1. Kon Tum nổi tiếng với đặc sản nào sau đây?
Gỏi lá là đặc sản nổi tiếng ở Kon Tum. Món ăn có sử dụng hàng chục loại lá rừng khác nhau, kết hợp các thành phần ăn kèm như thịt ba rọi, da heo thái mỏng, tôm (tép) rang, tiêu hạt, muối hạt, ớt, nước chấm pha sệt... Để thưởng thức gỏi lá "đúng điệu", thực khách sẽ chọn những loại lá to bản, tự tay gấp thành hình phễu rồi cho các nguyên liệu vào trong thành một "bó" đầy đặn. Ảnh: Vietnamlocalfood. |
2. Các địa phương như Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa có món gỏi nào ăn kèm nhiều loại lá khác nhau?
Gỏi nhệch, hay gỏi cá nhệch là đặc sản ở một số địa phương như Kim Sơn (Ninh Bình), Thái Thụy (Thái Bình), Tràng Cát (Hải An, Hải Phòng), Giao Thủy (Nam Định), Nga Sơn (Thanh Hóa). Tùy nơi mà món ăn có thể được chế biến theo những cách khác nhau, trong đó nguyên liệu không thể thiếu là cá nhệch (trông khá giống lươn, mình trơn, sơ chế cầu kỳ) được thái nhỏ, bóp thính, gia vị, ăn cùng nhiều loại rau như lá sung, vọng cách, lá mơ, sắn thuyền, lá bứa, đinh lăng, mùi ta, húng, khế chua, chuối xanh... Ảnh: Jolie_le_. |
3. Một nét ẩm thực hấp dẫn du khách khi đến Đà Lạt (Lâm Đồng)?
Đà Lạt nổi tiếng với nhiều loại nông sản tươi ngon. Đến thành phố sương mù thơ mộng, du khách có thể thưởng thức buffet rau hấp dẫn. Người ta phục vụ hơn 20 loại rau xanh, củ, quả như cải đắng, cải ngọt, cải thảo, rau má, rau muống, mồng tơi, bắp chuối, cà rốt, khoai môn, khoai tây… để bạn tự chọn theo sở thích, làm món salad trộn với nhiều loại nước sốt khác nhau, hay ăn kèm với lẩu. Ảnh: Pp.dottie. |
4. Một loại bánh tráng đặc sản của Tây Ninh dùng trong món cuốn thịt luộc với các loại rau rừng?
Là đặc sản nổi tiếng của Tây Ninh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng có màu trắng đục, vị mằn mặn, cùng độ dày dai, deo dẻo đặc trưng. Loại bánh tráng này thường dùng trong món cuốn thịt luộc chấm nước mắm, ăn kèm với đủ loại rau rừng, rau sông như lá cóc non, lá trâm ổi, lá mặt trăng, lá cách, lá chiếc, lá bứa, lá bí bái, lá chùm mồi, lá lộc vừng, rau quế vị... Ảnh: Fat.and.fatter. |
5. Một đặc sản ở TP.HCM có thể luộc, cuốn bánh tráng cùng nhiều loại rau rừng?
Vùng "đất thép thành đồng" Củ Chi ở TP.HCM nổi tiếng với đặc sản bò tơ cho thịt mềm, ngọt tự nhiên, có da mỏng, giòn hấp dẫn. Bò tơ Củ Chi có thể chế biến nhiều món ăn, trong đó phổ biến nhất có lẽ là bò tơ luộc, cuốn bánh tráng cùng nhiều loại rau rừng thơm ngon. Ảnh: Sgtiepthi. |
6. Một đặc sản ở núi Cấm (An Giang)?
Núi Cấm, tức Thiên Cấm Sơn, là địa danh nổi tiếng ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đến núi Cấm, du khách có thể thưởng thức đặc sản bánh xèo rau rừng hấp dẫn. Bánh xèo vàng ươm, giòn tan được đổ mỏng, kích thước lớn kiểu miền Tây, ăn kèm hàng chục loại rau rừng của địa phương như kim thất, sung, sộp, bứa, mã đề, hồng ngọc, cát lồi... Ngoài thưởng thức tại chỗ, bạn cũng có thể mua các loại rau tươi ngon này về làm quà. Ảnh: Thamhiemmekong. |
7. Món lẩu miền Tây có nhiều loại rau, hoa ăn kèm?
Lẩu mắm mang nhiều hương vị đặc trưng của miền Tây sông nước. Nước lẩu nấu từ các loại mắm ngon, nguyên liệu tươi sống nhúng lẩu khá đa dạng như cá hú, tôm, mực, lươn, heo quay... Đặc biệt, ăn kèm với lẩu mắm là nhiều loại rau, loại hoa dân dã như nhút, bông súng, kèo nèo, muống bào, điên điển, bông bí, so đũa, lục bình... Ảnh: Hutaxuta.foodie. |