Nữ đại gia xinh đẹp Nguyễn Thiên Lý
Nguyễn Thiên Lý (39 tuổi, quê Quảng Bình), một trong những “siêu trùm” cho vay nặng lãi trong vụ án Huyền Như từng phải lãnh 4 năm tù vào năm 2009 về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Đáng lẽ Lý phải chấp hành hình phạt tù đến năm 2013, tuy nhiên do dính vào vụ Huyền Như nên nữ đại gia này được hoãn thi hành án, tại ngoại để phục vụ công tác điều tra.
Nữ đại gia Nguyễn Thiên Lý. |
Theo kết quả điều tra, cuối năm 2007, thông qua Hùng Mỹ Phương (làm nghề môi giới chứng khoán) Lý chủ động đến Ngân hàng Công thương tìm Như và nói có tiền cho cô ta vay.
Như đồng ý vay 100.000 USD và 3 tỷ đồng với lãi suất 0,4 %/ngày. Sau này, số tiền ngày càng nhiều hơn, có khi Như vay tới hơn 40 tỷ đồng với mức lãi suất từ 0,4 - 3,7%/ ngày.
Từ tháng 12/2009 đến tháng 9/2011, Nguyễn Thiên Lý đã cho Huyền Như vay 554 tỷ đồng và 340.000 USD. "Siêu lừa" đã trả 1.296 tỷ nhưng vẫn còn nợ Lý 216 tỷ và 340.000 USD. Tổng cộng, Lý đã thu lợi hơn 735 tỷ đồng từ việc cho Huyền Như vay với lãi suất cắt cổ.
Vụ việc vỡ lở, Huyền Như bị bắt, Lý cũng phải hầu tòa vì hành vi Cho vay lãi nặng với mức lãi suất cao gấp 10 lần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nữ đại gia cũng bị cơ quan điều tra kê biên số tài sản với tổng trị giá hơn 318 tỷ đồng.
Nhiều người cho biết, số tiền này chẳng thấm vào đâu so với số tài sản thực mà bà trùm này đang nắm giữ.
"Trùm" Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên)
Là một con cáo già trên lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nhưng ông bầu nổi tiếng một thời Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, ngụ Hà Nội) vẫn bị Huyền Như lừa một vố rất lớn.
Giữa năm 2011, Như được thăng chức quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Vào thời gian này, Ngân hàng Á Châu (ACB) huy động vốn từ khách hàng lượng tiền rất lớn nhưng không biết đầu tư vào đâu.
Bầu Kiên cùng các lãnh đạo ACB lúc đó họp bàn thống nhất phương án cho nhân viên “ôm” tiền đi gửi các ngân hàng khác để vừa được nhận lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng “hoa hồng” theo chương trình khuyến mãi cũa từng ngân hàng.
Nhiều đại gia phải hầu tòa vì làm ăn phi pháp với Huyền Như. |
Từ tháng 6 - tháng 9/2011, theo chỉ thị từ cấp trên, 19 nhân viên ACB đã đem tổng cộng 718.980.000.000 đồng đi gửi tiết kiệm vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP.HCM.
Ngay sau khi nhận tiền gửi từ ACB, Huyền Như đã lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. Sau khi vụ việc của Huyền Như vỡ lở thì hàng loạt sai phạm của bầu Kiên cùng đồng phạm cũng bị phanh phui.
Ông bầu này hiện đang bị bắt giữ, điều tra về đại án tham nhũng khác xảy ra tại Ngân hàng Á Châu.
Tổng giám đốc hầu tòa
Công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương được thành lập vào năm 2008 với vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng do Phạm Anh Tuấn (37 tuổi, ngụ TP.HCM) làm Tổng giám đốc.
Mặc dù công ty không có chức năng kinh doanh tài chính và ủy thác đầu tư vốn nhưng đầu năm 2010, Tuấn vẫn ký với Vietinbank chi nhánh TP.HCM hợp đồng gửi 118 tỷ đồng với lãi suất 10,49%/năm cùng 1% lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng.
Tuấn trước vành móng ngựa. |
Đến tháng 3/2010, Tuấn trực tiếp gọi điện cho Như đề nghị được gửi tiền. Cô ta nói vị tổng giám đốc gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Tuấn yêu cầu nếu chuyển về đây thì phải nâng mức lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng. Do đang cần tiền trả nợ nên Như đồng ý.
Từ tháng 3/2010 đến tháng 6/2011, Tuấn đã ký tổng cộng 15 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn (gần 1.500 tỷ đồng) với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè (các hợp đồng này đều do Như làm giả). Đến nay đã tất toán 14 hợp đồng, còn một hợp đồng 80 tỷ đồng chưa tất toán đã bị Huyền Như chiếm đoạt.
Huyền Như bị bắt, vị Tổng giám đốc cũng phải theo chân “siêu lừa” ra vành móng ngựa. Trong vụ án này, Phạm Anh Tuấn bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ với khung hình phạt từ 10 - 15 năm tù.