Giáo sư Nguyễn Tài Thu, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, qua đời là mất mát lớn của ngành châm cứu Việt Nam. Ông ra đi ở tuổi 91 và để lại cho thế hệ tiếp nối những thành tựu y học to lớn và công trình vang danh thế giới.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội), chia sẻ: "Không ai tránh được sinh lão bệnh tử. Thầy tuổi đã cao. Dù thầy ra đi, sự đức độ của thầy luôn là tấm gương sáng cho thế hệ sau học tập".
PGS Trần Văn Thanh cùng Zing điểm lại những công trình, thành tựu y học "để đời" của Giáo sư Nguyễn Tài Thu - thầy thuốc đức độ, cả đời dốc lòng chữa trị cứu người, mang ngành châm cứu Việt Nam rạng danh với bạn bè thế giới.
Giáo sư Nguyễn Tài Thu, bậc thầy của ngành châm cứu Việt Nam. Ảnh: VOV. |
Hai công trình vĩ đại nhất
Theo Phó giáo, tiến sĩ Trần Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội), Giáo sư Nguyễn Tài Thu đã để lại nhiều công trình vĩ đại cho thế hệ tiếp nối.
Một trong những thành tựu lớn nhất là GS Thu đã phát huy, sáng tạo, đưa phương pháp chữa bệnh truyền thống là châm cứu lên tầm cao mới. Đặc biệt, ông cũng đưa châm cứu trở thành lĩnh vực khoa học và học thuật, hiệu quả để áp dụng trên toàn quốc và phổ biến toàn thế giới.
"Thầy đã giảng dạy ở 38 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, không tỉnh, thành nào mà thầy chưa đi truyền dạy. Những thành tích, bài học từ thầy, khó ai vượt qua và làm được như thế", PGS Trần Văn Thanh chia sẻ.
Ngoài ra, học trò của GS Nguyễn Tài Thu nhấn mạnh thầy là người đặt nền móng và xây dựng Bệnh viện Châm cứu Trung ương trở thành một cơ sở y tế khang trang, hiện đại và là bệnh viện mang thương hiệu chuyên châm cứu duy nhất trên thế giới.
5 kỹ thuật rạng danh thế giới
- Châm tê
Trong kháng chiến chống Mỹ, người thanh niên Nguyễn Tài Thu khi ấy theo bước chân bộ đội đi khắp chiến trường ác liệt để cứu chữa thương bệnh binh. Đau đáu ước mong xoa dịu nỗi đau của đồng đội, ông đã nghiên cứu châm tê để mổ. "Vua châm cứu" khi ấy đã tự châm vào cơ thể mình bằng chiếc kim to, dài để tìm các huyệt đặc hiệu.
Một trong 2 tuyệt kỹ tiêu biểu trong chữa trị và giúp người bệnh xoa dịu đau đớn của bệnh tật được phát minh bởi "Thần kim" là kỹ thuật châm tê. Đây là phương pháp dùng kim châm vào một huyệt để nâng cao ngưỡng đau, giúp người bệnh có thể chịu đựng được cuộc mổ trong trạng thái tỉnh.
Châm tê được áp dụng thực hiện trên 60 loại phẫu thuật khác nhau như cắt amidal, nhổ răng hàm mọc lệch, mổ mắt, mổ ruột thừa, sỏi thận..., đạt kết quả 98,3%.
- Châm cứu để cắt cơn đói ma túy và hỗ trợ cai nghiện
Công trình nghiên cứu cai nghiện ma túy bằng châm cứu được Giáo sư Nguyễn Tài Thu phát minh và hoàn thiện trong 30 năm, được Bộ Y tế ban hành hướng dẫn áp dụng trên cả nước.
GS Nguyễn Tài Thu châm cứu cho trẻ tại Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa, Phú Yên). Ảnh: Báo Phú Yên. |
Điểm nổi bật nhất của phương pháp này là người nghiện được châm cứu trước cơn nên không trải qua đau đớn và vật vã nhiều. Một liệu trình châm cứu chỉ kéo dài 7-15 ngày tùy từng trường hợp.
Công trình của Giáo sư Nguyễn Tài Thu được giới thiệu đến khoảng 50 quốc gia. Bản thân "Thần kim" cũng lặn lội khắp các tỉnh, thành, vùng sâu, vùng xa để tiếp cận người nghiện thay vì chờ họ tìm đến cai nghiện.
