Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cô gái bị hủy hoại sức khỏe vì thuốc giảm cân ở Trung Quốc

Nỗi "ám ảnh phải gầy" khiến nhiều người tìm đến thuốc và thực phẩm giảm cân bán tràn lan trên mạng, cuối cùng phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng về cả thể chất lẫn tinh thần.

Trò chuyện trước phóng viên, Chen Lu (36 tuổi) trông mệt mỏi và già hơn tuổi thật rất nhiều, với mắt thâm quầng và làn da đen sạm.

Hai năm trước, cô đã mua và sử dụng một loại thuốc giảm cân trên mạng. Chen giảm được 15 kg trong 2 tuần, song cơ thể xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường. Sau khi ngưng dùng thuốc, cô tăng thêm tới 45 kg và mắc chứng rụng tóc nặng.

Cô lấy thuốc mình dùng đi kiểm tra và phát hiện trong đó chứa sibutramine - một chất ức chế thèm ăn bị cấm ở nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc.

Theo The Paper, Chen Lu không phải người duy nhất chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các loại thuốc giảm cân bán tràn lan trên mạng xã hội. Khi "gầy" đã trở thành một nỗi ám ảnh tại đất nước tỷ dân, nhiều người giống Chen bị thu hút bởi các loại thuốc và thực phẩm ăn kiêng không rõ nguồn gốc, cuối cùng bị hủy hoại cả thể chất lẫn tinh thần.

thuoc giam can doc hai anh 1

Nhiều người tìm đến thuốc và thực phẩm giảm cân mà không biết sự nguy hại phía sau.

Nạn nhân

Không khó để bắt gặp những quảng cáo tràn lan trên mạng như: "Uống trà giảm béo XX, tôi đã giảm được 16 kg trong một tháng và không tăng cân lại trong vòng 3 tháng", "Thuốc giảm cân theo toa, xách tay từ Hàn Quốc, không cần ăn kiêng, không tác dụng phụ và giảm cân dễ dàng"...

Cô Li (người Hà Nam) đã nhìn thấy một quảng cáo thuốc giảm cân với nội dung tương tự. Theo đó, thuốc được giới thiệu là "do bệnh viện y học cổ truyền Trung Quốc phát triển, chỉ cần uống một viên vào buổi sáng và một viên buổi tối, cân nặng sẽ giảm khi bạn đi ngủ".

Bị hấp dẫn bởi những lời quảng cáo "có cánh", Li đã mua và sử dụng loại thuốc này. Tuy nhiên, dùng được ít ngày, cô đã bị mất ngủ và đau đầu suốt một tuần và phải ngưng sử dụng.

thuoc giam can doc hai anh 2

Thuốc giảm cân chứa chất ức chế thèm ăn bị cấm, gây hại cho sức khỏe người dùng.

Zhang Jun, sống tại quận Dongcheng, thành phố Bắc Kinh, đã bị lừa khi mua một sản phẩm có tên là "kẹo ăn kiêng của Thái Lan".

Sau khi uống, ban đầu cô có biểu hiện rất khát nước và liên tục đi vệ sinh, sau đó là chán ăn, nhịn cả ngày không thấy đói và kèm theo các triệu chứng của thiếu máu.

"Tệ nhất, chỉ cần cúi thấp đầu rồi ngẩng lên, tôi liền cảm thấy hoa mắt, chóng mặt. Tôi phải ngừng uống ngay vì quá sợ hãi".

Tháng 1/2021, Sun Qiaolu, nữ diễn viên sinh năm 1995, chết vì nhồi máu cơ tim cấp tính.

Trong đoạn video trước khi qua đời, cô kể lại trải nghiệm uống thử 50 loại thuốc ăn kiêng. Trong đó, hầu hết hoạt chất của thuốc ăn kiêng là thuốc nhuận tràng, có tác dụng phụ đối với cơ thể, không chỉ gây giảm trí nhớ, nóng nảy mà còn ảnh hưởng đến thận, rối loạn chức năng, ảnh hưởng nhịp tim và các chức năng khác của cơ thể.

Ngành siêu lợi nhuận

Theo Zhou Yanjun, một blogger đã có nhiều năm tiếp xúc với ngành công nghiệp thuốc giảm cân, việc tiếp thị trực tuyến các loại thuốc này đi theo một mô hình cố định. Các nhóm lợi ích đứng sau mời các blogger, hot girl, người nổi tiếng để quảng cáo.

thuoc giam can doc hai anh 3

Các loại thuốc giảm cân được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội Trung Quốc.

Các loại thuốc và thực phẩm giảm cân trên thị trường có thể được chia thành thuốc ức chế thèm ăn, thuốc kích thích tố, thuốc hạ đường huyết biguanide, thuốc ức chế men tiêu hóa, thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng, chiết xuất thực phẩm...

