó mẹ lúc nào cũng dõi theo chúng con phải không mẹ?", Hải Yến viết.
Mỗi bài dự thi lại mang một câu chuyện, cảm xúc khác nhau về Tết. Tuy nhiên, tất cả đều khiến bạn đọc nghẹn ngào, suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc sống. Đó cũng chính là một loại gia vị để Tết 2018 được trọn vẹn, ý nghĩa hơn!
Cuộc thi Tết với con gái diễn ra từ 25/1 đến hết 8/3 do Zing.vn tổ chức, cùng sự đồng hành của nhãn hàng Diana. Từ 29/1 đến hết 1/3, cuộc thi đã nhận được 611 bài dự thi với 577 bài thi hợp lệ và được đăng trên trang.
Ngày 27/4, lễ trao giải cuộc thi đã diễn ra, 5 thí sinh có bài dự thi xuất sắc nhận được tổng các giải thưởng có giá trị 100 triệu đồng.