- Mãng châm
Mãng châm chữa bệnh là một phương pháp châm bằng kim to, dài tới 60-90 cm để đi vào các huyệt sâu trong cơ thể, có hiệu quả cao trong chữa bệnh.
Trong cuốn "Mãng châm chữa bệnh", Giáo sư Nguyễn Tài Thu giới thiệu: Chiếc kim châm xuyên từ huyệt này sang huyệt khác trên cùng một đường kinh hoặc trên 2 đường kinh và cũng có thể châm nối tiếp từ 2 kinh này sang kinh khác (Châm Dáp kiều), nhằm mục đích điều khí nhanh và mạnh, sớm tiêu trừ bệnh tật, đưa cơ thể trở lại trạng thái âm dương thăng bằng.
Từ năm 1958, mãng châm được ứng dụng điều trị cho bệnh nhân liệt tứ chi do tổn thương cột sống, chấn thương sọ não, viêm não, viêm tủy, tai biến mạch máu não ở người cao tuổi. Ngoài ra, các bệnh rối loạn chức nặng, khí huyết không thông, teo cơ, tâm thần phân liệt, não chậm phát triển ở trẻ em, hen suyễn, liệt dương, béo phì, bướu lành, mất ngủ..., cũng có thể điều trị bằng mãng chẩm.
Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam cho biết mãng châm hiện nay phát triển rất mạnh trên toàn thế giới, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Liên hiệp Hội Châm cứu Thế giới (WFAS), sự hỗ trợ và chỉ đạo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giữ một vai trò quan trọng trong điều trị các loại di chứng liệt.
- Tân châm
Trường phái Tân châm là phương pháp châm cứu dùng kim dài, kim to xuyên huyệt, xuyên kinh, kết hợp y học hiện đại là kích thích dòng xung điện lên huyệt và thủy châm thuốc y học hiện đại vào huyệt để phát huy tác dụng và hiệu quả chữa bệnh. Đặc biệt, phương pháp này chữa được nhiều bệnh khó và bệnh nặng lâu ngày như di chứng liệt do tai biến mạch máu não, chấn thương cột sống tủy, bệnh lý bại não của trẻ em...
Phương pháp này được ứng dụng trong chữa các bệnh hiếm khi điều trị khỏi, trong đó có câm, điếc, di chứng bại liệt, liệt do tổn thương tủy sống... So với phương pháp châm cũ thì tân châm kích thích mạnh và liên tục hơn. Bệnh nhân được châm sâu vào các huyệt, xuyên từ huyệt này sang huyệt khác.
Giáo sư Nguyễn Tài Thu vẫn hăng say làm việc ở tuổi xế chiều. Ảnh: TTXVN. |
- Thủy châm
Thủy châm được phát minh dựa trên nguyên lý là cùng một loại thuốc, nếu tiêm vào huyệt vị, tác dụng sẽ trực tiếp và mạnh hơn tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. Khi tiêm vào huyệt vị có thể tạo nhiều tác dụng dược lý khác nhau.
Phương pháp này đặc biệt hiệu quả trong điều trị rối loạn tiền đình, khó thở, rối loạn nhịp tim, nôn ói, táo bón, sốt cao, co giật – động kinh, đau đầu, mất ngủ, đau thần kinh tọa, liệt dương, rối loạn thần kinh thực vật, huyết áp cao, hen suyễn, đau dạ dày - tá tràng, viêm tử cung…
Cả đời gắn bó với cây châm, nhiều người kính trọng gọi GS Nguyễn Tài Thu là vị bác sĩ cả đời "khóc vì người dưng".
Ông từng tâm sự trên truyền thông: "Làm thầy thuốc, trước hết phải có một trái tim dễ rung động trước nỗi đau của người khác, nhưng để làm thầy thuốc giỏi, cần một cái đầu trí tuệ. Là người trải nghiệm qua gần hết phong ba bão táp cuộc đời, thậm chí có lúc phải đối mặt với đớn đau tưởng như chết đi sống lại, chính nó đã bồi tụ cho tôi thêm mạnh mẽ. Nhưng tôi là người rất dễ xúc động, dễ khóc".
Suốt một đời dài, "Vua châm cứu" không chỉ để lại tuyệt tác mà còn dày công đào tạo được một đội ngũ các nhà châm cứu giỏi cho đất nước.
Xin nghiêng mình tiễn biệt ông!