Học đêm trên lớp
Theo thầy Nguyễn Đậu Trương - Hiệu trưởng - nhà trường tổ chức cho học sinh tự học bài từ 19-20h30, có sự giám sát chặt chẽ của thầy cô giáo, tuyệt đối không để hiện tượng nói chuyện, làm việc riêng.
Sau khi ra chơi 15 phút, học sinh sẽ vào học nhóm, thảo luận khoảng 30 phút. Trong thời gian này, nhà trường giao trách nhiệm cho giáo viên đến động viên, hướng dẫn.
Từ 21h15-22h30, học sinh trở về vị trí của mình để tự học, tự nghiên cứu bài vở. Đối với khối 12 nhà trường cho các em có nguyện vọng học tập thêm thời gian.
“Trường PT DTNT THPT số 2 Nghệ An bắt đầu tuyển sinh, tổ chức dạy và học từ năm 2012. Học sinh ăn ở, học tập trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, đặc biệt, chất lượng đầu vào quá thấp (hầu hết đều là con em dân tộc ở vùng đặc biệt khó khăn của các huyện miền núi cao), khả năng tiếp thu của học sinh còn nhiều hạn chế.
Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục là câu hỏi lớn mà nhà trường luôn băn khoăn, trăn trở” – thầy Nguyễn Đậu Trương tâm sự.
Học sinh trường PTDTNT THPT số 2 Nghệ An múa hát chào mừng năm học 2013-2014. |
Ngoài cách làm này, để nâng cao chất lượng dạy học, thầy Nguyễn Đậu Trương cho biết, nhà trường còn thực hiện phân loại đối tượng học sinh ngay từ đầu năm học, bằng cách tổ chức thi khảo sát các môn, đăng ký nguyện vọng học theo khối thi.
Dựa vào kết quả đó, trường tư vấn và động viên, sắp xếp học sinh theo các lớp phù hợp với năng lực; chú trọng bố trí các giáo viên năng lực tốt vào dạy các lớp định hướng để nâng cao chất lượng mũi nhọn; phân công cụ thể giáo viên lên kế hoạch và tổ chức dạy học theo năng lực và nguyện vọng của học sinh.
Tổ chức hội thảo dạy học
Bên cạnh đó, nắm bắt được đặc thù riêng của học sinh DTNT, vào dịp đầu năm học nhà trường tổ chức hội thảo dạy học đúng đối tượng cho học sinh.
Tại diễn đàn này các thầy cô giáo có kinh nghiệm tiếp xúc, dạy học với học sinh dân tộc trao đổi về cách dạy học của mình. Thảo luận phương pháp dạy hiệu quả cho học sinh DTNT đối với từng môn học.
Trong chỉ đạo giảng dạy, nhà trường chú ý giải pháp đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới kiểm tra đánh giá và tăng cường quản lý đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.
Việc đổi mới phương pháp được chú trọng thông qua các tổ nhóm thường xuyên sinh hoạt để thảo luận, bàn bạc cải tiến phương pháp soạn giáo án, giảng bài, phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo phù hợp với từng môn học.
Mặt khác, nhà trường tập trung hướng dẫn học sinh các bước tiến hành tự học, trong đó chú trọng xây dựng kế hoạch tự học, phương pháp tự nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị bài trước khi đến lớp... Từ đó, tạo không khí thi đua lành mạnh trong học tập giữa các học sinh, các lớp trong trường.
Thầy Nguyễn Đậu Trương nhấn mạnh: Nhưng quan trọng hơn hết giáo viên phải xác định được trong đổi mới dạy học hiện nay.
Cụ thể, trong dạy học, thầy cô giáo phải khơi gợi được niềm đam mê, hứng thú học tập của học sinh; không tạo áp lực bài vở; không dạy học nhồi nhét kiến thức để học sinh vượt qua kì thi.
Giáo viên phải xác định được rằng: Người thầy giáo tồi là người thầy giáo mang kiến thức đến cho học sinh, người thầy giáo giỏi là người thầy giáo hướng dẫn, dẫn dắt học sinh đi tìm kiếm thức. Mà dẫn dắt học sinh đi tìm kiến thức tức là giúp cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu.
Tổ chức câu lạc bộ hướng dẫn học sinh tự học
Thầy Nguyễn Đậu Trương cho biết, học sinh mới vào trường hầu như chưa biết cách tự học hiệu quả, còn mang nặng kiểu học máy móc.
Nguyên nhân chính là do cách dạy học ở lớp dưới chưa chú trọng vào phát triển năng lực tự học của học sinh, phần lớn giáo viên còn dạy học một chiều, chưa thực sự đổi mới trong dạy học.
Xác định được vấn đề then chốt đó của học sinh khối 10, nhà trường đã tổ chức câu lạc bộ hướng dẫn học sinh tự học, với 2 môn học trong mỗi tuần.
Theo đó, giáo viên chọn học sinh khối 11, 12 có khả năng tự học tốt nhất, có thành tích nổi bật lên báo cáo tham luận về phương pháp học tập;
Giáo viên bộ môn lên báo cáo, hướng dẫn học sinh cách học ở trên lớp, cách tự học, tự nghiên cứu theo đặc thù riêng của môn học;
Cho học sinh thảo luận, nêu lên những khó khăn, vương mắc trong quá trình học tập ở trường từ đầu năm học đến nay; giáo viên trả lời, tháo gỡ những khó khăn trên cho học sinh.
Mỗi đợt tổ chức như vậy, học sinh rất hứng thú và tự tin hơn trong học tập. Mỗi buổi tự học không còn hiện tượng đối phó, ngồi chơi trên lớp nữa, hầu hết các em hăng say học tập hơn.
Lấy ý kiến “trò mong gì ở thầy cô”
Việc này đã được trường PTDTNT THPT số 2 áp dụng và hiệu quả vô cùng rõ rệt. Qua việc lấy ý kiến đó, Ban giám hiệu nắm bắt được nguyện vọng chính đáng của học sinh về học tập để rồi trao đổi với giáo viên tìm ra cách dạy, cách tiếp cận học sinh trong dạy học tốt hơn.
Nhiều học sinh thổ lộ: Em mong muốn thầy cô phải là người hiểu tâm lý học sinh; trình bày bài giảng ngắn gọn, súc tích để bài học dễ đi sâu vào trí nhớ, không tốn nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn hiệu quả.
Một số em thì cho biết chấp nhận thầy cô giáo khó tính, nhưng đừng cáu gắt, tạo không khí nặng nề, làm học sinh sợ đến mức chán môn học. 100% học sinh mong mỏi thầy cô vừa dạy hay vừa vui tính …
Nắm bắt tâm lý học sinh, nhà trường đều triển khai họp chuyên môn để trao đổi với giáo viên, qua đó tìm được cách giáo dục tốt nhất.
"Những giải pháp tích cực của trường PT DTNT THPT số 2 thực hiện đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học.
Năm học 2012-2013, tuy là năm học đầu tiên trong điều kiện khó khăn nhưng chất lượng giáo dục của trường đạt cao với 34 học sinh học lực giỏi, đạt tỷ lệ 22,4%; loại khá có 117 em, đạt tỷ lệ 77%; loại trung bình chỉ có duy nhất học sinh, không có loại yếu, kém…
Năm học 2013-2014, trường có 23% học sinh loại giỏi, 76% học sinh loại khá, 99,8% học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt; kết quả thi học sinh giỏi tỉnh có 14 em đạt giải, đứng thứ 9 bảng A trong toàn tỉnh" - thầy Nguyễn Đậu Trương chia sẻ.