"Để nhanh chóng đạt được mục đích giảm cân, một số loại thuốc đã được bổ sung thêm các thành phần bị cấm như sibutramine và ephedrine. Người sử dụng lâu dễ gặp các vấn đề như nhịp tim nhanh, mất ngủ, phản ứng có hại cho đường tiêu hóa, tổn thương gan, thận và rối loạn hệ nội tiết", Zhou nói.

Zhou đã tìm hiểu và được biết lợi nhuận của thuốc giảm cân khá cao, nhiều loại thuốc bán với giá hàng trăm nhân dân tệ có giá thành thực tế chưa đến 50 tệ.

Năm 2019, muốn gia nhập ngành kinh doanh này, Zhou bắt đầu liên hệ trực tiếp với các nhà sản xuất thuốc ăn kiêng và được biết thành phần trong các loại thuốc này. Ví dụ, một loại thuốc chứa hơn một nửa là tinh bột, hoạt chất giảm cân chủ yếu là sibutramine.

"Có lần, một nhà sản xuất đã lấy ra cho tôi xem một thùng bột thuốc 7-8 kg, giá 6.000-7.000 tệ. Tôi chỉ cần có sẵn khuôn hoặc bỏ ra 20.000 nhân dân tệ để mua cả bộ khuôn là đã có thể tự sản xuất thuốc. Người ta còn hỏi tôi muốn làm kiểu sản phẩm nào, như viên nang, thạch hay kẹo".

Nhận thấy quá nhiều vấn đề trong sản xuất thuốc và thực phẩm giảm cân, Zhou đã tránh xa ngành công nghiệp này.

Kiếm tiền trên sức khỏe khách hàng

Khi tìm kiếm từ khóa "thuốc giảm cân của người nổi tiếng", phóng viên đã bắt gặp rất nhiều bài đăng và thông tin quảng cáo.

Một ngôi sao mạng cho biết để chuẩn bị cho buổi họp fan, cô đã sử dụng nước uống giảm cân mỗi ngày để có được dáng người quả lê. Dưới bài đăng, một dân mạng khác cũng nói rằng đang dùng loại nước giảm cân này.

Wang Yadong, luật sư từ Công ty Luật Zhejiang Jindao, đã xử lý nhiều vụ tranh chấp liên quan đến thuốc giảm cân và thực phẩm ăn kiêng.

thuoc giam can doc hai anh 4

Khi gầy trở thành một tiêu chuẩn của cái đẹp, càng nhiều người tìm đến thuốc giảm cân để có vóc dáng mơ ước.

Ông cho rằng có nhiều lý do dẫn đến sự lộn xộn trên thị trường thuốc giảm cân: nhu cầu thị trường quá lớn, định hướng xã hội không chính xác và các giá trị lệch lạc phía sau. Người mua nghĩ rằng thuốc giảm cân có hiệu quả, không muốn tập thể dục vất vả và thiếu kiến thức chuyên môn.

Trong cuộc phỏng vấn, nhiều người như Zhang Jun và Li đã không đặt ra những câu hỏi như chính xác thì những loại thuốc và thực phẩm giảm cân họ mua là gì trước khi quyết định sử dụng.

Tại Trung Quốc, trong những năm gần đây, "gầy" trở thành một mục tiêu theo đuổi của các tín đồ làm đẹp. Nhiều người bất chấp tìm đến các loại thuốc, thực phẩm giảm cân trái phép. Nhưng chưa giảm được cân, không ít người đã trở thành nạn nhân khi cơ thể suy nhược, gặp các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần.

Để đạt được mục tiêu giảm cân, nhiều xưởng sản xuất thuốc giảm cân tại đất nước tỷ dân cho thêm các thành phần bị cấm như sibutramine và ephedrine. Những chất này được sử dụng lâu dài sẽ gây nên các vấn đề như mất ngủ, hồi hộp, gây hại đường tiêu hóa, nội tiết, rối loạn thần kinh.

Nhiều cơ quan như Bộ y tế và cơ quan giám sát thị trường cần thiết lập và cải thiện cơ chế thực thi pháp luật chung, tăng cường giám sát và điều tra các loại thuốc và thực phẩm giảm cân bất hợp pháp, đồng thời đưa ra hình phạt nghiêm khắc đối với các quảng cáo giảm cân phóng đại và tuyên truyền sai sự thật.

Những cô gái livestream xuyên đêm trên đường phố Trung Quốc

Để thu hút người xem, không ít streamer ở Trung Quốc sẵn sàng ngồi ngoài trời cả đêm để phát trực tiếp, trò chuyện cùng dân mạng.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm