Chiến dịch được đánh giá là một hành động thiết thực của ngành y tế Việt Nam nhằ chung tay xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh.
Từ hạn chế, khó khăn bủa vây…
Hiện nay, viêm gan siêu vi C (VGSV C) là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây viêm gan mãn tính, đồng thời là nguyên nhân thứ 2 sau viêm gan siêu vi B gây ung thư gan. Ước tính số lượng người mắc bệnh viêm gan siêu vi C tại nước ta hiện nay trong khoảng 3-4,5 triệu người.
Ở TP.HCM, tỷ lệ nhiễm khá cao, vào khoảng 3,2-4,2%, trong đó tỷ lệ dẫn đến xơ gan là 3,3% và ung thư gan lên đến 4%. Tuy nhiên, công tác phòng, chống bệnh viêm gan vi rút tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như chưa có những kế hoạch đặc thù và dài hạn, chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc giám sát bệnh, chưa phản ánh đúng tình trạng mắc viêm gan thực tế tại cộng đồng.
Trên thực tế, một trong những yếu tố mang đến nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhất chính là nhận thức của người dân về bệnh chưa cao. Ngay tại các thành phố lớn, tình trạng bệnh nhân viêm gan siêu vi C bỏ dở điều trị thường xuyên xảy ra.
Bác sĩ Lưu Phương, Phó Trưởng khoa Gan Mật - Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM chia sẻ: “Người bệnh bỏ dở điều trị vì không cảm thấy bệnh ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày, do biến chứng chưa bộc phát. Thành ra, có bệnh nhân từ bỏ việc điều trị, sau 10 năm, quay lại khám tổng quát định kỳ thì phát hiện bị khối u gan”.
Điều này cũng cho thấy các biện pháp tuyên truyền chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chưa tiếp cận được đến với những người dân, đặc biệt là dân ở vùng sâu vùng xa trên cả nước.
Người dân hiện nay chưa có ý thức cao về bệnh VGSV C cũng như tầm quan trọng của việc tầm soát, khám chữa bệnh theo phác đồ của bác sĩ. |
…đến nỗ lực của các ban ngành
Trước những thách thức này, vào ngày 5/3/2015, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (USCDC) và các cơ quan, tổ chức liên quan đã xây dựng và ban hành “Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015-2019” để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của công tác phòng chống bệnh viêm gan virus.
Kế hoạch tập trung hỗ trợ bệnh nhân viêm gan virus trong việc tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ chẩn đoán, chăn sóc và điều trị, đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế các tuyến, đẩy mạnh công tác giám sát, tiêm chủng mở rộng.
Theo đó, trong 2 năm qua, Bộ Y tế đã thông qua các phác đồ điều trị sử dụng các loại thuốc mới với nhiều ưu điểm dành cho bệnh nhân viêm gan siêu vi C. So với các phác đồ điều trị cũ sử dụng các thuốc dạng tiêm, phác đồ mới sử dụng thuốc dạng uống không gây đau đớn cho bệnh nhân, đáp ứng miễn dịch và tỷ lệ khỏi bệnh lên đến 99%.
Thuốc này cũng giảm thiểu các tác dụng phụ, rút ngắn thời gian điều trị từ một năm xuống còn 3 tháng, chi phí rẻ hơn, giúp giảm tải gánh nặng tài chính đặc biệt là đối với các bệnh nhân nghèo. Điều này thực sự đã tạo nên một cuộc cách mạng trong việc điều trị viêm gan siêu vi C.
Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trên khắp cả nước cũng được đẩy mạnh với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể các cấp, chính quyền các địa phương. Trong đó, các hoạt động vì sức khỏe cộng đồng như chiến dịch “Yêu lá gan của bạn" do Hội Gan Mật Việt Nam tổ chức vào tháng 7 thực sự mang lại hiệu quả trong việc đưa thông tin về bệnh viêm gan C tới người dân, đặc biệt với những người ít theo dõi tin tức trên báo đài.
Thông qua các hoạt động vì sức khỏe trong khuôn khổ chương trình, với sự tham gia tư vấn của các bác sĩ, người dân đã được trang bị thêm kiến thức về bệnh viêm gan siêu vi C, từ đó chủ động tầm soát, xét nghiệm và chữa trị theo đúng phác đồ của bác sĩ.
Chương trình sức khỏe cộng đồng “Yêu lá gan của bạn” giúp người dân tiếp cận thông tin và kiến thức về bệnh VGSV C. |
Tuy nhiên đến nay, những chương trình nâng cao nhận thức với các hoạt động xã hội hỗ trợ cho bệnh nhân viêm gan nói chung và bệnh VGSV C nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Vì thế, bên cạnh việc mang đến các phác đồ điều trị hiệu quả và hỗ trợ chi phí cho bệnh nhân, Bộ Y tế cần tổ chức nhiều hơn nữa những chiến dịch như chiến dịch “Yêu lá gan của bạn".
Những hoạt động sức khỏe cộng đồng mang đến cho người dân hiểu biết để nâng cao nhận thức về bệnh, từ đó đẩy mạnh hiệu quả việc phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhất là với những người vùng sâu vùng xa.